Cần đầu tư bài bản cho rối nước

Những màn giáo trò vui nhộn, những làn điệu chèo đằm thắm, và nhất là màn biểu diễn độc đáo của những quân rối khiến không gian làng nghề Vạn Phúc trở nên sôi động. Khách tham quan được thưởng thức những tiết mục của Liên hoan nghệ thuật múa rối nước Hà Nội 2019 vừa được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức.

Khán giả xem múa rối nước tại thủy đình làng Đào Thục, huyện Đông Anh. Ảnh: KHÁNH LAN
Khán giả xem múa rối nước tại thủy đình làng Đào Thục, huyện Đông Anh. Ảnh: KHÁNH LAN

Kết thúc liên hoan cũng là khi các phường rối trở về với thực tế đầy khó khăn của mình. Ðiều này đòi hỏi thành phố cần đầu tư bài bản, có chiều sâu hơn cho bộ môn nghệ thuật đặc sắc này.

Những nghệ nhân rối nước của Hà Nội vừa có dịp hội ngộ trong Liên hoan nghệ thuật múa rối nước Hà Nội 2019. Một tòa thủy đình được dựng lên trên hồ nước có cây cầu cong mang dáng dấp cổ kính ở làng lụa Vạn Phúc (Hà Ðông). Ðó chính là nơi các nghệ nhân thi thố tài năng. Rối nước làng Ra (thôn Phú Hòa, xã Bình Phú, huyện Thạch Thất) được "xuất vở" đầu tiên. Không phải là chú Tễu như phường rối các địa phương khác, khởi đầu chương trình biểu diễn, một ông tướng dũng mãnh - ông Tướng loa từ buồng trò đi ra "giới thiệu chương trình". Rối nước làng Ra đem đến liên hoan 11 tích trò. Những tràng pháo tay vang lên khi các nghệ nhân biểu diễn tích trò rước kiệu dời tượng, leo cột cắm cờ... đó đều là những tích trò độc đáo, đòi hỏi kỹ thuật biểu diễn cao. Làng Ra có một lịch sử đáng tự hào, tương truyền, Thiền sư Từ Ðạo Hạnh (thời Lý) khi về đất Sài Sơn tu hành, đã dạy dân làng Ra trò múa rối nước, cho phường rối ba mẫu ruộng để lấy kinh phí hoạt động. Làng Ra được xem là làng rối nước có tuổi nghề lâu đời nhất Việt Nam. Nghệ nhân Nguyễn Hữu Trụ cho biết: "Chúng tôi rất vui khi được tham dự liên hoan. Hy vọng qua dịp này, nhiều người hiểu hơn về rối nước. Các cơ quan chức năng sẽ quan tâm để bảo tồn nét đẹp của loại hình nghệ thuật cổ truyền này".

Các tích trò của phường rối nước Ðào Thục (xã Thụy Lâm, huyện Ðông Anh) lại có nét độc đáo riêng của vùng quê vốn là đất Kinh Bắc cổ. Xen lẫn điệu hát chèo là tiết mục hát văn, gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu của cư dân đồng bằng Bắc Bộ. Các tiết mục đòi hỏi kỹ thuật cao gồm: Câu ếch, Ðốt pháo bật cờ, Trâu chui ống... Tích trò tưởng chừng đơn giản khi diễn tả một anh nông dân đi câu ếch, nhưng những người am hiểu về rối nước đều biết làm sao để chiếc cần câu trong tay quân rối móc được vào con ếch là rất khó. Sau nhiều lần câu hụt, anh nông dân mới thành công trong sự tán thưởng của khán giả. Các nghệ nhân rối nước Ðào Thục tạo nên sự hấp dẫn bởi sự kết hợp nhịp nhàng kỹ thuật điều khiển rối sào, rối dây, rối bè, rối que... Ở lần liên hoan năm 2016, phường rối Ðào Thục vinh dự giành giải A. Năm nay, phường rối nước Chàng Sơn (huyện Thạch Thất) vinh dự giành được giải cao nhất. Chàng Sơn đem đến những tiết mục đỉnh cao như: Trèo cau, Mời trầu, Trâu cày cấy lúa... Trong đó, độc đáo nhất là tiết mục Mời trầu. Quân rối tham gia tiết mục được điều khiển bằng dây, đi đến sát tận khu vực khán giả để mời trầu khách.

