Bứt phá chuyển đổi số

Chuyển đổi số (CÐS) đang có tác động lớn đến cuộc sống hiện tại cũng như trong tương lai. Do đó, bản thân doanh nghiệp (DN) cần có sự quan tâm đúng mực đến vấn đề này để đề ra các chiến lược hợp lý, thích nghi kịp thời và đáp ứng xu hướng hiện tại để tồn tại, phát triển.

Các đại biểu tìm hiểu về quy trình chuyển đổi số tại Hội thảo “Bứt phá chuyển đổi số - Giải đáp về thị trường và pháp lý” vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.
Các đại biểu tìm hiểu về quy trình chuyển đổi số tại Hội thảo “Bứt phá chuyển đổi số - Giải đáp về thị trường và pháp lý” vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.

Chuyển đổi số là một trong những xu hướng phát triển chung của hầu hết các DN trên toàn thế giới trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay. Ở Việt Nam, công nghệ số đã được nhiều DN triển khai, ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm thúc đẩy quá trình phát triển, mở rộng quy mô sản xuất.  Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Ðầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC) Nguyễn Tuấn, cho rằng: Ngày nay, CÐS đã trở thành xu thế phát triển tất yếu trong công tác quản lý nhà nước của các chính phủ cũng như trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, đời sống văn hóa, xã hội trên toàn cầu, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong hai năm gần đây, CÐS nhận được sự quan tâm của chính phủ cũng như cộng đồng DN nước ta. Trước làn sóng đổi mới sáng tạo diễn ra toàn cầu, Việt Nam đặt ra yêu cầu thúc đẩy mạnh mẽ CÐS quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều chính sách đã được đưa ra nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, CÐS nhanh chóng, toàn diện. Thành phố đã xây dựng chương trình CÐS và phấn đấu đến năm 2030 trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản toàn diện của chính quyền và DN. Trong nội bộ các tổ chức, DN, thành phố cũng khuyến khích có các chính sách tự thay đổi để tiếp cận gần hơn với nền kinh tế hiện đại. CÐS đang có tác động lớn đến  xã hội cho nên DN cần thay đổi để thích nghi, tồn tại và phát triển.

Các chuyên gia nhận định, CÐS không đơn thuần chỉ là việc ứng dụng công cụ công nghệ thông tin mà còn phải chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, sang kinh tế chia sẻ và hơn cả là kinh tế số. Quá trình CÐS luôn cần đến sự liên kết, hợp tác. Kết quả CÐS sẽ là sự thanh lọc, chỉ những DN giỏi hay các chuỗi liên kết có sức mạnh cạnh tranh cao mới có thể tồn tại và phát triển ổn định.

Hiện, làn sóng mua sắm trực tuyến đang trở thành thói quen của người tiêu dùng cho nên DN phải nhanh chóng thay đổi để tiếp cận nhóm khách hàng này. Thương mại điện tử (TMÐT) ngày càng phổ biến hơn là cơ hội nhưng cũng có nhiều thách thức, nhất là quản trị rủi ro và giải quyết tranh chấp trực tuyến. Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), để có một môi trường giao dịch văn minh, trung thực, hiệu quả, cần thiết phải có cơ chế xử lý, khắc phục các khiếu nại, tranh chấp phát sinh khi thực hiện giao dịch. Theo đó, bên cạnh các phương thức thương lượng, giải quyết khiếu nại thì hòa giải trực tuyến là những phương thức các sàn có thể cân nhắc sử dụng để giải quyết dứt điểm các sự cố, bảo đảm quá trình lưu thông hàng hóa, giao dịch. Phó Chủ tịch VECOM Nguyễn Ngọc Dũng nhấn mạnh: Với vai trò của hiệp hội, VECOM sẽ đi đến tất cả các địa phương để hỗ trợ TMÐT phát triển một cách bền vững. Trước đây, thống kê cho thấy TP Hồ Chí Minh và Hà Nội chiếm từ 70% đến 75% các giao dịch và các thành công trên TMÐT; ở các địa phương khác còn lại từ 25%  đến 30%. Nếu chúng ta tạo ra hệ thống TMÐT phủ khắp cả nước sẽ rất thuận lợi cho các DN trong CÐS cũng như trong giao dịch thương mại bằng công nghệ thông tin.

Trong CÐS, nhất là trong giao dịch TMÐT, DN cần chú trọng đến quản trị rủi ro và giải quyết tranh chấp trực tuyến tại Việt Nam hiện nay. Theo đó, những rủi ro pháp lý mà DN có thể gặp trong giao dịch TMÐT đó là mối quan hệ giữa nhà cung cấp - sàn TMÐT - người tiêu dùng.

Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), Phó Giám đốc thường trực Trung tâm Hòa giải Việt Nam Phan Trọng Ðạt cho biết: Trong giao dịch TMÐT, giao dịch số, việc tìm hiểu thông tin, tìm hiểu đối tác…  sẽ không chuẩn xác bằng việc gặp đối tác trực tiếp để thương thảo, giao dịch, ký kết hợp đồng. Thời gian qua, Trung tâm Hòa giải Việt Nam đã ứng dụng nhiều công nghệ vào việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp không thể di chuyển, gặp trực tiếp được, thì các bên tranh chấp, nhất là bên có yếu tố nước ngoài tổ chức các cuộc họp thông qua các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết. Thực tế, Trung tâm đã giải quyết được nhiều vụ tranh chấp giữa các DN với nhau bằng phương thức trực tuyến này. Trong tương lai gần, Trung tâm sẽ tiến hành triển khai ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong việc giải quyết tranh chấp của các DN.

Về phương thức hòa giải, Trung tâm đã cung cấp nền tảng hòa giải trực tuyến. Với nền tảng này, tất cả các quy trình của việc hòa giải được thực hiện trên thiết bị thông minh (điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính bảng…) mà không cần gặp trực tiếp nhau. Cách giải quyết này vừa tiết kiệm được thời gian, chi phí, vừa tạo sự thuận tiện giữa các bên, trong khi vẫn bảo đảm được tính pháp lý giải quyết tranh chấp giữa các DN với nhau.