Bảo tồn di sản

Bắt đầu từ những viên gạch nhỏ

Bài 3: Ươm mầm tình yêu

Tình yêu, trách nhiệm với di sản không tự nhiên có được. Nó phải bắt đầu từ sự giáo dục. Muốn di sản bền vững tới tương lai, phải ươm mầm từ hôm nay. Giáo dục di sản không phải trách nhiệm của riêng ngành giáo dục, hay riêng ngành văn hóa, mà của cả cộng đồng.

Các bạn nhỏ ở làng ca trù Ngãi Cầu (huyện Hoài Đức) trong điệu múa bỏ bộ.
Các bạn nhỏ ở làng ca trù Ngãi Cầu (huyện Hoài Đức) trong điệu múa bỏ bộ.

Nhận thức sâu sắc về Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội, nhiều địa phương, đơn vị đã xây dựng những hình thức phong phú, đa dạng trong trao truyền giá trị di sản cho thế hệ trẻ.

Ða dạng những hình thức trao truyền

Khoảng 8 giờ tối, không gian yên ả của đình làng Lỗ Khê (xã Liên Hà, huyện Ðông Anh) bị xua tan bởi tiếng phách rí rách, tiếng đàn "tùng tếnh" trầm đục và điệu "âm ư" đặc trưng của ca trù. Những ca nương Phạm Thị Mận, Nguyễn Phương Thảo… bắt đầu lên lớp. Hàng chục em nhỏ từ 7, 8 tuổi đến khoảng 15 tuổi ngồi xếp bằng theo thầy, lách cách khua cỗ phách. Ca trù - di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, loại hình diễn xướng tao nhã được truyền dạy cho thế hệ trẻ ở Lỗ Khê như thế. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ðông Anh Nguyễn Thế Mạnh cho biết: "Những ngày hè, Lỗ Khê thường xuyên duy trì được khoảng 10 em học sinh luyện tập ca trù. Hằng năm, ngành văn hóa huyện đều hỗ trợ Câu lạc bộ mở lớp đào tạo thế hệ kế cận, mua sắm trang, thiết bị. Nhờ thế, nhiều em nhỏ được tiếp cận, học hỏi ca trù từ sớm". Huyện Ðông Anh còn có nhiều di sản văn hóa khác như: rối nước Ðào Thục, hát tuồng Xuân Nộn…

Các phường đều chú trọng công tác bồi dưỡng trao truyền cho thế hệ kế cận, giúp các loại hình diễn xướng dân gian phát triển mạnh mẽ. Hoạt động giáo dục di sản ở huyện Ðông Anh là hình ảnh phản chiếu công tác giáo dục di sản trên địa bàn TP Hà Nội nói chung.

Một thí dụ điển hình khác là xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) với điệu múa trống bồng. Múa trống bồng nằm trong Lễ hội làng Triều Khúc - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2010, múa trống bồng được đưa vào giảng dạy tại Trường THCS Tân Triều. Ban đầu các em đều ngại tham gia, thế nhưng khi hiểu giá trị điệu múa, các em đã mạnh dạn… múa thử. Ðến giờ, nhiều thế hệ học sinh của Trường THCS Tân Triều lớn lên cùng điệu múa, đem múa trống bồng tham gia các liên hoan, hội diễn...

Ðối với giáo dục di sản vật thể, Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tiên phong trong tổ chức chương trình trải nghiệm di sản với 14 chủ đề cho từng lứa tuổi, như: lớp học xưa, bia tiến sĩ ở Văn Miếu, vinh quy bái tổ, đi tìm linh vật…

Trưởng phòng Giáo dục - Truyền thông (Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám) Ðường Ngọc Hà cho biết, mỗi chủ đề mang đến cho các em những khám phá thú vị khác nhau. Nếu ở "Lớp học xưa", học sinh được trải nghiệm không gian học tập, tìm hiểu đồ dùng học tập, cách sử dụng bút, nghiên, giấy dó…, thì tại chủ đề khám phá linh vật trên kiến trúc cổ, các em sử dụng công nghệ để tìm hiểu về ý nghĩa của di sản. Chương trình đã thu hút hàng chục nghìn học sinh đến trải nghiệm. Tại Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội cũng tổ chức các chương trình trải nghiệm di sản để các em học sinh được tham quan, học tập ngoại khóa tại Hoàng thành Thăng Long, di tích Cổ Loa với các hoạt động phong phú, đa dạng, chú trọng việc "mềm hóa" giáo dục lịch sử, di sản. Ngoài ra, nhiều trường học xây dựng các chương trình trải nghiệm di sản, các hoạt động để học sinh tham gia…

