Chuồn chuồn tre "bay" ra thế giới

Bằng đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo, những người thợ ở xã Thạch Xá (Thạch Thất, Hà Nội) đã làm nên những con chuồn chuồn tre sinh động, trở thành món quà ý nghĩa đối với khách du lịch nước ngoài, đưa nét đẹp văn hóa của làng quê Việt Nam ra thế giới.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tái là hộ làm chuồn chuồn tre nổi tiếng ở xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất.
Gia đình anh Nguyễn Văn Tái là hộ làm chuồn chuồn tre nổi tiếng ở xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất.

Ðã nhiều năm nay, khoảng sân rộng nhà anh Nguyễn Văn Tái (xã Thạch Xá, Thạch Thất) được trưng dụng để chứa tre, nứa. Những thanh tre rừng dài, mỏng, nhưng cứng cáp được dựng cạnh những chiếc rổ nhựa bám đầy sơn. Ðây chính là nơi ra đời của những chú chuồn chuồn tre nhiều mầu sắc, được bán tại các cửa hàng lưu niệm tại khu vực phố cổ và các điểm du lịch.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tái là cơ sở sản xuất chuồn chuồn tre có tiếng ở Thạch Xá. Chuồn chuồn tre do gia đình anh Tái làm rất bền, đẹp, mẫu mã phong phú, đa dạng. Anh Tái cho biết, lúc đầu anh làm chuồn chuồn tre để cho trẻ nhỏ chơi. Sau khi đưa ra thị trường được nhiều người quan tâm, hàng có đến đâu bán hết đến đó, từ đó gia đình phát triển dần lên. "Chuồn chuồn tre ở đây được mọi người đánh giá đẹp hơn nơi khác làm, có độ tinh xảo cả về mầu sắc cho đến độ bền" - Anh Tái kể.

Thoạt nhìn, nhiều người cho rằng, chuồn chuồn tre chỉ là món đồ chơi nhỏ, xinh, đơn giản, song để làm ra được một sản phẩm này tốn khá nhiều thời gian và công sức, với khoảng 12 công đoạn, gồm cào tinh tre, phơi khô, cắt, chia thân tre theo từng bộ phận cánh, thân, lắp ghép cánh vào thân... Ðể có thể tạo ra sản phẩm đẹp, độc và lạ, những chú chuồn chuồn được quét sơn và vẽ họa tiết trang trí trên thân và cánh. Những họa tiết này đều do người thợ tự tay vẽ lên, lấy cảm hứng từ chính cuộc sống thôn quê chung quanh họ. Theo anh Tái, quan trọng nhất là khâu ghép cánh vào thân, phải gắn sao cho chúng luôn giữ được thăng bằng bởi "cái dáng là linh hồn của sản phẩm". Muốn vậy, hai cánh chuồn chuồn phải được căn đối xứng thật chính xác, để chuồn chuồn tự thăng bằng khi đậu trên ở bất kỳ chỗ nào. Khâu chọn tre cũng rất quan trọng. Nếu tre không tốt, chuồn chuồn tre sẽ không giữ thăng bằng được. Mỗi ngày, cơ sở của gia đình anh Tái sản xuất được vài trăm con chuồn chuồn tre. Anh Tái tự hào cho biết: "Khách du lịch, nhất là khách nước ngoài, vào tận nhà tôi xem quá trình sản xuất. Mới đầu họ không thích, nhưng khi biết chuồn chuồn có thể đứng trên hầu hết các bề mặt, họ thích lắm!".

Hằng ngày, ở nơi sinh ra thứ đồ chơi gần gũi này, những người thợ từ già đến trẻ vẫn miệt mài, chuyên tâm tạo ra những cánh chuồn sinh động. Người già tỉ mẩn hơn thì chọn tre, tạo hình thô. Người trẻ nhạy bén hơn về thẩm mỹ thì đảm nhận khâu trang trí, tô vẽ. Gia đình ông Ðỗ Văn Liên đã có gần 20 năm làm chuồn chuồn tre. Mỗi ngày, xưởng sản xuất nhà ông Liên với hơn 10 người thợ làm được khoảng 500 con chuồn chuồn tre, sản phẩm làm ra đến đâu bán hết đến đó, thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Chịu trách nhiệm công đoạn sơn sản phẩm tại nhà ông Liên, Nguyễn Ngọc Linh, 20 tuổi, sinh viên Trường đại học Lâm nghiệp, cho biết, cứ cuối tuần em lại về đây làm để có thêm thu nhập phụ giúp gia đình. Gắn bó với chuồn chuồn tre từ nhỏ, em Thảo (cháu ông Liên) cũng được hướng dẫn cách vẽ trang trí cho từng sản phẩm. Sau khi hoàn thiện công đoạn này, Thảo đóng gói sản phẩm và xếp gọn chúng vào trong một thùng xốp, chờ khách đến mua. Chuồn chuồn tre được đóng thành gói 10 con, chung họa tiết nhưng khác mầu sắc. Khách đến mua có thể lựa chọn những mầu sắc và họa tiết mà mình thích, giá bán lẻ dao động từ năm đến 20 nghìn đồng/con tùy theo kích cỡ.

Đến nay, sản phẩm chuồn chuồn của làng Thạch Xá đã "bay" từ bắc vào nam và được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản… Có nhiều người ở nơi xa cũng tìm đến Thạch Xá học làm nghề. Ðây là một tín hiệu tốt để nghề thủ công truyền thống của Việt Nam ngày càng phát triển.