Ngời sáng phẩm cách người Hà Nội (Tiếp theo) (*)

Bài 2: Hạnh phúc khi được sẻ chia

Người Hà Nội dựng cây “ATM” gạo để giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian xảy ra dịch Covid-19.
Người Hà Nội dựng cây “ATM” gạo để giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian xảy ra dịch Covid-19.

Trong những ngày cao điểm phòng, chống dịch Covid-19, ở bất cứ nơi đâu, người ta cũng bắt gặp những câu chuyện cảm động về tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau của người Hà Nội. Văn hóa người Hà Nội, tính cách người Hà Nội chính là “sức mạnh mềm” để trong lúc khó khăn nhất, mỗi người càng thêm tin vào chiến thắng dịch bệnh và chiến thắng thời kỳ “hậu” Covid-19.

Việc nhỏ, ý nghĩa lớn

Cậu bé Nguyễn Ngọc Đức (phường Bồ Đề, quận Long Biên; học sinh lớp 3A2 Trường tiểu học Bồ Đề) đang trong những ngày cuối cùng của năm học 2019 - 2020. Không mấy ai biết rằng, cậu chính là một “chiến sĩ hậu cần” trong những ngày cả nước cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Trong những ngày đó, Đức xem trên ti-vi thấy nói đến mũ chống giọt bắn. Cậu chưa hiểu rõ công dụng, cho nên hỏi lại mẹ. Chị Lê Thị Hồng Hạnh, mẹ của Đức kể: “Đức bảo tôi mở clip hướng dẫn làm mũ chống giọt bắn để học cách làm. Tôi rất bất ngờ khi con mình đề xuất hai mẹ con sẽ mua nguyên liệu để làm mũ tặng các cô, chú tham gia chống dịch”. Ngay khi được mẹ thông qua “chủ trương”, Đức lập tức “mổ lợn” tiết kiệm để mua nguyên liệu. Thấy Đức hăng hái, cả nhà bị “cuốn” theo. Nhiều hôm, cậu thức đến gần 12 giờ đêm cặm cụi làm mũ, bố mẹ phải giục mới chịu đi ngủ. Không những thế, một số họ hàng thấy việc làm này ý nghĩa, cũng ủng hộ. Kết quả là “xưởng” sản xuất mũ chống giọt bắn này đã cho “ra lò” tổng cộng 2.700 chiếc mũ tặng cán bộ phòng, chống dịch của phường Bồ Đề và các học sinh Trường tiểu học Bồ Đề (quận Long Biên).

Hà Nội có rất nhiều “xưởng” sản xuất những dụng cụ phòng, chống lây nhiễm Covid-19 của các bạn nhỏ. Đó là những học sinh lớp 5A0 Trường tiểu học - THCS Ngôi Sao, là các thiếu nhi huyện Thanh Oai, huyện Quốc Oai và nhiều cô bé, cậu bé khác cũng làm mũ chống giọt bắn để tặng cộng đồng. Nhiều cô bé, cậu bé khác cũng “mổ” lợn tiết kiệm để ủng hộ các hoạt động phòng, chống dịch. Em Trần Nam Long, một học sinh lớp 8 đã tham gia chương trình vẽ tranh “Thử thách 14 ngày”. Sau đó, bức tranh của Nam Long tham gia đấu giá và được trả tới 25 triệu đồng. Em và mẹ đã ủng hộ 50% số tiền đấu giá tranh cho các hoạt động phòng, chống dịch.

Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm đến xây dựng văn hóa, con người Việt Nam. Tháng 6-2014, Ban Chấp hành T.Ư Đảng đã ban bành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. TP Hà Nội đã cụ thể hóa Nghị quyết số 33 bằng Chương trình 04 của Thành ủy về Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, bằng các chương trình hành động, cuộc vận động, phong trào cụ thể. Dịch bệnh xảy ra là lúc chúng ta nhận diện rõ hơn những thành quả của sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam ở TP Hà Nội.

Những hành động của trẻ em vì cộng đồng kể trên chính là tấm gương phản chiếu hành động của người lớn. Dịch bệnh trên thế giới căng thẳng đúng lúc mùa cày cấy đến. Ở huyện Đông Anh, có gia đình vừa nhổ mạ về sân thì nhận được “lệnh” cách ly. Song, lo lắng được xua tan ngay sau đó. Chính quyền, đoàn thể, hàng xóm đã chung tay tổ chức cấy lúa ngay trong hôm sau để gia đình yên tâm cách ly. Có gia đình trồng hoa màu, đến kỳ phun thuốc, làm cỏ, cũng chỉ cần gọi điện thoại, nhắn tin cho cán bộ thôn, xóm là được thu xếp đâu vào đấy. “Đầu tháng 2, đúng vào vụ cấy lúa xuân, trong thôn Hạ Lâm 3 có trường hợp bị nghi lây nhiễm, chị em trong Hội Phụ nữ xã đã phân công nhau đi cấy, chăm sóc lúa, rau màu giúp các gia đình yên tâm cách ly, chăm sóc sức khỏe”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thụy Lâm cho biết.

