Bảo đảm quyền lợi người dân vùng quy hoạch

Treo chủ quyền nhà ở, treo quyền xây dựng, treo quyền thế chấp khi có nhu cầu,…vẫn đang tồn tại và gây khó khăn, phiền hà, khiến người dân thành phố sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu trong suốt nhiều năm qua. Họ vẫn đau đáu một câu hỏi: Bao giờ thành phố xóa được hết các quy hoạch không khả thi, để quyền lợi người dân được bảo đảm?

Quy hoạch xây dựng khu đô thị Bình Quới - Thanh Ða tồn tại 28 năm nhưng chưa thực hiện, khiến cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn.
Quy hoạch xây dựng khu đô thị Bình Quới - Thanh Ða tồn tại 28 năm nhưng chưa thực hiện, khiến cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn.

Theo quy định, định kỳ rà soát quy hoạch xây dựng là 10 năm đối với quy hoạch vùng, 5 năm đối với quy hoạch chung và quy hoạch phân khu, ba năm đối với quy hoạch chi tiết kể từ ngày quy hoạch xây dựng được phê duyệt. Thế nhưng, trên thực tế, có những quy hoạch đã tồn tại mấy chục năm trời nhưng vẫn không được thực hiện cũng không được tháo gỡ để bảo đảm quyền lợi cho người dân. Bà Vũ Thị Thanh Hà (quận Thủ Ðức) gọi đó là nỗi khổ "kêu trời không thấu". Ông Nguyễn Tấn Tài (khu phố 3, phường An Phú Ðông, quận 12, lại cho rằng, đây là sự bất công khi có đất mà không thể chia cho con cháu, không thể xây dựng nhà ở, không thể sang nhượng mua bán lấy vốn làm ăn. Lá đơn xin cứu xét của ông Võ Văn On (C3/17, ấp 4 xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh) gợi lên cho chúng ta nhiều suy ngẫm. Ông viết: "Gia đình tôi có miếng đất diện tích 8.000 m2 gồm đất nông thôn, đất nông nghiệp tại địa chỉ C3/18, ấp 4 xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Miếng đất này được ông bà để lại từ năm 1954 đến nay, không đem phân lô, bán nền. Tới năm 1992, Nhà nước thông báo quy hoạch khu đất thành khu B do Công ty Phú Mỹ Hưng làm chủ đầu tư. Nhưng đã 28 năm qua, đây vẫn là dự án "treo", gia đình tôi chưa nhận được thông báo thỏa thuận đền bù. Gia đình tôi chỉ dựa vào nghề làm nông, nhưng hiện nay chung quanh khu đất bị đô thị hóa với hàng trăm căn nhà mọc lên cho nên không thể làm vườn, làm lúa được, các con của tôi phải chuyển nghề, hai vợ chồng tôi đã ngoài 80 tuổi không làm được gì...". Lý do ông On phải cầu cứu là vì, để có kế sinh nhai, ông đem khu đất nêu trên cho người cháu thuê kinh doanh dịch vụ ăn uống. Cháu ông tận dụng những vật liệu như: dừa nước, tre, nứa để dựng những công trình tạm trên nền đất đang quy hoạch. Tuy nhiên, việc làm này bị chính quyền cơ sở cho là vi phạm trật tự xây dựng, bị phạt hành chính và buộc phải tháo dỡ. Ông On cho rằng, thay vì đất bỏ hoang hóa 28 năm, Nhà nước nên tạo điều kiện cho người dân được mưu sinh trên mảnh đất ấy, vừa giữ được đất, vừa không làm nhếch nhác bộ mặt đô thị…

Hoàn cảnh của ông On và hàng chục hộ dân khác đang sống trong vùng quy hoạch của xã Bình Hưng là điển hình cho hàng nghìn người dân đang sinh sống trong các vùng quy hoạch. Từ quy hoạch xây dựng khu đô thị Bình Quới - Thanh Ða (phường 28, quận Bình Thạnh) cho đến mở rộng khu Ðầm Sen (phường 3, quận 11) đâu đâu người dân cũng có chung một kiến nghị: mong dự án nhanh thực hiện hoặc xóa quy hoạch để trả lại quyền lợi cho dân. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, TP Hồ Chí Minh đang tồn tại 14 nghìn héc-ta đất bị vướng quy hoạch. Sinh sống và tồn tại trên 14 nghìn héc-ta đất ấy là hàng nghìn con người, hàng nghìn quyền lợi bị ảnh hưởng. Có những người từ lúc lập gia đình cho đến lúc trên tay đã có cháu bế bồng vẫn chưa thoát khỏi kiếp sống trong vùng quy hoạch. Hàng chục nghìn gia đình sống trong những căn nhà chật chội, ẩm thấp nhưng không thể cất nhà bởi vướng quy hoạch. Người dân sẵn sàng hiến đất, nhường đất, hy sinh quyền lợi của mình để Nhà nước làm những công trình phúc lợi, xây dựng những khu đô thị đẳng cấp. Nhưng nếu những bản quy hoạch này hàng chục năm chỉ tồn tại trên giấy sẽ không công bằng với người dân.

Mới đây, TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu điều chỉnh hoặc xóa quy hoạch những khu vực quy hoạch thực hiện không khả thi để trả lại quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Thế nhưng, từ chủ trương cho đến hành động và kết quả như mong đợi vẫn là con đường dài, mà ở đó trách nhiệm của địa phương và sở, ngành giữ vai trò quyết định. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý quy hoạch đều cho rằng, nên rà soát lại các quy định về quyền lợi hợp pháp về đất đai, nhà cửa của người dân trong vùng quy hoạch. Trước khi xóa bỏ được hoàn toàn các quy hoạch không khả thi, thành phố cần kiến nghị Bộ Xây dựng cho phép cấp phép xây dựng nhà ở chính thức cho người dân dưới dạng công trình thấp tầng trong các đồ án quy hoạch để người dân sinh sống. Không những vậy, cần cập nhật biến động xây dựng vào sổ hồng để khi thực hiện dự án phải bồi thường cho người dân một cách thỏa đáng, thay vì chỉ được cấp phép xây dựng có thời hạn và xây tối đa không quá ba tầng. Việc hạn chế người dân xây, sửa hay chỉ cấp phép xây dựng tạm… có thể giúp nhà đầu tư hoặc Nhà nước bớt chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng nhưng lại đẩy người dân vào tình trạng vô cùng khó khăn. Nếu tính đúng, tính đủ các thiệt hại về chậm trễ tiến độ xây dựng công trình (do giải tỏa không được) trong không ít trường hợp còn nhiều hơn chi phí đền bù khi tính đúng, tính đủ toàn bộ quyền lợi hợp pháp của người dân. Ðó là chưa kể đến những tác động xấu về mặt xã hội khi người dân trong vùng quy hoạch bức xúc, phát sinh khiếu kiện.

Bài và ảnh: VŨ NGUYÊN