Cần đầu tư đồng bộ hệ thống thu phí không dừng

Nhằm công khai, minh bạch việc thu phí phương tiện giao thông theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, từ đầu năm 2019 đến nay, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hai trạm thu phí BOT tự động không dừng (ETC). Tuy nhiên, qua ghi nhận, số các chủ phương tiện sử dụng hình thức thu phí này còn quá thấp do hệ thống thu phí ETC thiếu đồng bộ, không bảo đảm tính kết nối và tiện ích cho người sử dụng…

Làn thu phí tự động không dừng vừa đưa vào hoạt động tại Trạm thu phí BOT Cầu Phú Mỹ (quận 2) khá vắng xe ô-tô lưu thông.
Làn thu phí tự động không dừng vừa đưa vào hoạt động tại Trạm thu phí BOT Cầu Phú Mỹ (quận 2) khá vắng xe ô-tô lưu thông.

Ngày 23-3, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Phú Mỹ tổ chức thu phí tại Trạm BOT cầu Phú Mỹ (quận 2) theo hình thức tự động không dừng. Tại trạm thu phí, chủ đầu tư thực hiện thu phí ETC giai đoạn một với bốn làn thu phí tự động, trong đó có hai làn thu phí cho mỗi chiều, các làn thu phí còn lại vẫn tổ chức thu phí bình thường. Sáng 30-3, ghi nhận thời gian một tuần tổ chức thu phí theo hình thức ETC tại trạm, bốn làn thu phí ETC (hai làn chiều đi và hai làn chiều về) chỉ thỉnh thoảng mới có một vài chiếc xe ô-tô chạy qua, các phương tiện khác hầu như đi vào các làn thu phí một dừng (mua vé lượt hay sử dụng vé tháng). Đại diện Trạm thu phí BOT cầu Phú Mỹ cho biết: Sau gần một tuần thu phí ETC, số lượt xe qua trạm trung bình là 150 lượt/ngày, rất thấp so với tổng số lượt xe qua trạm thu phí. Bắt đầu áp dụng hình thức thu phí ETC vào tháng 1-2019, hiện nay, lưu lượng xe sử dụng thẻ thu phí tự động e-tag (thu phí tự động không dừng) tại Trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc (quận Bình Tân) có nhích hơn so với thời gian đầu. Tuy nhiên, các làn thu phí ETC tại đây cũng đìu hiu cho nên sau một tháng chia làn dành riêng cho thu phí ETC, chủ đầu tư đã nhập hai hình thức thu phí vào cùng một làn để tránh tình trạng làn thì quá vắng, làn lại quá đông gây ùn ứ. Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển hạ tầng IDICO, chủ đầu tư Trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc Nguyễn Hồng Ninh cho biết: Theo thống kê doanh thu mỗi ngày từ thu phí ETC tại trạm khoảng 20 triệu đồng, con số này vẫn chưa đạt như kỳ vọng và kinh phí đầu tư cơ sở vật chất mà chủ đầu tư bỏ ra (gần 60 tỷ đồng) để lắp đặt hệ thống thu phí không dừng. Phân tích qua phần mềm kiểm soát, chủ đầu tư Trạm BOT An Sương-An Lạc nhận thấy các chủ phương tiện thực hiện dán thẻ e-tag trên xe nhiều nhưng thực tế chủ phương tiện nạp tiền trong tài khoản rất ít, điều này đồng nghĩa chủ phương tiện chỉ dán thẻ theo “phong trào” (vì được miễn phí dán thẻ) cho nên dán để đó chứ không có mục đích sử dụng.

Theo ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hồ Chí Minh, một trong những nguyên nhân khiến chủ phương tiện còn thờ ơ làm thẻ e-tag để sử dụng hình thức thu phí ETC là do hệ thống các trạm BOT trên cả nước chưa được đầu tư và lắp đặt đồng bộ hệ thống thu phí tự động cho nên không thuận tiện khi sử dụng thẻ đi qua toàn bộ các trạm thu phí trên toàn quốc. Mặt khác, các chủ phương tiện vẫn có tâm lý trả tiền mặt mua vé lượt hơn là làm thẻ e-tag thanh toán tự động. Chẳng hạn, tại các trạm thu phí ở khu vực TP Hồ Chí Minh thì sử dụng loại thẻ e-tag (thẻ giấy) để dán lên kính xe kiểm soát khi qua trạm, còn trạm thu phí Long Thành - Dầu Giây lại sử dụng thiết bị OBU (đầu đọc) để kiểm soát khi qua trạm. Đây chính là bất cập của hệ thống thu phí không dừng cần được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhanh chóng khắc phục để tránh phiền hà, tạo thuận lợi cũng như khuyến khích các doanh nghiệp (DN) sử dụng hệ thống thu phí không dừng. Một bất cập khác cũng được nhiều DN vận tải đặt ra, hiện nay trên cả nước chỉ có duy nhất một DN cung cấp dịch vụ dán thẻ e-tag (Công ty TNHH thu phí tự động VETC) thì liệu có bảo đảm yếu tố cạnh tranh về chất lượng, hiệu quả dịch vụ cũng như tính công khai, minh bạch. Ngoài ra, việc nộp tiền vào tài khoản giao thông (tài khoản trả trước giá dịch vụ sử dụng đường bộ) cũng chưa được thuận tiện cho người sử dụng (vì chỉ có một ngân hàng do DN cung cấp dịch vụ dán thẻ e-tag đưa ra), hay quy định chủ phương tiện phải bỏ tiền trước vào tài khoản giao thông trong khi không áp dụng lãi nhàn rỗi phát sinh cũng là một bất cập cũng cần được xem xét. Theo đại diện khu vực phía nam của Công ty TNHH thu phí tự động VETC, tại TP Hồ Chí Minh đã có 80 nghìn thẻ e-tag dán vào ô-tô và chỉ có 20% số phương tiện dán thẻ đi qua trạm có thu phí tự động không dừng. Tại các tỉnh phía nam, khu vực lân cận TP Hồ Chí Minh như Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Tây Ninh chủ phương tiện cũng dán thẻ nhưng tỷ lệ xe ô-tô qua trạm thu phí tự động chỉ chiếm 15%.

Để chủ trương thu phí tự động không dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ bảo đảm đúng lộ trình và thu hút nhiều các chủ phương tiện đồng thuận tham gia, Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần nhanh chóng tháo gỡ những vướng mắc liên quan như, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống nhằm bảo đảm tính đồng bộ và liên thông; đấu thầu công khai để lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ dán thẻ thu phí hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến, bảo đảm nhiều kênh thanh toán qua các hệ thống ngân hàng để tăng tính tiện ích và hiệu quả cho người sử dụng.

Mới đây, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin, để tháo gỡ những vướng mắc liên quan thu phí không dừng và tạo điều kiện thuận lợi cho chủ phương tiện trong quá trình tham gia sử dụng dịch vụ, Bộ GTVT đang làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, một số ngân hàng cung cấp tín dụng xây dựng các phương án kết nối tài khoản giao thông với tài khoản cá nhân của các chủ phương tiện. Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị khuyến khích các phương tiện thuộc diện thu phí đường bộ phải tham gia dán thẻ và sử dụng dịch vụ.