Mở "sân chơi" bình đẳng cho các doanh nghiệp vận tải

Trừ những đợt cao điểm về đi lại như kỳ nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua, nhìn chung các bến xe tại Hà Nội luôn trong tình trạng vắng khách, khiến hàng trăm tuyến xe khách mặc dù đã đăng ký hoạt động tại các bến xe, nhưng không vào bến đón khách. Trong khi đó, các văn phòng đại diện của nhà xe lại hoạt động nhộn nhịp như một bến xe riêng của mình. Thực tế này đòi hỏi cơ quan chức năng phải sớm có những giải pháp quyết liệt hơn để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp.

Lực lượng Thanh tra giao thông Hà Nội xử lý một trường hợp xe hợp đồng Limousine trá hình xe khách liên tỉnh. Ảnh: ĐẶNG NHẬT
Lực lượng Thanh tra giao thông Hà Nội xử lý một trường hợp xe hợp đồng Limousine trá hình xe khách liên tỉnh. Ảnh: ĐẶNG NHẬT

Càng chạy càng… lỗ

Ðầu tháng 4-2019, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã ra thông báo đình chỉ hoạt động và nhắc nhở đối với gần 530 xe khách liên tỉnh đang hoạt động tại bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm, do không bảo đảm 70% số chuyến, lượt vận hành mỗi tháng. Phần lớn các xe này đều chạy các tuyến được điều chuyển từ bến xe Mỹ Ðình về từ năm 2017. Theo quy định, các xe bị nhắc nhở hoặc đình chỉ lái xe một tháng, nếu vẫn tiếp tục vi phạm sẽ bị cắt "lốt".

Giám đốc Xí nghiệp quản lý bến xe phía nam (bến xe Giáp Bát) Nguyễn Tất Thành cho biết, hiện có 66 đơn vị vận tải với hơn 100 xe đăng ký hoạt động tại bến xe, có số chuyến hoạt động dưới 70% quy định. Trong số này, gần 30 đơn vị vận tải không hoạt động trong nhiều tháng. Ngay cả trong hai tháng cao điểm là tháng 12-2018 và 1-2019, nhiều nhà xe vẫn thi nhau bỏ bến. Trong ba tháng đầu năm 2019, thống kê tại bến có khoảng 120 điểm đỗ xe theo giờ ("lốt") thuộc 20 doanh nghiệp đã không hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng. Thậm chí, một số doanh nghiệp không đăng ký kế hoạch vận tải khách năm 2019.

Tại bến xe Nước Ngầm cũng diễn ra tình trạng tương tự, khi các nhà xe cũng dồn dập bỏ bến từ đầu năm 2019 đến nay. Phó Giám đốc bến xe Nước Ngầm Trịnh Hoài Lam thông tin, tình trạng xe bỏ bến đã xảy ra lác đác từ năm 2018, nhưng rộ lên từ đầu năm 2019 đến nay. Tính riêng trong ba tháng đầu năm nay đã có 204 "lốt" xe bỏ bến, chưa kể một số "lốt" xe có tần suất hoạt động thấp. Phần lớn các nhà xe bỏ bến này thuộc tuyến Nước Ngầm - Nam Ðịnh và Nước Ngầm - Thái Bình và được điều chuyển từ bến xe Mỹ Ðình về đây từ năm 2017.

