Chuyển biến về chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị

Chọn những việc cụ thể, cùng các giải pháp căn cơ, hiệu quả trong thực tiễn, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW Hội nghị T.Ư 6 (khóa X) về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, Hà Nội đã tạo được những chuyển biến rõ nét từ thành phố đến cơ sở về lĩnh vực này.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khen thưởng tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW. Ảnh: TRUNG ANH
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội khen thưởng tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW. Ảnh: TRUNG ANH

Rõ trọng tâm, trọng điểm

Chỉ cách đây ít năm, giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn là vấn đề nóng của xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì). Có thời điểm, hàng trăm người kéo lên UBND xã để phản đối việc GPMB một dự án, gây mất an ninh - trật tự tại địa phương. Bí thư Đảng ủy xã Trương Đức Long cho biết, trước tình hình như vậy, Đảng ủy xã đã họp với các đảng viên trong chi bộ để giải thích các chính sách liên quan đến GPMB; cùng các ban, ngành, đoàn thể xuống từng thôn để nắm bắt, thảo luận với người dân, tháo gỡ kịp thời những tâm tư, vướng mắc từ cơ sở. Với cách làm vừa sâu sát, vừa bài bản, trong đó lựa chọn những cán bộ tâm huyết ở địa phương làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động, cho nên đã “hạ nhiệt” điểm nóng. Nhờ đó, đến nay, tại Tứ Hiệp đã triển khai 35 dự án với diện tích đất thu hồi GPMB lên tới 140 ha, nhưng hầu hết người dân đều nhận bồi thường hỗ trợ, bàn giao mặt bằng, không xảy ra khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp.

Tại quận Hoàn Kiếm, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Nguyễn Chí Lực cho biết, từ năm 2009 đến nay, đã có 69 cán bộ của quận được điều động, luân chuyển và bố trí làm cán bộ chủ chốt các phường. Các cấp ủy đã nhận thức đầy đủ hơn về công tác luân chuyển cán bộ. Hầu hết cán bộ được luân chuyển tiếp cận nhanh với điều kiện, môi trường làm việc mới; phát huy tốt năng lực, sở trường, nhanh chóng nắm bắt và điều hành công việc. Sau luân chuyển, có 20 cán bộ được bố trí chức vụ cao hơn, chiếm tỷ lệ 29%. Theo đồng chí Nguyễn Chí Lực, có được kết quả ấy, Quận ủy đã kết hợp chặt chẽ việc đánh giá, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng với bố trí, sắp xếp, luân chuyển cán bộ trong hệ thống chính trị; vừa quan tâm bảo đảm sự ổn định, vừa coi trọng đáp ứng yêu cầu phát triển của đội ngũ cán bộ, làm tốt công tác tư tưởng và công tác tổ chức.

Những việc cụ thể như vậy tại quận Hoàn Kiếm, huyện Thanh Trì và nhiều đảng bộ trực thuộc Thành ủy Hà Nội là minh chứng rõ nét cho hiệu quả của 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW Hội nghị T.Ư 6 khóa X về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, đặc biệt góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận, phát triển sau 10 năm thực hiện mở rộng địa giới hành chính Thủ đô.

Làm tốt ngay từ cơ sở

Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo cho biết, với yêu cầu cao cùng rất nhiều đầu việc, nhưng sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 22, Thành ủy đã lựa chọn trúng, đúng các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo, tạo chuyển biến mạnh trong công tác xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị của thành phố.

Ở mỗi nhiệm kỳ, Thành ủy và các cấp ủy đều có các đề án, chuyên đề, kế hoạch, nhằm tập trung nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và chất lượng cán bộ, đảng viên. Trong đó, phải kể đến Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Sau hơn 5 năm thực hiện, thành phố thành lập mới gần 900 tổ chức đảng, kết nạp gần 6.000 đảng viên trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Hay Đề án số 06-ĐA/TU, ngày 24-9-2013 về “Kiện toàn, sắp xếp mô hình tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”, sau khi triển khai, đã giảm 2.030 thôn, tổ dân phố; giảm 985 chi bộ và gần 5.000 cán bộ, thôn, tổ dân phố.

Nhiệm kỳ 2015-2020, bên cạnh nhiệm vụ thường xuyên về công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ, Đảng bộ TP Hà Nội tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 22 với nhiều giải pháp đổi mới, nhằm chủ động giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Ngày 4-7-2017, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về “Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”, đến nay đã củng cố được 75 tổ chức cơ sở Đảng yếu kém. Tiếp đà đổi mới, Thành ủy Hà Nội ban hành Quyết định số 3814-QĐ/TU ngày 16-5-2018 về “Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị TP Hà Nội” và thống nhất thực hiện từ ngày 1-7-2018.

Bên cạnh những chuyển biến tích cực, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22 vừa qua, Thành ủy Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra các hạn chế, dẫn đến kết quả đạt được chưa thật sự bền vững. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn phân tích, thực tế thời gian qua cho thấy, nơi nào, địa phương nào xảy ra các vấn đề phức tạp đều do vấn đề tổ chức, đội ngũ cán bộ cơ sở yếu kém. Do đó, thời gian tới, Thành ủy sẽ tập trung xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém, giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời thực hiện tốt công tác tổ chức cán bộ, sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy các cấp gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... “Đây đều là những nhiệm vụ rất khó, rất nhạy cảm. Nhưng nếu chúng ta thực hiện tốt ngay từ cấp cơ sở thì mọi việc đều có thể giải quyết”, đồng chí Đào Đức Toàn cho biết.