Kiểm soát an toàn thực phẩm có chuyển biến

Ngày 4-11, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức phiên họp giải trình việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn. Thời gian gần đây, lĩnh vực này có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng việc kiểm soát chưa triệt để, vẫn có nơi, có lúc bị buông lỏng, đòi hỏi những giải pháp căn cơ hơn trong thời gian tới.
Phiên họp giải trình về việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: BÁ HOẠT
Phiên họp giải trình về việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: BÁ HOẠT

Hà Nội hiện có hơn 70 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bảy cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, 44 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 937 điểm giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, 454 chợ, 120 siêu thị và 22 trung tâm thương mại có kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, việc sản xuất thực phẩm của thành phố mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại phải nhập từ các tỉnh lân cận. Năm 2016, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với ATTP trong tình hình mới. Sau ba năm triển khai, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng tình trạng vi phạm ATTP vẫn diễn ra, gây lo ngại, bức xúc trong nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Phúc Khánh (quận Hoàng Mai) đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý nhà nước và giải pháp giải quyết tình trạng bán hàng rong vẫn tồn tại tại nhiều tuyến phố, khu vực. Đại biểu Nguyễn Minh Đức (quận Thanh Xuân) nêu những hạn chế về ATTP đối với bếp ăn tập thể tại các trường học, các khu công nghiệp như vẫn còn tồn tại bếp ăn không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; nhân viên không khám sức khỏe, không mặc đồng phục, không được tập huấn kiến thức về ATTP; việc lưu mẫu thức ăn chưa đúng quy định... Đại biểu Hoàng Thúy Hằng (huyện Thường Tín) chất vấn về việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung vẫn còn chậm và kém hiệu quả. Tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm tại các hộ gia đình vẫn diễn ra và gây ô nhiễm môi trường, khó kiểm soát nguồn gốc. Nhiều đại biểu cũng đặt vấn đề về việc kiểm soát lưu thông thực phẩm trên thị trường, thành phố có những giải pháp gì để xây dựng Hà Nội là Thủ đô về ẩm thực hay không…

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, thời gian qua, thành phố đã triển khai các giải pháp để có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm, khuyến khích người dân phát hiện, tố cáo những đơn vị, cơ sở không bảo đảm an toàn. Đồng thời, tăng cường chấn chỉnh công tác bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố... Về triển khai các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ thừa nhận, vẫn chưa kiểm soát được điểm giết mổ nhỏ lẻ do việc giết mổ tại đây có giá thành thấp hơn. Người dân vẫn quen tiêu thụ thịt tươi sống ở các chợ, chưa quen tiêu thụ thịt cấp đông, thịt qua chế biến. Trong thời gian tới, thành phố cần ưu tiên bố trí quỹ đất cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, có lộ trình đưa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào các khu giết mổ tập trung. Về tình trạng chợ cóc, chợ tạm, bán hàng rong, lãnh đạo Sở Công thương và các quận, huyện cho biết, sẽ tiếp tục rà soát và giải tỏa các khu vực vi phạm, bố trí quỹ đất xây dựng chợ phù hợp và tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong thói quen tiêu dùng văn minh, hiện đại.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, bên cạnh xây dựng các địa điểm, cửa hàng và món ăn nổi bật, đặc trưng, thành phố sẽ triển khai mạnh hơn việc xây dựng các chuỗi sản xuất kinh doanh phân phối thực phẩm. Từ 800 cửa hàng rau, củ, quả tại 12 quận hiện nay, thành phố sẽ nhân rộng ra, lập các cửa hàng bán thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến... Trong đó, quy định rõ tiêu chí các cửa hàng này như xác định rõ nguồn gốc xuất xứ, có phương tiện bảo quản, niêm yết giá công khai, người bán cần được trang bị về kiến thức ATTP, đăng ký kiểm tra và chứng nhận về ATTP… Thành phố sẽ tiếp tục kiểm tra, thanh tra, nhất là nguồn gốc xuất xứ hàng hóa… Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, đào tạo về kỹ năng cho cán bộ trong lĩnh vực ATTP, chủ các cửa hàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục xây dựng, khuyến khích các doanh nghiệp, các chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa một cách liên hoàn, đồng bộ, từ nơi chăn nuôi, trồng trọt tới phân phối kinh doanh và chế biến để đưa thực phẩm vào lưu thông có kiểm soát. Hà Nội sẽ đề xuất Chính phủ sớm cho phép lấy nguồn vốn đầu tư công để đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các chợ để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các tiểu thương kinh doanh, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Cùng với đó, thành phố mong muốn mọi người dân đóng vai trò giám sát các hoạt động về sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, có ý thức trong sử dụng và mua bán thực phẩm an toàn, phát hiện, lên án những hành vi vi phạm để cơ quan chức năng kịp thời xử lý.

Đánh giá về phiên giải trình, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định, có thể thấy công tác vệ sinh ATTP trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả. Người dân đã có những địa chỉ cụ thể để tiếp cận nguồn thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc. Nhưng chúng ta vẫn chưa thật sự yên tâm khi sử dụng thực phẩm, nhất là tại các chợ truyền thống, chợ tạm, chợ cóc… Việc kiểm soát chưa triệt để, vẫn có những nơi, những lúc bị buông lỏng. HĐND thành phố đề xuất UBND thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương rà soát lại các kế hoạch, đề án liên quan đến vấn đề vệ sinh ATTP, nhanh chóng giải quyết vướng mắc cụ thể, tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị, quy trách nhiệm cho từng cán bộ, đơn vị cụ thể, đồng thời cần xây dựng cơ chế xử phạt nghiêm minh hơn, vì vấn đề này liên quan trực tiếp đến an toàn sức khỏe của người dân.