Việt Nam tạo nên kỳ tích trong đẩy lùi đại dịch Covid-19

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới còn đang oằn mình chống lại đại dịch Covid-19 thì tại phiên họp Thường trực Chính phủ chiều 28-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc công bố, đến thời điểm này nước ta cơ bản đẩy lùi Covid-19, bảo đảm an toàn cho người dân cả nước, không có người chết. Thành công đó đang được quốc tế đánh giá cao như một kỳ tích trong cuộc chiến với dịch bệnh.

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (Hà Nội) thường xuyên trao đổi về quá trình điều trị người bệnh nhiễm Covid-19. Ảnh: HÀ MY
Bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (Hà Nội) thường xuyên trao đổi về quá trình điều trị người bệnh nhiễm Covid-19. Ảnh: HÀ MY

Mấy hôm nay, tôi cứ trăn trở tìm lời giải cho câu hỏi: "Tại sao thế giới ngợi ca Việt Nam trong phòng, chống đại dịch Covid-19 như một kỳ tích, nguyên nhân ở đâu?". Truyền thông Nga coi mô hình phòng, chống Covid-19 của Việt Nam là: "có một không hai"; Thời báo Berlin (Ðức) khẳng định: "Thành tích chống Covid-19 của Việt Nam thật phi thường và đáng kinh ngạc mà nhiều nước châu Âu phải học hỏi..."; Báo Lemonde (Pháp) ngày 20-4 dành vị trí trang trọng với tiêu đề: "Ngoài Ðại thắng mùa Xuân năm 1975, Việt Nam có thêm một đại thắng mùa xuân năm 2020, đó là chiến thắng đại dịch Covid- 19". Các hãng thông tấn lớn trên thế giới Reuters, CNN, NewYork Times, ABC, BBC... trong những ngày qua cũng đồng loạt ca ngợi sự kỳ diệu của Việt Nam trong phòng, chống đại dịch.

Vốn là nhà báo của Báo Quân đội nhân dân, trưởng thành trong chiến tranh, "máu nghề nghiệp" trong tôi lại trào dâng, tôi chợt nghĩ: tại sao mình không đi tìm câu trả lời ở chính "đại bản doanh" chống dịch Covid-19 mà vị "tư lệnh" là Thủ tướng, hằng ngày, hằng giờ thay mặt Chính phủ chỉ đạo, đưa ra các quyết sách lớn nhằm đẩy lùi đại dịch. Liên lạc qua điện thoại về ý tưởng bài viết, người đứng đầu Chính phủ vui vẻ nhận lời với điều kiện: "Chỉ có 30 phút để trao đổi, vì sau đó có một cuộc họp rất quan trọng".

Sau cái bắt tay vẫn rất chặt như ngày nào, Thủ tướng vào đề ngay: Nguyên nhân trước hết là chúng ta có một quyết sách đúng. Ðó là việc xác định "chống dịch như chống giặc", để cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, không lơ là, lơi lỏng, chủ quan. Thứ hai, phải huy động mọi nguồn lực xã hội, tập trung cho chống dịch, chẳng khác nào cách đây 45 năm chúng ta huy động toàn lực cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Tuy nhiên, lực lượng nòng cốt đứng đầu chiến tuyến vẫn là các y, bác sĩ, điều dưỡng, những nhà quản lý, nhà khoa học ngành y, các bệnh viện, trung tâm y tế từ Trung ương đến địa phương. Họ hy sinh thầm lặng, làm việc tại các cơ sở khám, chữa bệnh hằng tháng trời, tận tụy, không mệt mỏi, sống chung với đại dịch; đó là lực lượng quân đội, công an, nhất là bộ đội biên phòng "màn trời, chiếu đất" chốt chặt các cửa khẩu; là lực lượng an ninh sân bay, bến cảng, nhà ga luôn có nguy cơ cao bị lây nhiễm nhưng họ không hề nao núng, bám trận địa, bám địa bàn để ngày, đêm chống dịch... Họ chính là lực lượng đứng mũi, chịu sào nơi đầu sóng ngọn gió trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19.

Thủ tướng chợt sôi nổi: Có thể nói vừa là nguyên nhân, vừa là bài học quý giá rút ra từ đại dịch, đó là sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương, của Ðảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, kỷ luật, kỷ cương nghiêm túc từ trên xuống dưới như mệnh lệnh đánh giặc. Chúng ta coi tính mạng con người là trên hết nên trước mắt có thể hy sinh tăng trưởng kinh tế, vì con người sẽ làm ra tất cả.

Dừng lại giây lát, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xúc động: Chúng ta phải cảm ơn nhân dân, chính nhân dân đã làm nên kỳ tích này. Nhân dân chấp hành, tuân thủ một cách tự giác các biện pháp quyết liệt của giãn cách xã hội, cách ly cộng đồng. Trong đại dịch, tình người càng được thể hiện một cách cảm động, nhân văn, sẻ chia, đùm bọc, nối vòng tay lớn. Ðức hy sinh của người Việt Nam được khơi dậy, sẵn sàng nhường cơm, sẻ áo cho nhau trong khó khăn. Phẩm giá con người Việt Nam thêm một lần được tỏa sáng, qua cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau.

Người đứng đầu Chính phủ chia sẻ, gần ba tháng, cả nước gồng mình "chống dịch như chống giặc" và đạt được những thành công rất đáng ghi nhận. Từ nay, chúng ta sẽ chuyển sang một giai đoạn mới, vừa chống dịch vừa sống chung an toàn với dịch, vừa thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa giải quyết hậu quả do đại dịch để lại. Các ngành, địa phương cần kịp thời triển khai biện pháp giải cứu, hỗ trợ (về thuế, tín dụng…) để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giải quyết việc làm cho người lao động; triển khai gói an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng một cách công khai, minh bạch đến đúng đối tượng được thụ hưởng; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để đưa hàng triệu học sinh trở lại trường. Từ đại dịch Covid-19, chúng ta có cơ hội để áp dụng thành tựu của công nghệ, đẩy mạnh các hoạt động trực tuyến trên diện rộng, từ các hội nghị, hội thảo, từ dạy và học trực tuyến; thực hiện các thủ tục hành chính điện tử, thông quan điện tử, các giao dịch điện tử, phát triển các dịch vụ công trực tuyến... đồng thời xử lý nghiêm những hành vi trục lợi chính sách, trục lợi từ đại dịch...

Rất nhiều việc phải chạy nước rút với thời gian để bù vào những ngày tháng không triển khai được do hậu quả của đại dịch Covid-19. Chúng ta phải kiên quyết chống loại vi-rút mới, "vi-rút trì trệ" ở một số cán bộ, công chức trong bộ máy công quyền.