Bảo đảm chỗ học cho tất cả học sinh

Theo thống kê từ các quận, huyện, trong năm học mới 2020 - 2021, số học sinh (HS) dự tính sẽ tăng thêm gần 55 nghìn em so với năm học 2019 - 2020, nâng tổng số HS toàn TP Hồ Chí Minh lên hơn 1,7 triệu em. Trước áp lực số lượng HS tăng cao qua từng năm, thành phố đã đẩy mạnh đầu tư trường lớp nhằm bảo đảm tất cả HS sống trên địa bàn được học tập trong điều kiện thuận lợi nhất… 

Giờ học của trẻ tại Trường mầm non Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi).
Giờ học của trẻ tại Trường mầm non Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi).

Giống như các năm học gần đây, năm học 2020-2021, số lượng HS tăng nhiều nhất thuộc các quận: 9, 12, Gò Vấp, Thủ Đức, Bình Tân và ba huyện ngoại thành Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Đây là các quận, huyện đang trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, tình trạng tăng dân số cơ học cao. Hiện, trên địa bàn các quận, huyện này có nhiều trường, sĩ số HS gần 50 em một lớp, phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. 

Cũng theo số liệu thống kê từ các quận, huyện, năm học mới 2020 - 2021, bậc mầm non tăng 3.668, bậc tiểu học tăng 8.989, bậc trung học cơ sở (THCS) tăng 27.950, bậc trung học phổ thông (THPT) tăng 14.038 HS. Trong đó, các trường công lập tăng 48.045, các trường ngoài công lập tăng 6.600 HS.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) TP Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn cho biết, dù còn nhiều khó khăn về quỹ đất phát triển giáo dục nhưng hệ thống trường lớp vẫn đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn, kể cả đối với người nhập cư, không có hộ khẩu thành phố. Việc này cho thấy nỗ lực rất lớn của chính quyền địa phương trong việc xây dựng trường, lớp. Năm học mới 2020 - 2021, thành phố vẫn bảo đảm 100% con em sinh sống trên địa bàn đủ chỗ học. Tuy nhiên, với số dân tăng cơ học cao, việc đáp ứng chỗ học hai buổi/ngày cho HS vẫn gặp nhiều khó khăn. 

Người đứng đầu ngành GD và ĐT thành phố cho biết thêm, chuẩn bị năm học 2020 - 2021, số phòng học của HS lớp 5 ra trường là 3.107, nhưng số phòng học dự kiến cho HS vào lớp 1 là 3.550. Như vậy, thành phố cần thêm 443 phòng học, nhưng số phòng học xây mới vẫn chưa đáp ứng được mong muốn 100% HS lớp 1 học hai buổi/ngày.

Từ nay đến cuối năm 2020, thành phố đưa vào sử dụng 90 dự án với hơn 1.370 phòng học mới, tổng mức đầu tư 4.575 tỷ đồng. Trong đó, đưa vào sử dụng trong dịp khai giảng năm học mới (5-9) là 73 dự án với 1.142 phòng học mới, gồm: Bậc mầm non 326, bậc tiểu học 352, bậc THCS 293, bậc THPT 98 phòng học và một số phòng học mới tại các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN)... Sau ngày 5-9 đến cuối năm 2020, thành phố tiếp tục đưa vào sử dụng 17 dự án trường lớp khác, nâng số trường học của thành phố trong năm học 2020 - 2021 lên 2.348 trường với 47.438 phòng học. Số lượng HS tăng cao cũng gây áp lực không nhỏ đến việc tuyển dụng đội ngũ giáo viên. Năm học 2020 - 2021, dự kiến ngành GD và ĐT thành phố tuyển khoảng 6.860 viên chức. 

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm học 2019 - 2020 kết thúc muộn hơn dự kiến 1,5 tháng. Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Sở GD và ĐT thành phố phối hợp các đơn vị liên quan triển khai dạy và học qua truyền hình cho HS lớp 5, lớp 9, lớp 12. Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai dạy học trực tuyến cho HS, hướng dẫn các trường điều chỉnh các hoạt động chuyên môn theo chỉ đạo của Bộ GD và ĐT. 

Ngành giáo dục thành phố đã triển khai dạy học trực tuyến tại 100% trường tiểu học với hơn 88% HS tiểu học tham gia, bậc trung học gần 95% HS và tất cả các trung tâm GDTX, GDNN tổ chức dạy học trực tuyến. Sau khi kết thúc việc thực hiện giãn cách xã hội, ngành giáo dục thành phố vẫn tiếp tục duy trì hình thức dạy học qua truyền hình, trực tuyến song song, bổ trợ cho việc dạy học trực tiếp. Đây là cơ sở để Sở GD và ĐT thành phố hoàn thiện kho tài nguyên học liệu số, mở ra cơ hội giúp HS chủ động, tự học miễn phí trên môi trường không gian số mọi lúc, mọi nơi.

Sở GD và ĐT thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ nội dung chương trình dạy học theo kế hoạch đã điều chỉnh. Nhờ có sự kết hợp tốt giữa các hình thức dạy học trực tuyến, dạy và học qua truyền hình, các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng chương trình năm học 2019 - 2020. Những HS gặp khó khăn khách quan, không bảo đảm điều kiện học trực tuyến, được tổ chức phụ đạo sau khi đi học trở lại bình thường.

Cũng do ảnh hưởng dịch Covid-19, toàn thành phố có 11 trường mầm non và 71 nhóm lớp độc lập tư thục giải thể, nhưng đều có quy mô nhỏ, ảnh hưởng không đáng kể. Sở GD và ĐT thành phố đã phối hợp các quận, huyện sắp xếp đầy đủ, tạo điều kiện cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập giải thể có chỗ học ngay tại địa bàn, thuận lợi cho phụ huynh trong việc đưa, đón trẻ… 

Để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục theo xu hướng hội nhập quốc tế, trong năm học mới 2020 - 2021, Sở GD và ĐT thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nhân rộng mô hình xây dựng trường học thông minh. Cùng với đó, tập trung thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và tích cực chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng cho việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.