Mầm xanh sẽ thành quả ngọt

Ca nương Thục Trinh (Câu lạc bộ Ca trù Lỗ Khê) vừa mới trở về sau Liên hoan trình diễn các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại tỉnh Khánh Hòa với tấm bằng khen của Cục Văn hóa thông tin cơ sở. Mặc dù mới 10 tuổi, Thục Trinh đã khiến khán giả ngỡ ngàng vì một phong thái tự tin, đĩnh đạc, mà rất duyên dáng trên sân khấu. Thục Trinh chưa "vỡ giọng", sẽ còn trải qua quá trình luyện tập dài nữa nhưng em đã nắm khá thuần thục những kỹ thuật nhả chữ, buông câu của ca trù. Số lượng bằng khen, giấy khen của Thục Trinh vượt xa số tuổi của cô bé. Năm 2016, mới 7 tuổi, Thục Trinh đã lên sân khấu thi thố cùng các anh chị khi dự Liên hoan Tài năng trẻ nghệ thuật Ca trù Hà Nội.

Ca nương Thục Trinh là một trường hợp khá đặc biệt, khi tài năng phát triển sớm. Song, đó cũng là kết quả tất yếu của việc chú trọng "ươm mầm" tình yêu di sản. Các môn nghệ thuật dân gian như: Hát dô (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai), hát chèo Tàu (xã Tân Hội, huyện Ðan Phượng) hay nghi thức kéo co ngồi ở Thạch Bàn (quận Long Biên), kéo mỏ (huyện Sóc Sơn)… hay các lễ hội lớn nhỏ trên địa bàn hiện giờ cũng thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.

Thông qua giáo dục, tuyên truyền, ý thức, nhận thức của các bạn trẻ với di sản tăng lên, từ đó, hình thành những hành động cụ thể vì di sản. Những năm gần đây, khi đến những di tích như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, khu phố cổ, đền Ngọc Sơn…, khách tham quan luôn được đón chào bằng nụ cười tươi tắn của các bạn trẻ Ðội tình nguyện hỗ trợ du lịch Thăng Long - Hà Nội. Năm 2019, có 300 bạn trẻ đến từ các trường đại học trên địa bàn tham gia. Họ đều là những sinh viên say mê văn hóa Thăng Long - Hà Nội và mong muốn lan tỏa tình yêu ấy đến cộng đồng. Nhiều nhóm bạn trẻ khác như: My Hanoi (Hà Nội của tôi), S-River (Dòng sông nhỏ)… cũng đang tình nguyện gìn giữ, bảo tồn di sản văn hóa Hà Nội theo những cách khác nhau. Ngoài hoạt động của các quận, huyện, phường, xã và một số đơn vị, tháng 9-2018, Sở Giáo dục và Ðào tạo đã ký thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Bảo tồn Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội để đẩy mạnh giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa. Thỏa thuận này đã nâng tầm giáo dục di sản trong nhà trường, là cơ sở để các trường học triển khai một cách đồng bộ, hệ thống hơn trong cung cấp cho học sinh kiến thức, trải nghiệm về hai trong số những di tích quan trọng nhất, tiêu biểu nhất cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Chương trình 04 của Thành ủy về "Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" đặt yếu tố phát triển văn hóa, con người là trung tâm. Chương trình đã thay đổi nhận thức của cả cộng đồng về bảo tồn di sản. Tình yêu, trách nhiệm với di sản phải bắt đầu từ khâu giáo dục. Và giáo dục di sản không phải trách nhiệm của riêng ngành giáo dục, riêng ngành văn hóa, mà của cả cộng đồng. Tinh thần ấy đã khiến nhiều đơn vị, nhiều địa phương có những sáng tạo trong trao truyền giá trị. Việc "ươm mầm" di sản giúp các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, đồng thời, cũng là giải pháp để di sản bền vững trong tương lai.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: Giang Nam và Quỳnh Anh

(*) Xem trang Hà Nội, Báo Nhân Dân số ra từ ngày 9-7-2019.