Cần chính sách riêng để tái chế rác thải

TP Hồ Chí Minh mỗi năm phải chi khoảng 1.000 tỷ đồng cho công tác vận chuyển, xử lý rác thải. Phần lớn lượng rác này được xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp thủ công, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Thùng rác thông minh, thân thiện với môi trường được lắp đặt tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1).
Thùng rác thông minh, thân thiện với môi trường được lắp đặt tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1).

Thành phố Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày có hơn 9.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó, hơn 80% lượng chất thải được xử lý bằng hình thức chôn lấp. Những bãi tập kết rác theo kiểu này đã quá tải, mức độ ô nhiễm cao, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường. Có nhiều bãi rác dù đã đóng cửa, không tiếp nhận xử lý rác, nhưng nguồn nước ngầm chung quanh đã có dấu hiệu ô nhiễm kim loại nặng và các loại hóa chất độc hại. Theo các chuyên gia môi trường, biện pháp chôn lấp rác thải như hiện nay là không an toàn, bởi không làm cho rác bị phân hủy mà còn làm cho khí độc CO2, CH4, NH3… phát tán ra ngoài. Trong khi đó, nếu lượng rác từ nhựa được sản xuất tái sinh sẽ góp phần làm giảm giá nguyên liệu đầu vào và giá thành sản phẩm, có lợi cho cả doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng. Việc tái sử dụng rác thải sinh hoạt vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm diện tích đất chôn lấp, đồng thời tạo ra các sản phẩm có ích được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Thực tế hiện nay cho thấy, một số tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long… đã đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xây dựng các nhà máy chế biến từ rác thải rắn sinh hoạt thành phân hữu cơ sinh học (compost), khí sinh học (biogas). Tuy nhiên, các dự án này chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức, vì vậy, việc triển khai xử lý rác theo hướng có lợi cho môi trường còn gặp nhiều khó khăn. Đó là do các quy định về thông tin, giáo dục, nâng cao nhận thức về tái chế chất thải rắn chủ yếu vẫn nằm trong các nội dung về bảo vệ môi trường nói chung mà chưa có những chính sách riêng hỗ trợ cho hoạt động tái chế.

Chiến lược về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặt mục tiêu đến năm 2025, tất cả các đô thị có công trình tái chế chất thải rắn thực hiện phân loại tại hộ gia đình, toàn bộ lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị và tại các làng nghề được thu gom và xử lý theo đúng tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Việc tái chế nguồn rác thải có tiềm năng rất lớn mang lại lợi ích kinh tế và góp phần giải quyết bài toán môi trường, nhưng hiện trên địa bàn thành phố, các cơ sở tái chế chủ yếu hoạt động quy mô vừa và nhỏ cho nên chưa có khả năng khai thác hết nguồn lợi này. Vì thế, rất khó để đầu tư công nghệ mới và tái chế ra những sản phẩm có giá trị.

Theo Quỹ Tái chế chất thải TP Hồ Chí Minh, hơn 90% số cơ sở tái chế chất thải không có cán bộ chuyên trách về môi trường, 94% số cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải và khoảng 84% số cơ sở không có hệ thống xử lý khí thải. Nhiều cơ sở tái chế chất thải không góp phần bảo vệ môi trường mà còn là tác nhân gây ô nhiễm môi trường trong khu vực sản xuất. Do đó, việc UBND thành phố chấp thuận triển khai thực hiện các dự án nhà máy tái chế và xử lý chất thải công nghiệp là một chủ trương kịp thời. Các dự án này hiện đang trong giai đoạn kêu gọi đầu tư như nhà máy tái chế và xử lý chất thải nguy hại công suất 500 tấn/ngày tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Dự án xây dựng bãi chôn lấp chất thải nguy hại an toàn công suất 100 tấn/ngày; dự án khu phức hợp quản lý chất thải công nghiệp tổng hợp công suất 200-360 tấn tại Khu liên hiệp xử lý chất thải Phước Hiệp… Tuy nhiên hiện nay, việc huy động nguồn vốn cho các dự án là không đơn giản. Vì vậy, nếu không có những chính sách đột phá, mục tiêu đến năm 2025 là trong 100% chất thải rắn thông thường ở đô thị, chất thải nguy hại, chất thải y tế sẽ có 40% làm phân compost, 10% tái chế, 10% đốt phát điện, 40% chôn lấp hợp vệ sinh… sẽ khó thực hiện.