Cả đời gắn bó với âm nhạc dân tộc

Hay tin cây đại thụ của nền âm nhạc dân tộc - Giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Khê vừa qua đời (ngày 24-6-2015), những người yêu mến ông đều không kìm nén được xúc động. Lúc ông còn tương đối khỏe đã dành cho chúng tôi một buổi tiếp xúc, xin ghi lại những dòng cảm xúc này như một nén tâm nhang kính viếng ông, một người thầy kính mến.

GS, TS Trần Văn Khê.
GS, TS Trần Văn Khê.

Trong ngôi nhà ở phường 14, quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh), thầy Khê kể với chúng tôi, đầu thập niên 1960 ông đã viết bài giới thiệu, ca ngợi sức sống cùng lòng mến mộ của người bình dân phương nam dành cho nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Vui chuyện, ông kể về con đường đến với âm nhạc của mình, giải thích vì sao từ một sinh viên trường y lại chuyển hướng dành tất cả tâm huyết cho âm nhạc dân tộc.

… Ông sinh trưởng trong một gia đình cải lương tài tử tại Tiền Giang. Ngay từ khi còn rất nhỏ, Trần Văn Khê đã được nghe tiếng sáo véo von của người cậu thứ năm và lớn lên trong bầu không khí thấm đẫm âm nhạc.

Năm 1942, ông ra Hà Nội học y khoa. Năm 1945, xảy ra nạn đói, sinh viên y khoa Trần Văn Khê đã hưởng ứng phong trào xếp bút nghiên cùng với Huỳnh Văn Tiểng, Hồ Thông Minh về quê lập gánh hát mua gạo cứu đói dân nghèo. Năm 1949, ông sang Pháp học. Để có chi phí học hành, ông vừa học vừa đi đàn ở các hiệu ăn. Ông đàn tranh trong hiệu ăn La Paillote, giới thiệu đàn cò, đàn tranh tại hiệu ăn Bồng Lai. Năm 1951, bệnh nặng phải nằm nhà thương dài hạn, ông suy ngẫm và giật mình khi nhìn lại những gì đã làm và chưa làm. Ông quyết định luyện tập trở lại và nghiên cứu dòng nhạc dân tộc.

Năm 1953, ông soạn luận án “Âm nhạc truyền thống Việt Nam”. Năm 1958, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Văn khoa (môn Nhạc học) Đại học Sorbonne. Từ đây, đi đến đâu ông cũng hãnh diện nói về âm nhạc nước mình. Nhiều học trò nước ngoài được thầy Trần Văn Khê dạy nhạc Việt Nam đã yêu tha thiết; thậm chí hát rất rành, đàn rất hay những bản nhạc tài tử như Nam Xuân, Tứ đại Oán...

Suốt 55 năm sống ở Pháp, ông là thành viên Ban chấp hành, sau đó là Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc tế âm nhạc thuộc UNESCO; giữ chức Giám đốc nghiên cứu trong Trung tâm nghiên cứu khoa học (CNRS), Giáo sư Trường đại học Sorbonne. Ông vẫn giữ quốc tịch Việt Nam và được công nhận là một trong 50 công dân nước ngoài lập nghiệp và nổi tiếng ở Pháp, được hưởng mọi chế độ bảo hiểm nhưng ông vẫn quyết định đem tất cả tài sản tri thức của mình về nước.

Ông tâm sự: “Khi gom đồ đạc để về Việt Nam, nhìn ngôi nhà trống rỗng mình đã từng gắn bó mấy chục năm, tôi cũng cảm thấy day dứt. Nhưng khi nghĩ về quê hương, nhận lại được sự đùm bọc, yêu thương của dân tộc, tôi cảm thấy mình như sống lại, như cá gặp nước, như rồng gặp mây”. Một điều an ủi rất lớn với ông là người con trai lớn của ông, GS, TS Trần Quang Hải, đang sống ở Pháp và vẫn tiếp nối sự nghiệp âm nhạc của ông và của ông cha thuở trước.

