Bồi dưỡng kỹ năng sống ngay từ đầu năm học

Năm học mới 2018-2019 đã bắt đầu. Cùng với việc trang bị kiến thức văn hóa cho học sinh, ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) TP Hồ Chí Minh tiếp tục chú trọng bồi dưỡng kỹ năng sống và phương pháp xử lý tình huống thông thường giúp lứa tuổi học trò phát triển toàn diện, thích nghi môi trường chung quanh. Chủ trương này được các trường triển khai chặt chẽ, nghiêm túc, tạo thành nền nếp ngay từ đầu năm học.

Một buổi học kỹ năng bơi lội của học sinh tiểu học tại Nhà thiếu nhi huyện Hóc Môn.
Một buổi học kỹ năng bơi lội của học sinh tiểu học tại Nhà thiếu nhi huyện Hóc Môn.

Chiều cuối tuần, khoảng 60 học sinh Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (huyện Hóc Môn) có mặt tại hồ bơi Nhà thiếu nhi của huyện. Các em được chia thành hai lớp tập bơi do giáo viên Nhà thiếu nhi huyện phụ trách, hướng dẫn.

Phó Giám đốc Nhà thiếu nhi huyện Hóc Môn Nguyễn Xuân Nhã cho biết: “Thời gian qua, hàng chục trường học trong huyện ký kết với Nhà thiếu nhi để mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng sống cho học sinh, như: bơi lội, ca hát, làm việc nhóm, xử lý tình huống giao tiếp, công dân nhí trải nghiệm, văn hóa giao thông… Chúng tôi không chỉ mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng nhân dịp đầu năm học mới mà còn tổ chức lớp trong suốt thời gian nghỉ hè và kéo dài theo yêu cầu môn học của các trường để trang bị kỹ năng cần thiết cho các em học sinh”.

Tùy theo độ tuổi, bậc học và số lượng học sinh, các nhà thiếu nhi, trung tâm văn hóa… chủ động lập kế hoạch mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng sống phù hợp tâm lý, sinh lý lứa tuổi. Theo Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn Nguyễn Văn Hiệp, đây là một trong những nội dung học tập ngoại khóa cần thiết đối với học sinh. Từ thực tế cuộc sống và yêu cầu phát triển toàn diện lứa tuổi học trò, phòng GD-ĐT Hóc Môn quán triệt, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Sở GD-ĐT thành phố tăng cường trang bị kỹ năng giao tiếp, thích nghi; kỹ năng thực hành nhóm cho học sinh vào thời gian ngoại khóa và ngày nghỉ.

Với bốn mục tiêu: Học để biết, học để làm, học để tự khẳng định và học để cùng chung sống, hiện nay, tại các trường học ở TP Hồ Chí Minh, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh đã trở nên khá phổ biến. Các hoạt động ngoại khóa do nhà trường tổ chức hoặc phối hợp trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi thực hiện ngày càng đa dạng, phong phú, mang lại hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, việc tích hợp giáo dục kỹ năng sống vào những môn học trên lớp do giáo viên bộ môn Sinh học, Giáo dục công dân đảm nhiệm đều hướng đến mục tiêu hình thành cho các em những kỹ năng cần thiết để tồn tại và trưởng thành. Chẳng hạn, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) tổ chức sinh hoạt ngoại khóa với chủ đề: “Lên rừng xuống biển”, trang bị kỹ năng xác định phương hướng khi bị lạc, thoát hiểm trong dòng nước xoáy, dựng lều trại với vật liệu giản đơn. Còn Trường tiểu học Lương Thế Vinh (quận Tân Bình) thì phối hợp Nhà thiếu nhi quận triển khai mô hình ngoại khóa “Một ngày ở siêu thị”, giúp các em hiểu hơn về hoạt động mua, bán và giá trị hàng hóa. Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) cũng đã triển khai chương trình ngoại khóa “Tiết học ở Thảo Cầm Viên” tạo điều kiện cho học sinh làm quen với thiên nhiên, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường…

Giám đốc Nhà thiếu nhi TP Hồ Chí Minh Phạm Ngọc Tuyền cho biết, những mô hình nêu trên đã góp phần không nhỏ giúp trẻ em biết yêu thương, trân trọng các giá trị cuộc sống; biết tự mình vượt qua khó khăn và để sống vì mọi người; tự tin, trải nghiệm khi bước vào thực tế.

Tuy vậy, vẫn còn một số trường học coi nhẹ giáo dục kỹ năng sống cho học sinh hoặc mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức lý thuyết chứ chưa hình thành kỹ năng thực hành cho các em cho nên khi gặp tình huống thực tế, học sinh vẫn lúng túng, chưa xử lý thành thục. Một bộ phận học sinh thành phố, hoặc vùng ven thiếu kỹ năng bơi lội, dễ xảy ra đuối nước…

Việc tăng cường giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn cho học sinh từ gia đình đến học đường là cần thiết. Đây không chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà cần sự đồng thuận cao, sự phối hợp tích cực của phụ huynh và các đoàn thể để trang bị toàn diện đức, trí, thể, mỹ, kỹ năng sống, giúp học sinh phát triển toàn diện, từng bước trưởng thành.