Cách làm mới trong chỉnh trang, phát triển đô thị

Quận 3 là địa phương tiên phong của TP Hồ Chí Minh chủ động thay đổi cách làm trong chỉnh trang và phát triển đô thị. Từ nhiều năm trước, quận 3 đã mời các đơn vị tư vấn quốc tế có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu lập quy hoạch phát triển đô thị và đề xuất các giải pháp thực hiện bảo đảm sự đồng thuận cao, hài hòa các lợi ích.

Hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đi qua địa bàn là điểm nhấn quy hoạch, chỉnh trang đô thị của quận 3.
Hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đi qua địa bàn là điểm nhấn quy hoạch, chỉnh trang đô thị của quận 3.

Phó Chủ tịch UBND quận 3 Trần Thanh Bình cho biết, quận 3 và đơn vị tư vấn thống nhất chọn khu vực dọc hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đi qua địa bàn quận làm trọng tâm quy hoạch, tạo đột phá trong chỉnh trang đô thị. Khu vực nghiên cứu có tổng diện tích khoảng 110 ha, gồm một phần các phường 7, 9, 10, 11, 13 và 14, trong đó tổng diện tích đất đường sắt gần 20 ha. Tổng số dân bị ảnh hưởng dự án khoảng 54 nghìn người. Định hướng quy hoạch là lấy khu vực ga Sài Gòn làm động lực phát triển, bố trí dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè những chức năng khác. Đồng thời, cải tạo cảnh quan hai bên bờ kênh, kết hợp dự án chỉnh trang đô thị để tổ chức giao thông, bổ sung các công viên, tập trung, mở rộng và bảo tồn nét đặc trưng văn hóa lịch sử từng khu vực. Để thực hiện việc chỉnh trang đô thị sẽ hình thành bảy dự án gồm: Khu chung cư trung tâm thương mại Lê Văn Sỹ (phường 13); khu tái định cư tại khu vực Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn (phường 11); khu vực Nhà ga Hòa Hưng và khu chỉnh trang đô thị tại các phường 7, 9, 11, 14.

Đơn vị tư vấn đề xuất giải pháp thực hiện theo hình thức cuốn chiếu, toàn bộ người dân bị ảnh hưởng sẽ được tái định cư tại chỗ và ưu tiên xây dựng nhà tái định cư cho người dân trước. Cách làm này sẽ tạo được sự đồng thuận, nâng cao chất lượng sống cho người dân, đồng thời chính quyền, nhà đầu tư vẫn có quỹ đất để xây dựng các công trình thương mại cũng như tạo thêm hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội cho khu vực.

Ngoài việc nghiên cứu và lập quy hoạch, để có nguồn vốn đầu tư, lãnh đạo quận 3 đã chủ động mời các doanh nghiệp (DN) tham gia xây dựng các dự án chỉnh trang đô thị theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong thư mời gửi đến các DN, quận 3 ghi rõ địa chỉ khu vực, số dân bị ảnh hưởng, chiều cao công trình, mật độ xây dựng, chức năng quy hoạch đất… để nhà đầu tư tính toán lựa chọn. Bằng cách làm này, hiện đã có hàng chục DN đồng hành với chính quyền quận 3 trong chỉnh trang, phát triển đô thị.

Bí thư Quận ủy quận 3 Trần Trọng Tuấn cho biết thêm, quận đang triển khai ba dự án chỉnh trang đô thị cấp bách, gồm: Xây dựng khu dân cư - thương mại tại khu vực chợ Nguyễn Văn Trỗi và thay thế chín chung cư cũ nguy hiểm, hư hỏng nặng; xây dựng khu tái định cư tại phường 11; điều chỉnh quy hoạch, xây dựng chỉnh trang dọc hai bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè… Quan điểm của quận khi triển khai là phải đạt được sự đồng thuận của người dân, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước và DN trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật. Nơi ở của người dân tái định cư phải gắn liền với không gian sống, việc làm, điều kiện học hành, đi lại…

Tùy vào từng nhóm đối tượng bị ảnh hưởng khi triển khai các dự án mà quận có các chính sách linh hoạt. Chẳng hạn, với các tiểu thương thì phải bảo đảm việc kinh doanh, buôn bán của họ bị ảnh hưởng ở mức thấp nhất; đối với người dân bị di dời, cần chú trọng đến đơn giá bồi thường, bố trí tái định cư. Tùy từng vị trí, hoàn cảnh để có chính sách hợp lòng dân nhất. Khi người dân đồng tình ủng hộ thì dự án có khó đến mấy cũng sẽ thực hiện được.

Tại buổi làm việc mới đây với lãnh đạo quận 3 về chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đề nghị quận 3 khi thực hiện các đồ án chỉnh trang đô thị cần có cách tiếp cận để vừa chỉnh trang, làm mới nhưng ít tạo sự tác động nhất đến đời sống người dân. Đối với ba dự án cấp bách đang thực hiện, quận và các sở, ngành phải tìm hiểu, điều tra xã hội học thật kỹ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân, từ đó đề xuất với thành phố những khó khăn, vướng mắc cần phải tháo gỡ kịp thời.

Trước áp lực về số dân gia tăng, hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội quá tải như hiện nay thì việc chỉnh trang đô thị gắn với phát triển kinh tế - xã hội là rất cấp bách. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách chưa đáp ứng được nhu cầu thì cần tái cơ cấu, quy hoạch lại quỹ đất, làm sao người dân vẫn có đủ đất để ở, quận có quỹ đất dôi dư để đầu tư thêm các công trình công ích, đấu giá xây dựng các công trình dịch vụ, thương mại. Làm theo phương thức này, không những bộ mặt đô thị được chỉnh trang đẹp đẽ, hiện đại, kinh tế phát triển, mà chất lượng sống của người dân cũng sẽ được nâng lên rõ rệt.