Là người gắn bó với nhạc dân tộc từ khi còn trong bụng mẹ, miệt mài học tập, nổi danh cả thế giới, nhưng ông vẫn xem mình là một “tài tử” của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Ông cho rằng, trải qua bao thời đại, cha ông ta đã tạo dựng và lưu truyền những nét đặc thù của âm nhạc truyền thống Việt Nam. Đầu tiên là những bài hát ru mà các bà mẹ thường dùng để đưa con vào giấc ngủ êm đềm, đến trò chơi ở tuổi đồng ấu đều bắt đầu bằng những bài đồng dao. Đó là lời dạy cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình: “Một lòng thờ mẹ kính cha …”. Rồi những câu hò gắn với công việc đồng áng giúp người nông dân thấy vui và bớt mệt. Lúc ngồi nghỉ lại có những bài lý là những bài hát trữ tình có giai điệu tương đối hoàn chỉnh theo thể lục bát hay lục bát biến thể. Vào những đêm sáng trăng hoặc dịp lễ, tết thì có những bài hát huê tình, đối ca nam nữ như các điệu hát đúm Phú Thọ, hát quan họ Bắc Ninh, hát xoan, hát ghẹo, cò lả, trống quân ở miền bắc, hát đối đáp trên cạn dưới sông ở miền trung và miền nam.

Đời sống tâm linh cũng có nhiều loại nhạc đa dạng, phong phú, sâu sắc trong nội dung và hình thức như hát văn (chầu văn miền bắc, hầu văn miền trung, rỗi bóng miền nam). Đến khi từ giã cõi đời, có những bài hò đưa linh, những điệu nhạc lễ dùng trong đám tang để đưa người quá cố về chốn vĩnh hằng.
Chúng tôi như được mở tầm mắt khi nghe ông nói về nhạc truyền thống dân gian Việt Nam. Theo thầy Khê, âm nhạc truyền thống bác học là loại nhạc đòi hỏi người diễn phải có thời gian học tập, được thầy truyền lại kỹ thuật trong thanh nhạc và khí nhạc. Loại nhạc này có những quy luật được truyền khẩu từ thầy tới trò, có những thang âm, điệu thức, tiết tấu đa dạng, phong phú; có những bài bản, làn điệu phức tạp, những cách biểu diễn có lề lối như nhạc thính phòng, do một số nhỏ nhạc công, nhạc sĩ biểu diễn cho một số nhỏ thính giả như ca trù (hát ả đào) miền bắc, ca Huế miền trung, đờn ca tài tử miền nam. Mỗi loại đều có những quy luật chặt chẽ trong kỹ thuật phát âm, cách luyến láy tế nhị, trong thủ pháp nhấn nhá tinh vi.

Nhạc sân khấu gồm hát chèo miền bắc, hát bội (hát tuồng) miền trung, hát bài chòi xứ Quảng, hát cải lương miền nam. Nghệ thuật sân khấu của người Việt rất phong phú, đa dạng, có những nét đặc thù tạo nên một bản sắc riêng biệt không thể lẫn với nghệ thuật sân khấu các nước Đông Á (Trung Quốc - Nhật Bản - Triều Tiên). Nhã nhạc cung đình Huế, kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại được bảo tồn, nghiên cứu, phát huy.

Nghe những lời thầy Khê nói, chúng tôi cảm nhận âm nhạc truyền thống đến với chúng ta từ thuở lọt lòng. Còn ông, đã đi khắp nơi để nói chuyện về nhạc dân tộc, nhất là với lớp trẻ, để họ cảm, hiểu, yêu và nhận thức được giá trị đích thực mà âm nhạc dân tộc đem lại. Điều này làm cho nhiều người luôn dành cho ông tình cảm thân thiết như các nghệ sĩ Phạm Thúy Hoan, Hải Phượng, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo...