Vai trò công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới

Nhờ làm tốt việc tuyên truyền, vận động, lấy người dân làm chủ thể, công tác xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội đạt nhiều kết quả tích cực. Vì vậy, cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa để chất lượng đời sống nông dân được nâng lên và tạo diện mạo mới cho khu vực ngoại thành.

Đường giao thông nông thôn khang trang, sạch đẹp tại xã nông thôn mới Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Đường giao thông nông thôn khang trang, sạch đẹp tại xã nông thôn mới Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Về xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ) hôm nay, nhiều người cảm giác đang đi trong một khu du lịch sinh thái, bởi dọc theo những con đường làng rộng rãi, sạch sẽ là các loại hoa đua nhau khoe sắc. Thành quả này có được không phải nhờ “mạnh thường quân” nào cả mà là nhờ sự chung tay góp sức của chính người dân.

Tại địa bàn cụm 2, Trưởng cụm Nguyễn Minh Khoa hào hứng nói: "Hàng cây bóng mát ven đường trục của cụm là do một hộ dân đóng góp, trị giá hơn 100 triệu đồng. Một số hộ khác ủng hộ thêm ghế đá, cối đá... trị giá hàng chục triệu đồng đặt dưới gốc cây ven đường, tạo cảnh quan sạch đẹp ven tuyến đường và khu dân cư. Để giữ vệ sinh chung, vào chiều thứ bảy hằng tuần cụm tổ chức tổng vệ sinh. Riêng giao thông nội đồng, nhiều năm nay, nhân dân cụm 2 đóng góp hàng trăm triệu đồng cùng hàng nghìn ngày công lao động để nạo vét kênh mương, rải đá cấp phối gia cố mặt đường…".

Lãnh đạo UBND xã Phụng Thượng chia sẻ, nhờ sự đóng góp tích cực của nhân dân địa phương, trong những năm qua, tất cả các tuyến đường trục xã, liên xã ở Phụng Thượng đã được trải nhựa hoặc được bê-tông hóa; gần 95% tuyến đường liên thôn, ngõ, xóm được bê-tông hóa và 50% tuyến giao thông trục chính nội đồng được cứng hóa. Đây cũng là một trong những yếu tố giúp xã Phụng Thượng được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Không chỉ dừng lại ở việc bổ sung, nâng cấp nông thôn mới từ những công trình hạ tầng như: điện, đường, trường, trạm, nhiều nơi còn chú trọng nâng cao ý thức tự giác trong nếp sống của từng người dân, mỗi gia đình, thôn, xóm. Bà Nguyễn Thị Hà, hội viên Hội Phụ nữ thôn La Thạch (xã Phương Đình, huyện Đan Phượng) cho biết: "Chúng tôi vận động từng hộ dân nâng cao trách nhiệm xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, góp phần xây dựng khu dân cư lành mạnh, an toàn, tạo nếp sống mới văn minh... Bà con tự nguyện tham gia sôi nổi, hiệu quả". Nhờ đó đến nay, việc hiếu, hỉ ở La Thạch không tổ chức ăn uống linh đình kéo dài nhiều ngày; đồng thời, dần loại bỏ các hủ tục lạc hậu... tạo chuyển biến lớn trong đời sống văn hóa nông thôn.

Rõ ràng, khi vận dụng tốt quy chế dân chủ vào xây dựng nông thôn mới, không chỉ người dân mà các cấp ủy, chính quyền còn được “hưởng lợi” rất nhiều. Kinh nghiệm này được nhân rộng tại nhiều địa phương của TP Hà Nội. Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, trong đó các đoàn thể chính trị - xã hội là hạt nhân tuyên truyền theo từng “kênh riêng”, cho nên người dân đã nhiệt tình hưởng ứng tham gia. Cùng với ngân sách nhà nước, từ năm 2016 đến 2018, các doanh nghiệp và nhân dân tự nguyện đóng góp hơn 2.855 tỷ đồng tham gia xây dựng nông thôn mới.

Từ chủ trương chung, mỗi địa phương lại có cách làm sáng tạo, cụ thể để phát huy tình đoàn kết, chung sức xây dựng nông thôn mới. Theo Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Hòa Thạch Phùng Văn Lĩnh, cách làm của xã là triển khai đến các Ban Công tác Mặt trận của thôn phối hợp cùng chi bộ, trưởng thôn và các hội đoàn thể vận động từng hộ gia đình. Tất cả mọi việc đều được họp, bàn công khai, minh bạch và nhìn thấy hiệu quả, người dân rất phấn khởi, tự giác tham gia. Còn tại huyện Phúc Thọ, hằng năm đều tổ chức ngày hội sinh hoạt cộng đồng tại 178 cụm dân cư để nhân dân cùng thảo luận các chủ đề như: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện cuộc vận động “ba sạch” do huyện phát động… Sinh hoạt cộng đồng đã góp phần tạo sự đoàn kết và mọi người dân đều hưởng ứng tích cực.

Những cố gắng, nỗ lực ấy đã cho kết quả xứng đáng. Đến thời điểm này, Hà Nội đã có bốn huyện: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì và Hoài Đức và 325 trong số 386 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm hơn 84% tổng số xã của thành phố), về đích trước hai năm so với mục tiêu của thành phố đề ra. Riêng ba xã: Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung (huyện Đan Phượng) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2018. Còn trong số 61 xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có bảy xã đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí, 46 xã đạt và cơ bản đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, còn tám xã đạt và cơ bản đạt từ 11 đến 14 tiêu chí. Đời sống nông dân không ngừng được cải thiện, thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2018 ước đạt 46,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 3,65% (đầu năm 2016) xuống còn 1,81% (cuối năm 2018)...

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế trong công tác xây dựng nông thôn mới cần tập trung khắc phục. Đó là một số công trình hạ tầng đầu tư nhưng chưa sử dụng hiệu quả, gây lãng phí; ô nhiễm môi trường làng nghề; còn vi phạm trong quản lý đất đai, xây dựng dẫn đến đơn thư, khiếu kiện, gây bức xúc trong nhân dân.

Tại hội nghị triển khai các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới từ nay đến cuối năm 2019, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác tiếp dân, không để phát sinh điểm nóng, khiếu kiện đông người. Các cấp, các ngành tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa mới, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, để xây dựng nông thôn mới bảo đảm chất lượng, bền vững.