Liên hoan nghệ thuật múa rối nước Hà Nội là dịp để các nghệ nhân gặp gỡ, giao lưu, khuyến khích bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Nhưng khi những tràng pháo tay kết thúc, cũng là lúc các nghệ nhân trở về với thực tế của mình. Ngoại trừ điểm sáng Ðào Thục, với việc thường xuyên biểu diễn phục vụ khách du lịch, nhìn chung, các phường rối nước trên địa bàn Hà Nội đều rơi vào tình trạng biểu diễn năm thì mười họa, các quân rối đều cũ kỹ, thiếu kinh phí đầu tư thay mới, thiếu thế hệ kế cận. Phường rối nước Chàng Sơn vừa giành giải A - giải cao nhất của liên hoan, nhưng cũng là địa phương thuộc diện khó khăn nhất. Phó Phường rối nước Chàng Sơn Nguyễn Văn Viên cho biết: "Phường rối Chàng Sơn gặp khó khăn toàn diện. Ao làng có tòa thủy đình làm nơi biểu diễn nhiều năm nay ô nhiễm nặng nề. Nghệ nhân phải đứng biểu diễn rối nước trong điều kiện mất vệ sinh, gây hại cho sức khỏe. Các quân rối được làm mới từ năm 2002, đến nay đã bị bong tróc, mục nát, trong khi điều kiện kinh tế của nghệ nhân không mấy dư dả, cho nên chưa dám đầu tư quân rối mới". Ngay cả với làng Ðào Thục, dù thu được kinh phí từ biểu diễn nhưng khó khăn vẫn không ít. Trưởng Phường múa rối nước Ðào Thục chia sẻ: "Cái khó của chúng tôi là chủ yếu phải tự thân vận động. Dù có thu nhập từ du lịch, nhưng vẫn thấp, cho nên để tái đầu tư cho quân rối là cả vấn đề".

Hiện tại, chi phí trung bình để làm ra một quân rối là hai triệu đồng, chưa tính đến những quân rối kích thước lớn, có các chi tiết cầu kỳ. Một phường rối ít nhất cũng cần hơn 100 đến 200 quân rối. Ðầu tư thay mới một bộ quân rối là quá sức với các nghệ nhân. Nghệ nhân thường sống bằng các nghề khác nhau, người làm nông, người làm mộc, người làm thợ nề... Khi có dịp biểu diễn mới tập hợp nhau lại. Các làng rối: Thạch Xá, Phú Hòa, Tế Tiêu... đều chung cảnh ngộ là ngoài ngày hội, khi nào có nơi mời thì mới có điều kiện biểu diễn. Nhưng mỗi buổi như thế, thù lao nghệ nhân nhận được chỉ khoảng 100 nghìn đồng. Ðiều này khiến lớp trẻ ái ngại khi nói chuyện theo nghề của cha ông. Nói như nghệ nhân Nguyễn Văn Viên, là thù lao một buổi biểu diễn thua cả tiền công làm thợ. Phần lớn các làng rối nước đều đang "khủng hoảng" thế hệ kế cận. Như ở phường rối làng Ra, lực lượng chủ lực là thế hệ nghệ sĩ đã 50 đến 60 tuổi.

Úa rối nước là nghệ thuật truyền thống độc đáo của Việt Nam nói chung, của Hà Nội nói riêng. Ðầu tư để bảo tồn loại hình này không phải là quá lớn, do số lượng làng rối nước trên địa bàn không quá hai bàn tay. Liên hoan nghệ thuật múa rối nước Hà Nội 2019 cũng phần nào tiếp thêm sinh khí cho các làng rối. Nhưng nếu không có giải pháp đầu tư, hỗ trợ thực chất và bền vững, thì "liên hoan xong tất cả lại buồn".