Giải quyết các vấn đề phát sinh trong xây dựng và quản lý đô thị

Thời gian qua, công tác đầu tư, phát triển và quản lý đô thị Hà Nội có bước phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách cần sớm được tháo gỡ để tạo điều kiện cho thành phố phát triển nhanh, bền vững.

Các khu tập thể cũ khu vực nội đô phải hạn chế phát triển cao tầng. Ảnh: DUY LINH
Các khu tập thể cũ khu vực nội đô phải hạn chế phát triển cao tầng. Ảnh: DUY LINH

Ngày 6-11, UBND thành phố Hà Nội đã có buổi làm việc với Bộ Xây dựng về công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản; phát triển và quản lý đô thị trên địa bàn. Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành của TP Hà Nội đã có nhiều kiến nghị, đề xuất với Bộ Xây dựng. Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, việc quy định các khu chung cư cũ nằm trong khu vực nội đô lịch sử phải hạn chế phát triển cao tầng và không tăng quy mô dân số đã làm giảm sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Công tác giải phóng mặt bằng cũng khó khăn do quy định nhà đầu tư phải thỏa thuận trực tiếp với chủ sở hữu nhà, trong khi chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về thỏa thuận, hệ số chuyển đổi diện tích. Phương án xử lý khi phần lớn các hộ dân đã thỏa thuận, nhưng còn số ít người dân vẫn không đồng tình, thống nhất phương án, dẫn đến dự án chậm trễ, khó thực hiện.

Để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng thống nhất chủ trương và phối hợp đề xuất Trung ương cho phép Hà Nội có cơ chế đặc thù, phù hợp thực tế. Giám đốc Sở Xây dựng cho biết thêm, việc điều chỉnh dự án xây dựng từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội và nhà ở phục vụ tái định cư; điều chỉnh cơ cấu diện tích sàn xây dựng nhà ở thương mại, nhà ở xã hội đối với các dự án xây dựng nhà ở có hơn 500 căn hộ hiện nay thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng. Quy định này đã hạn chế tính chủ động của thành phố và không phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính.

Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Lê Vinh cho biết, Hà Nội có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, đặt ra vấn đề cần phải điều chỉnh một số quy hoạch ngành, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật phù hợp với tốc độ phát triển và bảo đảm tuân thủ quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Tuy nhiên hiện nay, việc điều chỉnh các quy hoạch này mất nhiều thời gian, quy định phải xin ý kiến cộng đồng dân cư còn chung chung, không xác định được tính pháp lý của kết quả lấy ý kiến dân cư, dẫn đến khó khăn trong việc triển khai thực hiện quy hoạch, dự án. Điển hình, trong quá trình nghiên cứu lập quy hoạch xây dựng mới các khu chung cư cũ, khi lấy ý kiến cộng đồng dân cư thì phần lớn các hộ dân đồng tình với chủ đầu tư cải tạo, xây dựng lại chung cư, nhưng chỉ có các hộ dân sinh sống ở tầng 1 không đồng ý là dự án không thể làm được, rồi khiếu kiện kéo dài, ảnh hưởng chung đến tiến độ dự án.

Cùng quan điểm này, đại diện Viện Quy hoạch Hà Nội cho biết, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với các quy hoạch lớn như quy hoạch phát triển vùng thực tế không hiệu quả, cần xem xét lại. Quy hoạch nông thôn mới cần phân cấp, phân quyền cho các địa phương. Ngoài ra, đại diện Viện Quy hoạch phản ánh độ vênh giữa Luật Quy hoạch đầu tư và Luật Đấu thầu còn lớn, phải mất thời gian công bố quy hoạch từ hai đến ba tháng. Hiện trạng các trường học tại bốn quận nội thành (cũ) chật hẹp, nhưng không còn quỹ đất để nâng cấp, mở rộng, nếu không được bổ sung quy định xây dựng cao tầng sẽ không đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh.

Ngoài ra, nhiều ý kiến kiến nghị Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ cho phép Hà Nội tự quyết định hình thức chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại là nhà ở thấp tầng, khu đô thị sinh thái có quy mô hơn 10 ha nộp tiền tương đương quỹ đất 20% phát triển nhà ở xã hội và thành phố cân đối quỹ đất tại các dự án nhà ở xã hội tập trung, trên nguyên tắc bảo đảm cân bằng tỷ lệ tổng thể 20% nhà ở xã hội so với nhà ở thương mại. Cho phép thành phố được chủ động áp dụng các hình thức lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật đối với dự án xây dựng nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng hướng dẫn chế tài xử lý đủ sức răn đe, như cưỡng chế tài khoản chủ đầu tư, đối với trường hợp chủ đầu tư nhà chung cư cao tầng không bàn giao diện tích sử dụng chung; kinh phí bảo trì cho ban quản trị; điều kiện, tiêu chuẩn của các cá nhân tham gia ban quản trị; chế tài xử lý đối với các hành vi sai phạm…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà bày tỏ ấn tượng đối với sự phát triển của TP Hà Nội trong thời gian qua. Bên cạnh kết quả đạt được, Hà Nội cũng đã nhận diện rõ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý, phát triển đô thị. Các kiến nghị của Hà Nội có cơ sở và được tổng kết từ thực tiễn, cần sớm được tháo gỡ. Bộ Xây dựng sẽ đồng hành, phối hợp chặt chẽ cùng thành phố để tìm ra các giải pháp cụ thể, phù hợp nhằm tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng, phát triển và quản lý đô thị. Bộ trưởng ủng hộ việc cần thiết phải có sự phân cấp, phân quyền cao hơn để thành phố chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh, giúp Thủ đô phát triển nhanh, bền vững hơn. Đối với lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng đề nghị TP Hà Nội xây dựng kế hoạch tổng thể và Bộ Xây dựng sẽ phối hợp thực hiện.