Nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng mạnh

Trước ảnh hưởng của dịch bệnh do nCoV, nhiều người dân có tâm lý hạn chế đến các cửa hàng, quán xá, trung tâm thương mại để mua sắm, sử dụng dịch vụ. Trước tình hình này, các doanh nghiệp bán lẻ đã chủ động đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, giao hàng tận nơi cho khách hàng.

Các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại... trở nên vắng vẻ do người dân chuyển sang mua sắm trực tuyến từ khi có dịch bệnh do nCoV. Ảnh: NGỌC MAI
Các cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại... trở nên vắng vẻ do người dân chuyển sang mua sắm trực tuyến từ khi có dịch bệnh do nCoV. Ảnh: NGỌC MAI

Trái ngược với không khí đông đúc thường thấy, các siêu thị, trung tâm thương mại, khu vui chơi, quán cà-phê... trên địa bàn Hà Nội những ngày này thưa thớt và vắng vẻ hơn hẳn. Khu vui chơi dành cho trẻ em tại tầng 2 Trung tâm Thương mại Aeon Long Biên trong hai ngày cuối tuần 8 và 9-2 vừa qua, lượng trẻ em đến đây vui chơi chỉ bằng 50% so với trước. Trung tâm thương mại tại tầng 1 Big C Thăng Long (đường Trần Duy Hưng) cũng trong tình trạng tương tự. Mặc dù đang trong thời điểm giao mùa, nhiều cửa hàng thời trang treo biển giảm giá lên tới 50% đến 70% giá bán, nhưng không mấy khách mặn mà đến tham quan, mua sắm. Tại các quán cà-phê, trà sữa, quán ăn..., số lượng khách hàng cũng giảm từ 30% đến 50% so với trước. Ðối phó với tình hình này, nhiều cửa hàng phải cắt giảm nhân viên để hạn chế chi phí. Cửa hàng Dung Hòa Phố cổ (quận Hoàn Kiếm) đã phải rút bớt nhân viên, chỉ giữ lại hai đầu bếp, một bồi bàn, một thu ngân để duy trì hoạt động, thay cho đội ngũ nhân viên gần 20 người trước đây. Tại các tuyến phố tập trung nhiều hàng quán như Triệu Việt Vương, Nguyễn Hữu Huân..., lượng khách hàng cũng giảm hẳn. Nhiều hàng quán chung quanh các Trường đại học Bách khoa, Kinh tế quốc dân… đã đóng cửa do sinh viên chưa đi học lại.

Khác với không khí trầm lắng tại các cửa hàng, trung tâm thương mại, hình thức kinh doanh trực tuyến lại đang tăng nhanh. Nhiều quán cà-phê, trà sữa, số lượng khách hàng đến mua, ngồi tại quán giảm, nhưng lượng đặt hàng online lại tăng từ 15% đến 20% so với trước. Các siêu thị cũng đẩy mạnh việc bán hàng trực tuyến để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Phó Tổng Giám đốc Central Retail (sở hữu hệ thống siêu thị Big C) Nguyễn Thị Phương cho biết, đơn vị đang tăng cường hình thức thương mại điện tử để người tiêu dùng có thể "đi chợ" mà không cần đến siêu thị, cũng không cần tích trữ thực phẩm dài ngày. Hệ thống siêu thị Co.opmart cũng đang triển khai hoạt động mua sắm online. Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, trước khi diễn ra dịch bệnh do nCoV, tỷ lệ bán hàng trực tuyến tại siêu thị chỉ đạt khoảng 5% đến 10%, nhưng hiện tại lượng khách hàng mua online đang tăng mạnh. Ðể đáp ứng nhu cầu này, siêu thị đã cập nhật danh sách toàn bộ các mặt hàng bày bán lên mạng, đồng thời, miễn phí vận chuyển nội thành với hóa đơn mua hàng trị giá từ 200 nghìn đồng trở lên. Ðại diện hệ thống siêu thị Mega Market cho biết, hiện phần lớn khách hàng chọn đặt hàng qua trang điện tử hoặc gọi điện thoại và muốn nhận giao hàng tận nơi. Vì vậy, hệ thống trang web của siêu thị cũng đang đầu tư mạnh cho kênh bán hàng online.

Ðể khuyến khích người tiêu dùng mua hàng qua kênh trực tuyến, các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Tiki, Lazada… cũng liên tục triển khai các chương trình giảm giá, khuyến mại. Chị Trần Thu Trang, ở phố Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng) cho biết, việc mua hàng trực tuyến thường mất thời gian chờ giao hàng, có khi lên tới ba, bốn ngày. Bên cạnh đó, do không được trực tiếp chọn sản phẩm, cho nên độ rủi ro khá lớn. Nhưng trong khi tình hình dịch bệnh diễn biến khá phức tạp, các ngành chức năng khuyến cáo hạn chế tập trung đông người thì đây là sự lựa chọn tốt nhất.

Phó Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Lê Việt Nga cho biết, Bộ Công thương đã xây dựng các kịch bản thị trường khác nhau tùy thuộc diễn biến của dịch bệnh. Trong tình hình hiện nay, để có thể hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm mà không cần đến nơi đông người, các đơn vị cung ứng, phân phối hàng hóa đang đẩy mạnh hình thức bán hàng trực tuyến, tăng cường đội ngũ tư vấn, lên đơn và vận chuyển để có thể đáp ứng nhu cầu của người dân. Ngành công thương cũng đã kiến nghị các doanh nghiệp thương mại điện tử, logistics sẵn sàng vào cuộc trong các trường hợp.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết thêm, trước tình trạng nhiều sàn thương mại điện tử, tổ chức và cá nhân tăng giá các mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay…, Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an thành phố, Cục Hải quan Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội, Cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ phối hợp đẩy mạnh công tác giám sát hoạt động thương mại điện tử trên môi trường mạng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân lợi dụng việc kinh doanh thương mại điện tử; điều tra làm rõ, xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Trong trường hợp cần thiết sẽ phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp đưa ra truy tố, xét xử, tuyên truyền để bảo đảm tính răn đe, trấn áp tội phạm, phòng ngừa sâu rộng trong nhân dân.