Cần chính sách phù hợp khi chấm dứt hợp đồng lao động

Liên tục trong hai tháng qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất có quy mô lớn với hàng nghìn công nhân lao động đã phải thu hẹp sản xuất, cho người lao động (NLĐ) nghỉ việc. Để có chính sách phù hợp, bảo đảm quyền lợi, giúp NLĐ ổn định cuộc sống sau nghỉ việc là vấn đề được đông đảo công nhân lao động quan tâm.

Công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam giờ tan ca. Ảnh: Hoàng Triệu
Công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam giờ tan ca. Ảnh: Hoàng Triệu

Ngày 20-6, gần 2.900 công nhân thuộc nhiều bộ phận của Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân) đã có buổi làm việc với Ban Giám đốc công ty chung quanh việc công ty chấm dứt hợp đồng lao động đối với công nhân các bộ phận không có đơn hàng, gặp khó khăn trong sản xuất do ảnh hưởng dịch Covid-19. Trong số 2.876 công nhân nghỉ việc có 2.321 lao động nữ (chiếm 83%) và 465 lao động nam (17%). Theo thông báo đưa ra, công ty sẽ thông báo chấm dứt hợp đồng lao động trước 45 ngày cho NLÐ theo đúng quy định (ngày 5-8, các công nhân chính thức ngưng hợp đồng lao động). Tuy nhiên trong thời gian này, NLÐ không phải làm việc nhưng vẫn được hưởng nguyên lương. Về hướng giải quyết quyền lợi cho NLÐ nghỉ việc, ông Củ Phát Nghiệp, Chủ tịch Công đoàn Công ty PouYuen cho biết: Công ty sẽ đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đến ngày chấm dứt hợp đồng lao động để bảo đảm quyền lợi cho công nhân. Công ty cũng sẽ sớm chốt sổ BHXH và hướng dẫn thủ tục đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp cho NLÐ. Trong trường hợp có đơn hàng trở lại và có nhu cầu tuyển thêm lao động, công ty sẽ ưu tiên tiếp nhận số công nhân này trở lại làm việc.

Ban Giám đốc công ty cho biết, sẽ áp dụng một số chính sách hỗ trợ cao hơn quy định pháp luật theo hướng có lợi cho NLÐ. Cụ thể, công ty sẽ chi trả toàn bộ thời gian NLÐ làm việc tại công ty mỗi năm một tháng tiền lương (bình quân sáu tháng tiền lương theo hợp đồng lao động trước khi chấm dứt hợp đồng lao động), kể cả thời gian đã tham gia BHTN từ năm 2009 đến nay. Trường hợp có tháng lẻ trên sáu tháng sẽ tính là một năm, dưới sáu tháng tính là nửa năm. Thí dụ, nếu công nhân làm việc ở Công ty PouYuen 10 năm, với tiền lương bình quân là 7 triệu đồng/tháng, khi nghỉ việc, công nhân sẽ được công ty hỗ trợ 70 triệu đồng. Bên cạnh đó, công nhân vẫn nhận trợ cấp thất nghiệp từ quỹ BHTN tại các trung tâm dịch vụ việc làm. Với chính sách áp dụng của Công ty PouYuen, Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) quận Bình Tân cho biết: Bình quân, mức trợ cấp thất nghiệp cho công nhân nghỉ việc khoảng từ 60 đến 70 triệu đồng. Những công nhân mới vào làm việc cũng được công ty hỗ trợ khoảng ba triệu đồng. Những công nhân làm việc hơn 20 năm sẽ được nhận hỗ trợ khoảng 300 triệu đồng... Ðây cũng là khoản hỗ trợ hợp lý để NLÐ yên tâm ổn định cuộc sống và tìm việc làm mới.

Trước đó, vào tháng 5, Công ty cổ phần Giày da Huê Phong (quận Gò Vấp) cũng cắt giảm 2.222 công nhân trong tổng số hơn 4.500 NLÐ do công ty không ký được hợp đồng sản xuất mới, không xuất khẩu được hàng vào thị trường châu Âu và Mỹ vì dịch Covid-19. Công ty đã trao đổi với công đoàn cơ sở, LÐLÐ quận, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về phương án sử dụng lao động, đồng thời tính toán nguồn tài chính để cắt giảm lao động đúng pháp luật. Cụ thể, công ty trả trợ cấp mất việc làm cho những công nhân lao động làm việc tại công ty từ năm 2008 trở về trước, mỗi người hai tháng lương với tổng số tiền gần 53 tỷ đồng (cho 2.222 lao động); đối với những công nhân đủ điều kiện hưởng BHTN, công nhân làm thủ tục để cơ quan BHXH chi trả theo quy định. Số lao động bị cắt giảm cũng không có lao động nữ đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Một DN cũng cho toàn bộ NLÐ nghỉ việc với số lượng gần 1.000 người là Công ty TNHH Pungkook Sai Gon (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7). Tháng 4, công ty thông báo đến NLÐ và ngày 15-5, công ty đã cho 946 công nhân nghỉ việc, đồng thời giải quyết mọi chế độ theo đúng quy định như trả lương, trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp. Theo Công đoàn các khu chế xuất - khu công nghiệp, sau hơn một tháng NLÐ nghỉ việc, ngày 23-6 công ty đã trả sổ BHXH cho NLÐ; việc chi trả các chế độ cho NLÐ cũng được bộ phận công đoàn giám sát chặt chẽ và nghiêm ngặt. Trước đó, Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố đã ban hành quyết định cho Công ty TNHH Pungkook Sai Gon giải thể theo nguyện vọng của giám đốc.

Theo Luật gia Trần Văn Triều, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật- LÐLÐ TP Hồ Chí Minh, các DN áp dụng Ðiều 38 Bộ luật Lao động để chấm dứt hợp đồng lao động đối với NLÐ do gặp thiên tai, dịch bệnh vì đây là điều bất khả kháng, nhưng phải bảo đảm xây dựng phương án sử dụng lao động cũng như bảo đảm giải quyết đầy đủ các quyền lợi cho NLÐ về lương, trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp... (theo các Ðiều 44, 45, 46 Bộ luật Lao động). Tuy nhiên, công đoàn cơ sở và các cơ quan chức năng phải giám sát chặt việc sa thải NLÐ tại DN dù là khó khăn do dịch bệnh, tránh tình trạng sa thải NLÐ là nữ lớn tuổi vì họ sẽ gặp thiệt thòi khi mất việc, rất khó kiếm việc làm mới.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề nghị, các cấp công đoàn, LÐLÐ địa phương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nên kiểm tra, giám sát đầy đủ và kịp thời, không để các DN lấy cớ gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 để sa thải NLÐ, nhất là NLÐ lớn tuổi, rồi sau đó tuyển NLÐ mới nhằm né tránh các chế độ quyền lợi đối với NLÐ, gây thiệt thòi cho công nhân lao động cũng như ảnh hưởng thị trường lao động của thành phố.