Bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động vận tải hành khách

Tại TP Hồ Chí Minh, hiện số phương tiện của ta-xi Grab và Uber là hơn 23 nghìn chiếc, chiếm gần một nửa tổng số phương tiện này đang hoạt động trên cả nước. Công tác quản lý ta-xi công nghệ đang được các cơ quan chức năng tính toán theo hướng cần được đối xử bình đẳng với ta-xi truyền thống để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, đúng với quy định của pháp luật.

Xe Grab đón khách tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Duyên Phan
Xe Grab đón khách tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Duyên Phan

Tăng giá chóng mặt

Khác với thời điểm Grab ta-xi hoặc Uber ta-xi xuất hiện trên thị trường thành phố cách đây một, hai năm, thời gian gần đây mức giá sử dụng phương tiện này đã nhích lên, thậm chí tăng cao vào những khung giờ cao điểm trong ngày, hay dịp lễ, Tết. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, nhiều hành khách đã "bấm bụng" trả tiền tăng đến 300% vì lỡ tay đặt cuốc xe qua hệ thống. Anh Lê Thái An (ngụ quận Thủ Ðức) cho biết: Khoảng 13 giờ 30 phút, ngày mồng 2 Tết (17-2), anh đặt xe Uber bốn chỗ (loại Uber X) cho mẹ từ đường Hiệp Bình tới đường Sư Vạn Hạnh (quận 10), với mức giá 270.000 đồng. Tuy nhiên, khi xuống xe, lái xe yêu cầu phải trả 900.000 đồng, cao hơn ba lần mức giá ban đầu. Khi thắc mắc thì lái xe cho biết, đây là mức phụ thu mà công ty áp dụng trong dịp Tết, mức giá được tính trên đồng hồ của xe chứ không phải trên ứng dụng đặt xe (!?). Mẹ anh An phải bấm bụng trả số tiền cao hơn nhiều lần mức giá đặt trước đó. Quá bức xúc, anh An gọi lên tổng đài Uber để phản ánh nhưng tổng đài luôn báo bận. Một trường hợp khác, chị Nguyễn Thị Thanh bay từ miền trung vào TP Hồ Chí Minh hôm mồng 4 Tết. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, chị Thanh dùng điện thoại đặt một chuyến xe Grab đi từ sân bay về đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 3) thì được hệ thống báo số tiền 200.000 đồng, trong khi bình thường chỉ mất 90.000 đồng. "Lái xe giải thích do rơi vào cao điểm Tết nên phương tiện khan hiếm, đẩy giá tăng cao. Ðã đặt chuyến rồi nên tôi đành phải đi", chị Thanh phàn nàn. Nhiều lái xe Grab, Uber cho biết, khác hẳn với năm ngoái, Tết năm nay giá tăng lên nhiều nên hành khách đã phản ứng khi sử dụng dịch vụ này.

Cần tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh vận tải

Ðại diện một doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải ta-xi truyền thống cho biết, để quản lý lái xe, công ty phải ký hợp đồng lao động để bảo đảm chế độ với người lao động theo yêu cầu của Luật Lao động cũng như có cơ sở ràng buộc trách nhiệm của lái xe với hành khách. Khi có mất mát tài sản của hành khách cũng như tai nạn xảy ra, công ty phải có trách nhiệm hỗ trợ và đền bù thiệt hại thông qua việc mua bảo hiểm tai nạn. Một chuyên gia ngành giao thông vận tải so sánh: Ðây chính là những yếu tố khác biệt giữa dịch vụ của ta-xi truyền thống hoặc dịch vụ vận tải với ta-xi công nghệ. Vì vậy, việc đưa ta-xi công nghệ vào khuôn khổ pháp luật để quản lý là hết sức cần thiết, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người dân. Một cán bộ Phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh) phân tích: "Hợp đồng điện tử là một phương thức giao dịch chứ không phải là mô hình kinh doanh cho nên phải tuân thủ theo quy định pháp luật về kinh doanh vận tải. Hợp đồng điện tử đã được đánh tráo, khái niệm hợp đồng điện tử được ký vài chục người trong một ngày, một đoạn đường ngắn nhưng nhiều người đi, như vậy có đúng với quy định pháp luật không?".

Cũng theo nhiều DN kinh doanh vận tải, hiện nay ta-xi bị ràng buộc nhiều điều kiện như kê khai giá cước, phải được nhận diện (đèn ta-xi, lô-gô...), lái xe ta-xi phải tập huấn, trong khi các xe Uber và Grab hoạt động theo loại hình xe hợp đồng điện tử nên điều kiện kinh doanh đơn giản và linh hoạt hơn ta-xi truyền thống. Chưa kể khi xe Grab, Uber lưu thông trên đường không bị những ràng buộc khác như không bị cấm vào một số tuyến đường như ta-xi. Theo ông Nguyễn Ðình Ðức, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông vận tải thành phố), nếu chỉ xét dưới góc độ của người tiêu dùng thuần túy thì ta-xi công nghệ, cụ thể ở Việt Nam là Grab và Uber, hiển nhiên được chuộng. Ưu thế của loại hình dịch vụ này là không thể chối cãi. Không chỉ bởi những tiện ích mang lại cho hành khách cho nên được tin dùng, ta-xi công nghệ còn đắc lợi khi ngay lập tức "gãi đúng chỗ ngứa" của người tiêu dùng. Nhưng nhìn một cách toàn diện thì loại hình kinh doanh nào cũng phải tuân thủ luật pháp của nước sở tại. Grab và Uber phải minh bạch hóa hoạt động thực chất của mình và phải đóng thuế đầy đủ. Theo Cơ quan thuế TP Hồ Chí Minh, hiện ta-xi truyền thống mỗi năm đóng thuế khoảng 20%, tương đương một nghìn đến hai nghìn tỷ đồng. Trong khi đó Uber, Grab chỉ nộp 1 đến 2%, tức là khoảng chín đến mười tỷ đồng, như vậy là khó chấp nhận.

Ngày 1-1-2018, Ðề án 24 đã hết thời gian thực hiện thí điểm sau hai năm kể từ ngày được ban hành (thí điểm ở năm tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh). Tuy nhiên, đến nay Ðề án này vẫn chưa được thay thế bởi văn bản pháp luật nào khác nên dư luận cho rằng Grab và Uber đang lợi dụng kẽ hở, có dấu hiệu vượt tầm kiểm soát của các bộ, ngành chức năng trong khi không thực hiện được yêu cầu cơ bản như an toàn cho hành khách, chịu trách nhiệm về sự cố, đóng thuế đúng với lợi nhuận thực tế cũng như thực hiện quy định đối với loại hình kinh doanh vận tải…