“Bóng hồng” chạy xe công nghệ

Khi dịch vụ gọi xe công nghệ “bùng nổ” tại TP Hồ Chí Minh thì trên nhiều nẻo đường thành phố cũng xuất hiện ngày càng nhiều nữ lái xe “tác nghiệp” nhanh nhẹn không thua kém nam giới. Không phân biệt lứa tuổi, nghề nghiệp, các “bóng hồng” là nhân viên, sinh viên, công nhân lao động chọn công việc lái xe như một nghề mưu sinh…

Phụ nữ chạy xe ôm công nghệ đang chở khách.
Phụ nữ chạy xe ôm công nghệ đang chở khách.

Chưa đầy năm phút vào ứng dụng đặt xe Go-Viet đặt một chuyến xe đi từ quận 3 đến quận Tân Phú, tôi liền nhận được cuộc gọi từ đầu dây bên kia với một giọng nữ rành rọt: “Chị yên tâm chờ em đến đón ngay nhé…”. Đón và chở tôi trên chiếc xe máy Honda Wave, cô gái bịt kín mặt để chống lại cái nắng gay gắt vào buổi trưa của thành phố, vừa quan sát xe cộ trên đường, vừa nhìn vào bản đồ chỉ dẫn của chiếc điện thoại thông minh (smart phone) gắn phía trên đồng hồ tốc độ. Cô ta mở lời giới thiệu tên mình là Lan, mới chạy xe ôm công nghệ gần một tháng cho nên không thạo đường, chạy theo bản đồ chỉ dẫn là chính. Lan cho biết: cô quê ở Bến Tre, là sinh viên năm thứ 3 Trường đại học Kỹ thuật công nghệ TP Hồ Chí Minh, lên thành phố thuê nhà trọ học và ba năm nay hầu như học phí và tiền sinh hoạt đều trông chờ gia đình ở quê gửi lên. Thấy điều kiện đăng ký chạy xe công nghệ khá dễ dàng cho nên Lan nộp hồ sơ rồi cài ứng dụng đăng ký chạy kiếm thêm tiền trang trải việc học. Cứ sau giờ tan học, Lan mở ứng dụng chạy từ trưa cho đến 18 giờ, hôm nào không đến giảng đường, Lan chạy một mạch từ 10 giờ đến 18 giờ rồi về nhà trọ cơm nước và ôn bài. Lan bật mí: “Hôm nào chạy siêng tầm sáu đến bảy tiếng cũng kiếm được từ 500 - 600 nghìn đồng, hôm nào chạy một buổi thì cũng có 300 nghìn đồng, bỏ túi. Em xem như đây là khoản chi phí thuê nhà trọ và sinh hoạt hằng ngày phụ thêm ngoài tiền học phí mà ba mẹ làm lụng vất vả ở quê gửi lên”. Lan cũng đưa ra quy ước cho mình là tuyệt đối không chở khách là nam vào ban đêm, nhất là di chuyển đến những đoạn đường quá xa để tránh rủi ro cho bản thân.

Khác với sinh viên xem công việc chạy xe công nghệ để kiếm thêm, Dung vốn là công nhân may tại một Công ty may của Đài Loan đóng trên địa bàn quận Bình Tân, lại xem đây là nghề chính. Hơn một năm nay, Dung nghỉ hẳn việc để chuyển qua chạy “xe ôm” công nghệ. Dung kể, mỗi ngày nếu bật app (ứng dụng) chạy từ sáng đến chiều tối cũng kiếm được hơn 500 nghìn đồng, chạy đều một tháng cũng gom được từ 10 đến 11 triệu đồng, trong khi làm nghề may cặm cụi cũng chỉ được bảy triệu đồng/tháng không đủ tiền nuôi ba mẹ và bản thân. Chị Dung chia sẻ: cô từ Thừa Thiên - Huế vào thành phố làm công nhân may đã gần 20 năm, Dung chưa lập gia đình dù gần 40 tuổi, vẫn ở nhà thuê cùng ba mẹ và em gái. Theo Dung, chạy “xe ôm” công nghệ khá chủ động về thời gian, thích chạy thì bật app còn mệt thì tắt về nhà nghỉ ngơi hoặc làm việc khác tùy thích. Chưa kể, nếu mình chạy tốt có thể tìm được mối quen chạy bên ngoài kiếm thêm. “Có lần mình chở hai mẹ con khách hàng đi khám bệnh gấp rồi giúp chị này mang đồ đạc, mua đồ ăn mang vào bệnh viện và từ đó về sau khi nhà chị ấy có việc gấp đều gọi mình hỗ trợ…”.