Tại bến xe Nước Ngầm, trong số các doanh nghiệp bỏ "lốt" có Công ty cổ phần Quốc tế Mỹ Ðình (khai thác tuyến Nam Ðịnh - Nước Ngầm) có hàng chục xe đã đăng ký, nhưng không hoạt động, không khai thác vận tải khách; Công ty TNHH thương mại và vận tải Hoàng Sơn chạy tuyến Nước Ngầm - Minh Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) bỏ bến từ tháng 9-2018... Ông Trần Văn Huế, đại diện Công ty Sao Vàng, chạy tuyến Ðông Hưng (Thái Bình) - Nước Ngầm cho hay, trước đây xe hoạt động ở bến Mỹ Ðình thì lượng khách đều đều, nhưng khoảng hai năm trở lại đây lượng khách giảm mạnh. Ông Bùi Xuân Thắng, đại diện Công ty TNHH Long Thu chạy tuyến Quỳnh Côi (Thái Bình) - Nước Ngầm ngậm ngùi chia sẻ: "Trước đây, vào chiều thứ sáu cuối tuần xe thường rất đông khách, nhưng hiện nay có những ngày, mỗi chuyến xe xuất bến chỉ có vài khách, nhà xe phải bù lỗ chi phí xăng dầu. Thậm chí có hôm xe xuất bến mà không có khách nào. Trước đây, công ty có 30 xe hoạt động ở bến, thì nay chỉ còn ba, bốn xe".

Cần các giải pháp quyết liệt hơn

Phó Giám đốc bến xe Nước Ngầm Trịnh Hoài Lam cho biết, việc các doanh nghiệp đăng ký nhưng không hoạt động khiến cho các doanh nghiệp khác muốn bổ sung vào đó nhưng không được vì đã kín "lốt". Ðiều này gây khó khăn cho bến trong việc xây dựng tuyến, sắp xếp chỗ đỗ. Việc Sở Giao thông vận tải thông báo đình chỉ đối với xe không bảo đảm 70% số chuyến theo biểu đồ phê duyệt sẽ giúp bến xe giải quyết được vấn đề này.

Theo nhiều nhà xe, sở dĩ có tình trạng này, bên cạnh việc cung quá cầu thì việc rất nhiều xe hợp đồng Limousine trá hình xe khách liên tỉnh đón khách dọc đường, khiến các doanh nghiệp vận tải thêm khó khăn, dẫn đến tình trạng phải bỏ bến. Nguyên nhân nữa là nhiều đơn vị lách luật bằng cách đăng ký các tuyến xe khách liên tỉnh, chạy "quá cảnh" qua Hà Nội, nhưng vẫn đón, trả khách trên đường vành đai 3 và bến xe Mỹ Ðình. Ðiều này dẫn đến nghịch lý trong bến xe thì vắng khách, nhưng tại các văn phòng đại diện của các nhà xe lại hoạt động nhộn nhịp ngày đêm, nhà xe biến văn phòng bán vé thành bến xe riêng của mình.

Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) Ðào Việt Long cho biết, hiện có tới 410 tuyến xe vận tải hành khách liên tỉnh không đăng ký điểm đầu, điểm cuối tại Hà Nội, nhưng vẫn chạy xuyên tâm thành phố trên tuyến đường vành đai 3. Không chỉ dừng, đón, trả khách gây ùn tắc giao thông, nhiều nhà xe còn mở cả văn phòng làm điểm trung chuyển gom khách, giao nhận hàng hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các doanh nghiệp vận tải đăng ký hoạt động ổn định tại các bến xe. Trước bất cập này, từ năm 2017, Sở Giao thông vận tải Hà Nội và UBND thành phố Hà Nội đã nhiều lần có văn bản kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Ðường bộ Việt Nam điều chỉnh hành trình 410 tuyến xe này đi tránh sang các hướng khác. Khi được điều chỉnh, không chỉ giảm đáng kể áp lực giao thông, mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải cạnh tranh sòng phẳng hơn.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận định, xe Limousine trá hình không vào bến mà chạy lòng vòng "đón khách tận nơi, trả khách tại chỗ" theo nhu cầu đang gây ra những khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải làm ăn chân chính. Việc xuất hiện các xe Limousine đưa đón tận nơi cũng làm cho hành khách bỏ thói quen đến bến xe, khiến không ít doanh nghiệp vận tải tuyến cố định cũng bỏ bến xe để ra ngoài đón khách. Ðể giải quyết tình trạng này, Bộ Giao thông vận tải cần sớm sửa đổi các quy định nhằm ngăn chặn xe Limousine hoạt động trá hình; tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh vận tải hoạt động hiệu quả hơn.