Giải quyết dứt điểm mâu thuẫn ngay từ cơ sở

Hạn chế đơn thư khiếu nại tố cáo, góp phần giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân là những kết quả nổi bật sau 5 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội.

Một buổi làm việc của cán bộ Tổ hòa giải phường Thượng Thanh, quận Long Biên.Ảnh: HOÀNG PHONG
Một buổi làm việc của cán bộ Tổ hòa giải phường Thượng Thanh, quận Long Biên.Ảnh: HOÀNG PHONG

Để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải, thời gian tới Hà Nội sẽ nhân rộng các mô hình hòa giải hay, kiện toàn đội ngũ, phấn đấu xử lý dứt điểm các mâu thuẫn phát sinh ngay từ cơ sở...

Với tốc độ đô thị hóa nhanh, đặc thù dân cư đông, phức tạp, nhiều khu dân cư có tỷ lệ người lao động tự do lớn, thời gian qua, quận Hai Bà Trưng đặc biệt chú trọng công tác hòa giải ở cơ sở. Mỗi năm, trên địa bàn quận xảy ra gần 300 vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh, song với sự vào cuộc tích cực của hơn 200 tổ hòa giải, tình hình an ninh chính trị trên địa bàn được giữ vững. Công tác hòa giải, đối thoại về giải phóng mặt bằng tại phường Vĩnh Tuy là thí dụ điển hình. Năm 2016, ngay khi bắt đầu giải phóng mặt bằng dự án đường vành đai 2, nhiều người dân ở phố Minh Khai đã có đơn tập thể kiến nghị về giá đất bồi thường. Để ổn định tâm tư, đời sống người dân, UBND phường đã chủ động cùng các tổ hòa giải chủ động xuống tận cấp ủy chi bộ, tổ dân phố và các hộ dân liên quan tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, nắm rõ chủ trương của thành phố. Kiên trì vận động, đến giữa năm 2018, gần 400 hộ dân đã bàn giao mặt bằng để dự án nhanh chóng được triển khai, đáp ứng nhu cầu giao thông trên địa bàn.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Cáp Sỹ Phong, chất lượng hòa giải tại 20 phường trên địa bàn ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hòa giải thành công năm sau cao hơn năm trước, đã hỗ trợ chính quyền địa phương giải quyết trực tiếp những vụ vi phạm pháp luật, tranh chấp nhỏ trong nhân dân. Hằng năm, 100% các tổ hòa giải được rà soát và kiện toàn để bảo đảm lựa chọn được những hòa giải viên có tâm, có tầm, có trình độ hiểu biết, uy tín và sự nhiệt tình để thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng có kết quả tốt. Nhờ đó, tỷ lệ hòa giải thành công trên địa bàn đạt hơn 87%. Không riêng quận Hai Bà Trưng, sau 5 năm triển khai thực hiện bài bản, đồng bộ và rộng khắp Luật Hòa giải ở cơ sở, đến nay công tác hòa giải trên toàn địa bàn Hà Nội đã thu được nhiều kết quả khả quan. Tỷ lệ hòa giải thành công tăng dần qua từng năm (bình quân đạt 82%), đáng chú ý năm 2018 tỷ lệ hòa giải thành đạt 86,3%. Cùng với đó, số vụ việc phát sinh giảm dần, năm 2018, toàn thành phố phát sinh 6.642 vụ, giảm hơn 3.000 vụ so với năm 2014.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hồ Xuân Hương cho biết, thành phố hiện có 5.444 tổ hòa giải với 35.053 hòa giải viên, trong đó số hòa giải viên có trình độ chuyên môn về ngành luật là 3.117 người (chiếm khoảng 8%). Bên cạnh mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt”, nhiều địa phương, sở, ngành cũng tích cực phối hợp, có sáng kiến xây dựng nên nhiều mô hình hay, nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật, cũng như đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở. Cụ thể, Ủy ban MTTQ thành phố có mô hình “Nhóm nòng cốt”, Hội Nông dân thành phố có mô hình “Câu lạc bộ nông dân với pháp luật”, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố có mô hình “Câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật”, “Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”...

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở hiện vẫn còn một số vướng mắc do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương với công tác này có lúc, có nơi còn chưa được thường xuyên. Nhiều địa bàn chưa khuyến khích, huy động được các luật sư, luật gia; tài liệu pháp luật cung cấp cho hòa giải viên còn hạn hẹp...

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, Luật Hòa giải ở cơ sở là cơ sở pháp lý quan trọng để nâng cao chất lượng công tác hòa giải. Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về công tác tư pháp nói chung, hoạt động hòa giải ở cơ sở nói riêng. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở, thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp MTTQ và các đoàn thể trong tổ chức thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Cùng với đó, các cấp, các ngành chăm lo, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên phù hợp tình hình thực tế, hướng dẫn các tổ hòa giải hoạt động tích cực, đúng vai trò, nhiệm vụ nhằm giải quyết triệt để các mâu thuẫn, vụ việc xảy ra ngay từ cơ sở.