Bao giờ đưa vào vận hành bến xe Miền Ðông?

Sau hơn hai năm thi công, công trình bến xe Miền Ðông mới (phường Long Bình, quận 9, TP Hồ Chí Minh và thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đã hoàn thành. Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc gặp phải, trong đó có việc công bố hoạt động cũng như xây dựng hạ tầng giao thông kết nối bến xe ra bên ngoài thực hiện quá chậm cho nên thời gian khai thác bến xe mới vẫn chưa xác định cụ thể khiến cho chủ trương xây dựng bến xe góp phần giảm tải chưa phát huy hiệu quả như mong đợi.

Trong khi bến xe Miền Ðông quá tải thì bến xe mới đã hoàn thành, nhưng chưa đưa vào sử dụng vì vướng hạ tầng kết nối.
Trong khi bến xe Miền Ðông quá tải thì bến xe mới đã hoàn thành, nhưng chưa đưa vào sử dụng vì vướng hạ tầng kết nối.

TheoTổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn - TNHH một thành viên (Samco), đơn vị được thành phố giao đầu tư xây dựng bến xe Miền Ðông mới, tính đến tháng 9, các hạng mục đầu tư xây dựng bến xe Miền Ðông mới, giai đoạn 1 đã được Samco thực hiện xong, bao gồm nhà ga bến xe, bãi xe chờ tài và hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn khu. Các hạng mục công trình xây dựng đã được Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ - Công an thành phố kiểm tra và đã có văn bản nghiệm thu công tác phòng cháy, chữa cháy. Ngoài ra, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã kiểm tra công trình vào ngày 4 và 5-7-2019 để nghiệm thu toàn bộ dự án và hiện đang chờ văn bản chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là Sở Tư pháp, Sở Giao thông vận tải (GTVT) và Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố chưa có ý kiến về tính pháp lý đối với việc Samco lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý, vận hành, kinh doanh khai thác bến xe Miền Ðông mới theo chỉ đạo của UBND thành phố. Sở Tài chính và Sở GTVT thành phố cũng chưa có ý kiến về giá dịch vụ xe ra vào bến xe Miền Ðông mới để đơn vị quản lý có thể xúc tiến khai thác vận hành. Song, tồn tại chính hiện nay là tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kết nối bên ngoài khu vực bến xe thực hiện quá chậm.

Ðơn cử, hiện các công trình từ mặt tiền quốc lộ 1 đi vào cổng chính bến xe vẫn còn ngổn ngang, đường Hoàng Hữu Nam kết nối từ bến xe ra trục đường D400 cũng trong tình trạng tương tự và chưa được mở rộng. Ngoài ra, hệ thống các công trình giao thông phía trước bến xe Miền Ðông mới như các cầu vượt hai đầu bến xe, cầu bộ hành và nhất là công trình xây dựng hầm chui dẫn vào tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên để hành khách dễ dàng tiếp cận với bến xe, cũng chưa được thành phố đầu tư xây dựng. "Nếu không có hạ tầng kết nối đồng bộ thì khi bến xe Miền Ðông mới đi vào hoạt động, các phương tiện vận tải trong bến sẽ lưu thông hòa lẫn với phương tiện của người dân, khả năng xảy ra va chạm giao thông là rất cao, gây nguy hiểm cho người dân cũng như các đơn vị vận tải", đại diện đơn vị chủ đầu tư nhận định.

Phó Giám đốc Sở GTVT Võ Khánh Hưng cho biết: Hiện Sở đã ghi vốn đầu tư và dự kiến khởi công trong năm nay hệ thống công trình cầu vượt trước bến xe Miền Ðông mới trên xa lộ Hà Nội, nhằm kết nối giao thông khi bến xe này đi vào hoạt động với vốn đầu tư hơn 437 tỷ đồng. Trong đó, một cầu vượt đi qua tuyến chính quốc lộ 1 (dành cho các dòng xe từ hướng Ðồng Nai vào bến xe), một cầu vượt cho các phương tiện từ bến xe rẽ trái quay đầu về hướng trung tâm TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Bên cạnh đó còn có hai đường chui cho xe hai bánh đi thẳng về tỉnh Ðồng Nai và trung tâm TP Hồ Chí Minh, một cầu bộ hành bắc qua xa lộ Hà Nội (gần vị trí ga Metro bến xe Miền Ðông).

Như vậy, bến xe Miền Ðông mới đã ba lần dời thời điểm đưa vào vận hành: ban đầu là dịp Tết Nguyên đán 2018, sau dời đến quý I-2019, rồi ngày 15-8-2019 và đến nay vẫn chưa chốt thời điểm đưa vào vận hành. Người dân thành phố mong chờ các đơn vị liên quan nhanh chóng giải quyết các vướng mắc, nhất là hạng mục hạ tầng giao thông kết nối nhằm sớm đưa bến xe này vào hoạt động, góp phần giải quyết tình trạng ách tắc giao thông ở khu vực bến xe Miền Ðông hiện nay với 1.000 lượt xe xuất bến mỗi ngày.

Bến xe Miền Ðông mới có tổng diện tích 16 ha được khởi công từ tháng 4-2017 với tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, có công suất khai thác phục vụ hơn bảy triệu lượt hành khách/năm. Giai đoạn 1 của dự án được đầu tư khoảng 740 tỷ đồng. Dự kiến, giai đoạn 1 sẽ di dời 29 tuyến xe cố định từ bến xe Miền Ðông có cự ly từ 1.100 km trở lên (các tuyến từ Quảng Trị trở ra các tỉnh phía bắc) ra bến xe mới. Sau khi xây dựng xong công trình chung quanh bến xe như hầm chui, cầu vượt, cải tạo mở rộng quốc lộ 1, sẽ thực hiện di dời tiếp 85 tuyến xe khách cố định từ Huế trở vào miền trung; các tuyến Ðồng Nai, Lâm Ðồng, khu vực miền tây và các tuyến liên vận quốc tế.