Ðể du lịch Hà Nội hấp dẫn hơn

Sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, ngành du lịch Hà Nội có thêm nhiều động lực mới từ sự gia tăng các tài nguyên du lịch và các chính sách đồng bộ. Tuy vậy, thời gian tới, ngành du lịch cần tiếp tục phối hợp các ngành, chính quyền các cấp để nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ, xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.

Du khách tham quan, trải nghiệm tại làng cổ Ðường Lâm. Ảnh: HIỀN NHÂN
Du khách tham quan, trải nghiệm tại làng cổ Ðường Lâm. Ảnh: HIỀN NHÂN

Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có hơn 5.900 di tích văn hóa - lịch sử, trong đó có nhiều di tích nổi tiếng được UNESCO vinh danh như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám... Thành phố có 1.350 làng nghề với nhiều thương hiệu truyền thống lâu đời như: Ðúc đồng Ngũ Xã, gốm sứ Bát Tràng, lụa Vạn Phúc... Ðây là những điều kiện rất tốt để Thủ đô phát triển thêm những loại hình, sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn.

Công tác du lịch luôn chiếm vị trí ưu tiên trong các Nghị quyết, chương trình công tác hằng năm của Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội và lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch của từng cấp, ngành. Thành ủy, HÐND, UBND thành phố ban hành các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện phát triển du lịch, tiêu biểu như: Nghị quyết số 12/2012/NQ-HÐND ngày 13-7-2012 của HÐND thành phố Hà Nội về Quy hoạch phát triển du lịch TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 4597/QÐ-UBND ngày 16-10-2012 của UBND thành phố phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch Thủ đô giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo... Nhiều chương trình và chính sách phát triển du lịch đã được xây dựng, triển khai, trong đó nổi bật là Chương trình số 03-CTr/TU ngày 28-6-2016 của Thành ủy về "Ðẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016 - 2020". Trong đó, thành phố giao Sở Du lịch chủ trì, thực hiện tốt Quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Lập và triển khai thực hiện quy hoạch sáu cụm du lịch gồm: Trung tâm Hà Nội; cụm du lịch Sơn Tây - Ba Vì; cụm du lịch Hương Sơn - Quan Sơn; cụm du lịch núi Sóc - hồ Ðồng Quan; cụm du lịch Vân Trì - Cổ Loa; cụm du lịch Hà Ðông và vùng phụ cận...

Nhờ đó, những năm gần đây, hoạt động du lịch tại Hà Nội có nhiều khởi sắc. Ðến nay, trên địa bàn thành phố có 3.546 cơ sở lưu trú (tăng gấp gần năm lần so năm 2008), 60.458 buồng, phòng (tăng gấp 3,5 lần), trong đó có nhiều khách sạn năm sao, đẳng cấp quốc tế. Khách quốc tế đến Hà Nội tăng liên tục qua các năm, từ 1,3 triệu lượt khách năm 2008, năm 2017 con số này lên đến 4,95 triệu lượt khách. Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội từ hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó nhiều khách đến từ các thị trường có khả năng chi trả cao như các nước khu vực Tây Âu, Bắc Mỹ, Ðông - Bắc Á... Sản phẩm du lịch được đa dạng hóa và cải thiện cả về lượng và chất lượng. Vốn đầu tư phát triển du lịch được xã hội hóa. Môi trường đầu tư và hoạt động kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp du lịch được tạo điều kiện thuận lợi. Tổng thu từ khách du lịch tăng nhanh, giai đoạn 2008 - 2016 tăng trưởng bình quân 16%/năm. Năm 2017 đạt 70.958 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2016.

Những thành công đó là cơ sở để thành phố tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao theo hướng du lịch xanh, bền vững. Thời gian tới, thành phố tạo dựng sản phẩm du lịch hoàn chỉnh và đưa vào khai thác tại khu vực trung tâm chính trị Ba Ðình; khu vực phố cổ, phố cũ, hồ Hoàn Kiếm; khu vực hồ Tây và vùng phụ cận; khu di tích Cổ Loa; khu vực di tích Ðền Hai Bà Trưng; Khu du lịch núi Sóc, hồ Ðồng Quan; thắng cảnh Hương Sơn, hồ Quan Sơn, Tuy Lai; khu vực Ba Vì, làng cổ Ðường Lâm, chùa Thầy, chùa Tây Phương; làng nghề gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái... Thành phố xây dựng sản phẩm du lịch dọc vành đai sông Hồng, sông Ðuống, sông Ðáy; xây dựng tuyến du lịch mang tính quốc tế kết nối Hà Nội với các nước trong khu vực và thế giới. Bên cạnh đó đầu tư phát triển các cơ sở lưu trú cao cấp; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch...

Mặc dù vậy, để có những bước đột phá trong thời gian tới, ngành du lịch cần nhiều nỗ lực. Sáu cụm du lịch trọng điểm được nêu ra tại Quy hoạch phát triển du lịch Thủ đô từ năm 2012, nhưng đến nay đều chưa lập quy hoạch chi tiết phát triển du lịch, mới chỉ có một số dự án nhỏ lẻ đầu tư. Du lịch làng nghề chưa có chuyển biến đáng kể, quy hoạch "điểm" hai làng nghề Bát Tràng và Vạn Phúc vẫn chưa được triển khai. Số lượng di tích, di sản nhiều, nhưng số di tích khai thác du lịch hiệu quả vẫn còn thấp. Môi trường du lịch vẫn còn nhiều bất cập. Tình trạng "chặt chém" khách du lịch vẫn thường xuyên diễn ra, mặc dù mỗi khi phát hiện các lực lượng chức năng đều xử lý nghiêm. Chất lượng nhân lực làm du lịch chưa cao, người dân chưa có ý thức làm "du lịch cộng đồng", có thái độ thân thiện khi đón khách. Ngành du lịch đang nỗ lực phối hợp các ngành, chính quyền các cấp nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ, xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, bảo đảm du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô.