Bảo đảm an toàn giao thông trong dịp Tết

Chỉ còn ít ngày nữa là bước vào đợt cao điểm đi lại trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm an toàn giao thông, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng ùn tắc giao thông trong những ngày cao điểm.
Thanh tra giao thông kiểm tra việc niêm yết giá vé tại Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh).
Thanh tra giao thông kiểm tra việc niêm yết giá vé tại Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh).

Ghi nhận của phóng viên, trong những ngày qua, do nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân trên địa bàn tăng cao; các nhà ga, bến xe đã bắt đầu nhộn nhịp, sôi động hơn. Các tuyến đường chung quanh sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất như: Trường Sơn, vòng xoay Lăng Cha Cả,... thường xuyên ùn ứ giao thông. Các phương tiện di chuyển vào đây để đón khách, chở hàng đều phải di chuyển chậm do lượng phương tiện ra vào sân bay tăng so với ngày thường. Theo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đợt cao điểm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 lượng khách sẽ tiếp tục tăng từ 8 đến 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cao điểm nhất trước Tết dự báo là ngày 2-2 (tức 28 tháng Chạp), với khoảng 900 lượt chuyến, tăng 73 chuyến bay so với ngày cao điểm Tết Nguyên đán 2018. Ngoài ra, trong những cao điểm giáp Tết Nguyên đán, một số khu vực như: quốc lộ 1 đi về các tỉnh miền tây, khu vực phà Cát Lái, điểm đầu của tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây,... sẽ là những điểm nóng trong việc đi lại của người dân.

Tại bến xe Miền Đông, mặc dù chưa vào những ngày cao điểm nhưng các quầy bán vé cho người dân đi về các tỉnh đã rơi vào tình trạng khan hiếm vé, nhất là những ngày giáp Tết (từ ngày 25 đến 28 tháng Chạp). Tại nhiều quầy vé, doanh nghiệp vận tải đã tăng giá quá quy định so với giá vé niêm yết của ngành giao thông. Theo Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố, đợt kiểm tra mới đây đã phát hiện không ít doanh nghiệp vi phạm quy định này như, bán vé xe không cùi, vé có dấu hiệu bị sửa lại giá, vé đóng mộc hai lần, cá biệt có doanh nghiệp bán vé thấp hơn giá vé niêm yết, bán vé đi không đúng tuyến đã đăng ký,... Trong khi đó, tại nhiều địa điểm trên các trục đường chính, đã xuất hiện xe “dù”, bến “cóc”. Trên tuyến quốc lộ 13 (quận Thủ Đức), nhiều xe khách sau khi rời bến đã liên tục dừng lại dọc đường để đón khách, ảnh hưởng an toàn giao thông.

Bảo đảm an toàn giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán là vấn đề thành phố quan tâm nhiều năm nay. Thành phố đã giao Công an thành phố, Sở GTVT và các đơn vị liên quan sớm triển khai các kế hoạch, giải pháp để việc đi lại của người dân trong dịp cao điểm Tết được thuận lợi nhất. Theo Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố Trần Quang Lâm, dịp này Sở đã công khai ba đường dây nóng tại các bến xe gồm: 0388 247 247, 0283 830 0701 và 0913880906 do các lực lượng chức năng tiếp nhận sẽ xử lý tất cả các phản ánh về giao thông, đi lại, hành vi gây khó khăn cho người dân đi lại trong dịp Tết. Theo ông Lâm, việc khan hiếm vé là do việc đi lại trong những ngày cao điểm tăng cao nhưng ngành giao thông đã làm việc với các bến xe, trung tâm vận tải hành khách công cộng để lên kế hoạch, bảo đảm huy động đủ xe khách và cam kết bất cứ hành khách nào cũng sẽ có vé về Tết theo nhu cầu. Trước tình trạng một số nhà xe bán vé sai quy định, bước đầu, ngành thanh tra đã tiến hành kiểm tra và xử lý. Nếu các nhà xe không hợp tác, lực lượng chức năng sẽ áp dụng các chế tài theo quy định, trong đó có việc tước phù hiệu. Bên cạnh đó, cơ quan hữu trách sẽ lập biên bản xử lý nhà xe tại chỗ, đối với các trường hợp đầy đủ chứng cứ và người bị hại đứng ra làm chứng, thanh tra giao thông sẽ lập biên bản phạt, mức phạt có thể lên tới sáu đến tám triệu đồng/trường hợp. Nếu tái phạm, đoàn kiểm tra có thể đình chỉ, thu hồi phù hiệu tại bến. Với quyết định đình chỉ này, phương tiện sẽ ngưng hoạt động hai tháng. Đối với các điểm xe “dù”, bến “cóc”, các lực lượng chức năng cũng tổ chức nhiều đợt tuần tra, kiểm soát trước, trong và sau Tết. Tại các bến xe, công tác kiểm tra, giám sát công tác bán vé xe, đi lại của các đơn vị vận tải cũng được thực hiện chặt chẽ. Bến xe Miền Tây dự báo, lượng khách đợt cao điểm trước và sau Tết năm nay sẽ tăng khoảng 2% so với cùng kỳ. Phó Tổng giám đốc Bến xe Miền Tây Đặng Nguyễn Nguyên Huân cho biết: “Theo thống kê những năm trước thì trước Tết các doanh nghiệp vận tải thường kê khai tăng giá vé xe Tết, mức tăng sẽ không quá 40% so với ngày thường; thời gian tăng trong sáu ngày, gồm bốn ngày trước Tết và hai ngày sau Tết, cụ thể từ ngày 27 tháng Chạp đến ngày mồng 2 Tết. Đến thời điểm này thì bến xe chưa nhận được bất kỳ bảng kê khai nào của các đơn vị vận tải. Theo quy định họ sẽ gửi trước năm ngày trước khi áp dụng giá mới. Khi đó mới có giá cụ thể chính xác”.

Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt, Công an TP Hồ Chí Minh, cho biết: Đơn vị đã chủ động phối hợp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để giải quyết các tình huống giao thông trong những ngày cao điểm Tết. Theo đó, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ kéo dài băng chuyền số 4 và 6 để tăng công suất phục vụ lên 1,5 lần, đồng thời bổ sung 10 băng chuyền, tăng thêm 30% năng lực phục vụ hành lý tại ga quốc nội. Ngoài ra, đơn vị cũng tổ chức khai thác 72 vị trí đỗ thương mại ngày và đêm, hệ thống đường lăn sẽ được điều chỉnh phù hợp để phục vụ 18 vị trí đỗ mới; các phương tiện dừng, đậu để đón, trả khách quá ba phút để tránh tình trạng ùn ứ phương tiện trong khu vực sảnh chờ nhà ga.