Lan tỏa tinh thần tương thân, tương ái

Tháng 4, Hà Nội cùng cả nước thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người lao động nghèo, lao động tự do phải nghỉ việc, không có thu nhập. Trước tình hình này, anh Nguyễn Phan Huy Khôi đã khởi xướng thực hiện chương trình “Chia sẻ thực phẩm hằng ngày, cùng nhau vượt qua Covid-19”. Ngay khi biết anh thực hiện chương trình, đầu tiên là bạn bè, sau đó là những người không quen biết “ùn ùn” mang các loại thực phẩm đến đóng góp. Nhờ thế, chương trình do anh phát động tổ chức 10 điểm phát quà ở các khu vực như: Cổng chính Ký túc xá Mễ Trì, số 182 Lương Thế Vinh (quận Thanh Xuân); quán cà-phê N2F, 54 đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân); 420 đường Lạc Long Quân (quận Tây Hồ); số 1A phố Yết Kiêu (quận Hoàn Kiếm); UBND phường Phúc Xá, 57 phố Nghĩa Dũng (quận Ba Đình)...

Quận Cầu Giấy là địa bàn có nhiều sinh viên thuê trọ, ngoài giúp đỡ về vật chất, với sự vào cuộc vận động của chính quyền, đoàn thể, rất nhiều hộ gia đình đã giảm tiền thuê trọ cho sinh viên, người nghèo. Điển hình như phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy), có tới 32 gia đình giảm từ 50 đến 70% tiền cho thuê cửa hàng, tiền cho thuê trọ cho sinh viên nghèo, người lao động. Tiêu biểu là trường hợp bà Đỗ Thị Thảo ở tổ dân phố số 14 đã miễn 100% tiền thuê nhà và thuê cửa hàng với tổng số tiền 53 triệu đồng. Ở phường Khương Đình (quận Thanh Xuân), 35 chủ nhà trọ tự nguyện giảm 50% mức giá cho thuê nhà cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát.

Có hàng nghìn câu chuyện về tinh thần “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. Nhiều cụ ông, cụ bà tuổi cao, sức yếu có ít tiền để bồi dưỡng cũng dành dụm để ủng hộ các hoạt động chống dịch bệnh. Cán bộ Mặt trận xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) không thể quên hình ảnh cụ Vương Thị Sinh, hơn 80 tuổi, nhờ con cháu chở đến trụ sở UBND xã vào ngày 1-4. Cụ Sinh tự mình leo lên tầng ba, gặp cán bộ Mặt trận để ủng hộ hai triệu đồng. Cụ xúc động nói: “Số tiền này tôi dành dụm được, nay nhờ các anh gửi đến mua thêm rau, gạo cho các bác sĩ, các anh bộ đội”. Cụ Nguyễn Thị Thơm (thôn Phương Nhị, xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì) cũng đến tận Văn phòng Ủy ban MTTQ huyện Thanh Trì để trao 10 triệu đồng, ủng hộ công tác phòng, chống dịch.

Lịch sử Việt Nam, lịch sử Thăng Long - Hà Nội cho thấy, cội nguồn của sức mạnh chính là yếu tố văn hóa, con người. Đó chính là “sức mạnh mềm” giúp chúng ta vượt qua gian khó. Chúng tôi rất xúc động khi biết rằng, “họa sĩ nhí” Trần Nam Long, người ủng hộ khoản tiền không hề nhỏ sau khi tham gia đấu giá tranh để chống dịch là một cậu bé câm, điếc. Mẹ Nam Long, chị Phùng Thị Hiếu chia sẻ: “Nam Long rất mê vẽ, trong đợt này Long vẽ rất nhiều tranh về chủ đề chống dịch Covid-19. Dù gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng có rất nhiều người phải vất vả, khó khăn ở tuyến đầu chống dịch, cho nên gia đình rất vui khi Nam Long đấu giá tranh thành công và dùng một phần tiền để ủng hộ chương trình”. Nam Long không thể nói, nhưng hành động của cậu bé có giá trị hơn cả ngàn lời. Và câu chuyện góp sức chống dịch của những người yếu thế, những cụ già, em nhỏ như cậu bé Nam Long… chính là hiện thân của những giá trị tốt đẹp ở Hà Nội.

(Còn nữa)

* Ngời sáng phẩm cách người Hà Nội

------------------------------

(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân từ số ra ngày 30-6-2020.