Tập trung ổn định sản xuất nông nghiệp

Với sự chủ động và nỗ lực rất lớn của ngành nông nghiệp, đến nay sản xuất vụ xuân trên địa bàn Hà Nội diễn ra khá thuận lợi. Tuy nhiên, nỗi lo về thời tiết, dịch bệnh diễn biến bất thường, phức tạp chưa hết.

Nông dân xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa xuân. Ảnh: ĐĂNG ANH
Nông dân xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai làm đất chuẩn bị gieo cấy lúa xuân. Ảnh: ĐĂNG ANH

Sau gần hai ngày lấy nước đợt hai (từ ngày 5 đến 12-2), diện tích gieo cấy của xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai đã cơ bản đủ nước đổ ải. Người dân tranh thủ xuống đồng làm đất để chuẩn bị gieo cấy. Bà Nguyễn Thị Xuân, người dân thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu cho biết, nhờ hoàn thành dồn điền đổi thửa, gia đình bà chỉ còn hai thửa ruộng, mỗi thửa rộng gần ba sào. Một thửa ruộng nằm ngoài đê đã cấy xong trước Tết Nguyên đán, đang phát triển tốt. Thửa ruộng còn lại ở trong đồng đã đủ nước, được làm đất kỹ càng. Mạ đang phát triển tốt và dự kiến sau rằm tháng Giêng, nhà bà Xuân bắt đầu cấy, bảo đảm khung thời vụ tốt nhất.

Theo đại diện UBND huyện Quốc Oai, vụ xuân năm nay, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện là 5.600 ha, trong đó diện tích lúa là 4.400 ha trồng các giống có năng suất, chất lượng cao như: Thiên ưu 8, Kim cương 111, Bắc thơm số 7, Ja-mô-ni-ca… Ðến nay, huyện đã gieo hơn 260 ha mạ, được che phủ ni-lông, bảo đảm sinh trưởng, phát triển tốt. Hơn 3.000 ha diện tích cấy lúa đã có nước, trong đó gần 500 ha lúa xuân sớm tránh lũ tiểu mãn khu vực ngoài đê đã cấy. Khoảng 200 ha ở các xã Ngọc Liệp, Liệp Tuyết, Ðông Yên cấy mạ khay cũng đã hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng cấy. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Huy Chiến vẫn lo lắng: Huyện Quốc Oai nằm ở cuối nguồn nước từ hồ Ðồng Mô, cho nên nước về chậm. Huyện có 126 trạm bơm, tổng công suất gần 122 nghìn m3/giờ, nhưng tổng số công nhân vận hành các trạm bơm chỉ có 96 người, cho nên các máy bơm phải chạy so le nhau. Hơn 2.760 tuyến kênh với chiều dài gần 1.030 km, gần 3.560 cống và công trình trên kênh, nhưng chỉ có 18 công nhân thủy nông làm nhiệm vụ dẫn nước, khiến cho tiến độ lấy nước bị chậm. Kênh chính Phù Sa có mực nước thấp, nếu thấp hơn 5,2 m thì trạm bơm chính Phù Sa không thể vận hành, cho nên khu vực các xã Sài Sơn, Phượng Cách, Yên Sơn, diện tích gần 510 ha sẽ khó khăn về nước tưới. Khả năng thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất rất lớn.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, tổng diện tích gieo cấy vụ xuân 2020 trên địa bàn Hà Nội là gần 90 nghìn ha. Ðể bảo đảm đủ nước, các công ty thủy lợi đã tiến hành lắp đặt 274 trạm bơm dã chiến, tổ chức nạo vét các cửa khẩu lấy nước, kênh mương với tổng khối lượng nạo vét khoảng 430 nghìn m3 bùn đất. Nhờ đó đến nay, tổng diện tích có nước đổ ải đạt hơn 65 nghìn ha (chiếm 75%). Các huyện đã làm đất được hơn 52 nghìn ha, gieo mạ đạt hơn 4.560 ha, đạt 100% kế hoạch và cấy được hơn 16 nghìn ha. Diện tích gieo trồng cây rau màu đạt hơn 9.000 ha, đạt 40% kế hoạch. Tuy nhiên, nhìn chung tiến độ lấy nước tưới của Hà Nội chậm hơn so với các tỉnh. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết thêm: Mực nước sông Hồng tại Trạm Thủy văn Hà Nội duy trì ở mức thấp, khoảng 1,6 m, cho nên Trạm bơm Ấp Bắc, Phù Sa không hoạt động được; cống Cẩm Ðình, Liên Mạc phải đóng, làm chậm tiến độ đưa nước. Việc thực hiện đấu thầu cung ứng sản phẩm dịch vụ thủy lợi phải thực hiện hằng năm với rất nhiều trình tự thủ tục cũng ảnh hưởng kế hoạch lấy nước của các công ty thủy lợi.

Cùng với nỗi lo thiếu nước sản xuất, tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ rất cao trong thời điểm giao mùa. Trước Tết Nguyên đán, một lượng lớn gia súc, gia cầm đã được xuất chuồng với giá bán rất cao, người chăn nuôi lãi lớn, cho nên đàn gia súc trên địa bàn thành phố giảm mạnh. Nhiều cơ sở chăn nuôi đang đẩy mạnh việc tái đàn và tổng đàn có chiều hướng tăng. Thành phố có hơn 7.600 cơ sở chăn nuôi lợn tái đàn với số lượng gần 600 nghìn con, nâng tổng đàn lợn lên hơn 1 triệu 100 nghìn con. Ðàn gia cầm hơn 40 triệu con, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó riêng đàn gà là 26 triệu 500 nghìn con, tăng hơn 17%. Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khuyến cáo người chăn nuôi cần bình tĩnh, thận trọng, theo dõi thị trường, tránh tái đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu. Dịch bệnh tả lợn châu Phi đã cơ bản được kiểm soát, nhưng đang là thời điểm giao mùa, không khí ẩm, mưa nhiều, nguy cơ lây nhiễm, bùng phát dịch bệnh rất lớn.

Mới đây, sau buổi kiểm tra công tác lấy nước tưới và tình hình sản xuất nông nghiệp tại một số địa phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu biểu dương Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các công ty thủy lợi đã nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục khó khăn về thủy lợi phục vụ vụ xuân. Ðồng thời yêu cầu các đơn vị thủy lợi vận hành tối đa các trạm bơm lấy nước vào ruộng và trữ nước vào ao, hồ, đầm, kênh, mương để cấp nước tưới sản xuất nông nghiệp. Các cấp, các ngành tích cực động viên nông dân khẩn trương gieo trồng đúng khung thời vụ. Phó Chủ tịch UBND thành phố lưu ý, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã cơ bản được khống chế, nhưng thiệt hại kinh tế rất lớn. Vì thế, ngành nông nghiệp tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác, tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Người chăn nuôi phải chủ động tổ chức tiêu độc, khử trùng vệ sinh chuồng trại, bảo đảm đàn vật nuôi an toàn, phát triển tốt.