Bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học

Ðể kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm trong trường học, mới đây, Sở Giáo dục và Ðào tạo, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã ký kế hoạch liên tịch về bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2022.

Học sinh Trường mầm non tư thục Thiên Ân (quận Thủ Ðức) trong giờ ăn trưa.
Học sinh Trường mầm non tư thục Thiên Ân (quận Thủ Ðức) trong giờ ăn trưa.

Năm học mới 2020 - 2021 bắt đầu chưa bao lâu nhưng đã có học sinh tại TP Hồ Chí Minh nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Cụ thể, ngày 12-9, tại Trường tiểu học Bình Trưng Ðông (quận 2), nhiều giáo viên, học sinh của trường phải nhập viện nghi do ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn xế tại trường. Theo Bệnh viện quận 2, số người nhập viện là 57 người, trong đó có hai giáo viên. Hiện, tất cả bệnh nhân đã ổn định sức khỏe nhưng vẫn phải tiếp tục theo dõi. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, với nguồn thực phẩm không bảo đảm, quy trình chế biến, bảo quản chưa an toàn cùng với thời tiết nóng ẩm là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, vi-rút phát triển dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tăng cao. Do vậy, việc bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể cần phải được kiểm soát nghiêm ngặt vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe của rất nhiều người.

Thống kê của Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD-ÐT) thành phố cho thấy, thành phố hiện có 1.974 cơ sở giáo dục, trong đó có 1.280 cơ sở có bếp ăn tập thể tự tổ chức, 112 cơ sở có bếp ăn tập thể thuê nấu, 292 cơ sở nhận suất ăn sẵn. Nhằm bảo đảm ATTP trong trường học, nhiều trường trên địa bàn thành phố tăng cường giám sát chặt chẽ khâu vệ sinh trong chế biến thực phẩm. Ðơn cử như mô hình bếp ăn một chiều của Trường tiểu học Trưng Trắc (quận 11) cung cấp 1.300 suất ăn/ngày cho học sinh, mỗi khâu đều được thực hiện theo quy trình nghiêm ngặt như dụng cụ sạch sẽ, vệ sinh hằng ngày; trang bị găng tay sạch sử dụng một lần khi tiếp xúc trực tiếp với thức ăn; lưu mẫu thực phẩm tại cơ sở ít nhất là 24 giờ kể từ khi thức ăn được chế biến xong... Hay Trường tiểu học Bông Sao (quận 8) chủ động lắp đặt thêm các bồn rửa tay, trang bị dung dịch khử khuẩn để học sinh, giáo viên và nhân viên của trường thường xuyên rửa tay, khử khuẩn... Trưởng ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan cho biết: Ban vừa ký kết liên tịch với Sở GD-ÐT thành phố về việc bảo đảm ATTP tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020 - 2022. Theo đó, yêu cầu 100% các bếp ăn tập thể, căng-tin trong trường học thực hiện bảo đảm ATTP đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống theo quy định. Ngoài ra, tất cả bếp ăn tập thể thuê nấu, căng-tin trong trường học phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP; bếp ăn tập thể, căng-tin trong trường học chấp hành các quy định về ATTP, vận hành hệ thống tự kiểm tra ATTP theo ba cấp trong khối giáo dục. Ðặc biệt, các cán bộ phụ trách ATTP tại các trường, phòng GD-ÐT được tập huấn triển khai hệ thống tự kiểm tra ATTP; người quản lý, nhân viên trực tiếp chế biến thức ăn được tập huấn kiến thức ATTP, không bị mắc các bệnh lý liên quan (tả, lỵ, thương hàn, viêm gan A, E, viêm da nhiễm trùng, lao phổi, tiêu chảy cấp) khi đang sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Mỗi đơn vị trường học tổ chức một cuộc diễn tập điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm quy mô lớn trong trường học. Bên cạnh đó, các nhà trường kiểm soát, bảo đảm thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn, nhà ăn, cơ sở cung cấp suất ăn cho học sinh, căng-tin trong trường học bảo đảm an toàn theo quy định, tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, sử dụng chất phụ gia thực phẩm..., đồng thời có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thông qua hóa đơn, chứng từ của các cơ sở sản xuất, chế biến và phân phối thực phẩm. Trường học tiếp tục mở rộng triển khai thực hiện việc sử dụng nguồn nguyên liệu thực phẩm an toàn, bảo đảm kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm sử dụng tại các bếp ăn, căng-tin. Cụ thể, nguồn thực phẩm được chế biến trong trường học phải đạt một trong các chuẩn: VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO 22000…

"Trước tình trạng liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, Ban Quản lý ATTP cũng đã khuyến khích phụ huynh tham gia vào việc giám sát công tác bảo đảm ATTP tại các trường. Nhiều trường học trên địa bàn thành phố cũng đã tạo điều kiện để phụ huynh học sinh tham gia giám sát, quản lý bếp ăn. Ðây là việc làm cần thiết, tăng thêm lực lượng ngăn chặn thực phẩm không bảo đảm an toàn tuồn vào trường học. Các đơn vị chế biến suất ăn sẵn còn phải tuân thủ quy trình vận chuyển thức ăn đến trường bảo đảm an toàn. Với môi trường giáo dục và với đối tượng phục vụ là học sinh, các trường học không nên để xảy ra vi phạm rồi mới xử lý. Công tác bảo đảm ATTP phải được thực hiện nghiêm túc, kiên trì, thường xuyên, liên tục và mạnh tay xử lý theo Nghị định 115 của Chính phủ" - PGS,TS Phạm Khánh Phong Lan cho biết.