Dung cũng như một số chị em phụ nữ quan niệm, chạy xe công nghệ chỉ cần siêng năng, không ngại nắng mưa và đi đứng đàng hoàng là được khách hàng tin chọn. Dung cho hay, hiện một số bạn bè làm chung công ty may đang xin nghỉ việc và chuyển qua chạy xe ôm công nghệ vì công nhân ngành may dễ bị đào thải sau 45 tuổi, chưa kể đặc thù nghề may ngồi nhiều cho nên sức khỏe nhanh suy giảm. Song điều Dung ngại khi làm nghề này là chở khách nam, nhất là khách đi ban đêm có hơi men ngà ngà. Để khéo léo từ chối các cuốc đặt xe sau 21 giờ, Dung sẽ hỏi trước khách hàng là nam hay nữ, trong trường hợp cần thiết, Dung điện thoại để đồng nghiệp nam trợ giúp… Không chỉ chạy “xe ôm” công nghệ, nhiều bạn nữ trẻ tuổi còn đăng ký chạy ô - tô công nghệ vì cơ hội kiếm thêm thu nhập sẽ nhiều hơn. Ngọc Linh (huyện Hóc Môn) cho biết, do thua lỗ làm ăn cho nên Linh đăng ký học lái xe ô-tô rồi tham gia chạy Grabcar gần hai năm qua. Không có khả năng mua xe cho nên Linh đánh liều thuê xe của người anh họ với giá mềm là 10 triệu đồng/tháng. Sau khi trừ chi phí thuê xe, xăng nhớt và trích tiền ăn chia qua khai thác cho hãng, Linh cũng thu được từ 13 đến 14 triệu đồng/tháng. Để có khoản thu nhập kha khá này, Linh gần như không tắt app mà chạy liên tục, có hôm mệt quá cũng chỉ dám nghỉ vài ba tiếng rồi mở app tiếp tục ra đường. Linh cho biết, do phải trả khoản nợ gần một tỷ đồng lúc khởi nghiệp mở cơ sở làm bánh tráng xuất khẩu nhưng thua lỗ do không kiếm được thị trường tiêu thụ cho nên Linh phải gồng mình làm lái xe kiếm tiền. “Nếu trả nợ được kha khá, em sẽ kiếm nghề khác phù hợp với phụ nữ hơn vì dù gì nữ tài xế ngồi sau tay lái sẽ gặp không ít rủi ro, nhất là khi đã lập gia đình”, Linh bộc bạch.

Hiệu trưởng một cơ sở đào tạo lái xe tại quận Tân Phú cho biết: khoảng hai năm gần đây, số nữ học viên đi học lái xe tăng hơn trước, trong đó có nhiều học viên chỉ thực hành một tháng là lái thông thạo vì họ có nhu cầu chạy xe công nghệ kiếm tiền cho nên học rất chuyên tâm.

Đại diện hãng xe công nghệ Go-Viet cho biết: Số lượng nữ là đối tác của GoViet gia tăng đều trong thời gian qua. Thống kê của công ty cho thấy, đầu tháng 6-2019, số lượng nữ lái xe Go-Viet đăng ký tài khoản riêng khu vực TP Hồ Chí Minh đã tăng lên gần 60% so với tháng 1-2019. Đặc thù của nghề này đối với nữ là họ có thể chủ động thời gian, môi trường làm việc và không quá phân biệt giữa lao động nam - nữ. Nữ lái xe công nghệ có xu hướng chọn việc giao thức ăn, đồ uống (Go Food) vì mang đến cho khách hàng một cảm giác nhẹ nhàng và thân thiện…