Bước tiến mới trong xây dựng y tế thông minh

Thành phố Hồ Chí Minh vừa ra mắt mô hình thí điểm trung tâm điều hành y tế thông minh. Đây được xem là trung tâm điều hành y tế thông minh đầu tiên của cả nước, đánh dấu một bước tiến mới trong lộ trình thực hiện y tế thông minh trên địa bàn thành phố.

Các đại biểu thực hiện nghi thức ấn nút hoạt động Trung tâm điều hành y tế thông minh.
Các đại biểu thực hiện nghi thức ấn nút hoạt động Trung tâm điều hành y tế thông minh.

Hiện nay, ngành y tế TP Hồ Chí Minh không chỉ phục vụ cho hơn 10 triệu người dân thành phố mà còn phục vụ, chăm sóc sức khỏe cho khoảng năm đến sáu triệu người dân từ nhiều tỉnh, thành phố. Năm 2018, số lượt khám bệnh ngoại trú tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố là hơn 45,3 triệu lượt (chiếm 25% tổng số lượt khám của cả nước) và hơn 2,5 triệu lượt điều trị nội trú (chiếm hơn 10% tổng số lượt điều trị nội trú của cả nước). Trước áp lực đó, ngành y tế thành phố phải có nguồn nhân lực và cơ sở vật chất chất lượng cao bằng trí tuệ nhân tạo và các phương tiện hiện đại để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân. Chính vì thế, việc cho ra đời trung tâm điều hành y tế thông minh sẽ giúp ngành y tế thành phố giải quyết được một phần bài toán nâng cao chất lượng hoạt động; cải thiện công tác quản lý, giám sát và chỉ đạo điều hành; hỗ trợ, góp phần nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trung tâm điều hành y tế thông minh còn có mục tiêu mang lại tiện ích tốt nhất cho nhà quản lý, cán bộ chuyên môn, bệnh nhân và người dân.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế thành phố), trung tâm đã triển khai các hợp phần hạ tầng, phần cứng như: Hoàn thiện cải tạo phòng Trung tâm điều hành vật lý tại Sở Y tế; bổ sung các máy tính trạm điều khiển, wifi, màn hình hiển thị; máy chủ lưu trữ dữ liệu tại Sở Y tế... Ngoài ra, 12 hợp phần phần mềm cũng được triển khai trong giai đoạn đầu như: Xây dựng và quản lý hệ thống báo cáo thông minh, hệ thống chỉ đạo điều hành thông minh, tích hợp hệ thống khảo sát hài lòng người bệnh, khảo sát người bệnh nội trú, kết nối trung tâm cấp cứu 115... Đáng chú ý, dựa trên tình hình thực tế, Sở Y tế đã tích hợp đưa vào sử dụng hợp phần phục vụ điều hành giám sát phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút corona (Covid-19). Bác sĩ Nguyễn Ngọc Duy cho biết, với phần mềm này, diễn tiến của dịch bệnh trên địa bàn thành phố hay phạm vi cả nước sẽ được cập nhật chi tiết, qua đó tạo điều kiện cho công tác điều hành, chỉ đạo trong phòng, chống dịch Covid-19 được nhanh chóng, kịp thời.

Sắp tới, Trung tâm điều hành y tế thông minh sẽ đưa thêm vào ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm đưa ra những dự báo, cảnh báo xu hướng bệnh tật trên thế giới cũng như tại Việt Nam, đồng thời kết nối với các chuyên gia, bác sĩ trong nước và hơn 100 bệnh viện tại 12 quốc gia trên thế giới, thực hiện chuyển giao công nghệ giúp ngành y tế thành phố nâng cao chất lượng đội ngũ và phục vụ.

Nhiều năm nay, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ để tăng cường điều hành, quản lý cũng như chăm sóc bệnh nhân ngày một tốt hơn. Ngay từ năm 2016, Ban Công nghệ thông tin (Sở Y tế) đã ban hành “Khuyến cáo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý bệnh viện, hướng dẫn đến xây dựng bệnh viện thông minh” với 19 hoạt động cụ thể. Khi xây dựng y tế thông minh, Sở Y tế đã xác định bốn nhóm hoạt động chính của ngành y tế đó là: Xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành y tế, đồng thời đóng góp cho Big Data của thành phố; triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng thêm tiện ích cho người dân khi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe; triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản trị bệnh viện và quản lý chuyên môn góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại các bệnh viện và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác cải cách hành chính và quản lý ngành.

Theo bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế, thành phố chọn ưu tiên khi triển khai xây dựng y tế thông minh xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, làm sao để người dân thuận lợi hơn khi có nhu cầu sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh, dễ dàng giao tiếp với ngành y tế để phản ánh, được hướng dẫn. Xây dựng y tế thông minh cũng là giải pháp để ngành y thành phố nâng cao công tác quản lý của các cơ sở khám, chữa bệnh, tạo điều kiện cho đội ngũ nhân viên y tế tiếp cận được các kiến thức khoa học mới, kỹ thuật mới, giảm tới mức thấp nhất các nguy cơ sai sót ảnh hưởng an toàn người bệnh. Ngoài ra, xây dựng y tế thông minh cũng góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước của ngành y tế như hoạt động điều phối, giám sát, cảnh báo, dự báo; thực hiện cải cách hành chính ngành y tế một cách hiệu quả.