Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam:

Tỷ lệ sử dụng thuốc Việt vượt 50% tại tuyến huyện và tuyến tỉnh

NDO -

NDĐT – Tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước tại một số bệnh viện tuyến Trung ương như Bệnh viện (BV) Bạch Mai, BV Phụ sản Trung ương, BV Việt Đức chỉ dưới 10%... Trong khi tỷ lệ này tại tuyến huyện đã tăng lên 76,62%, tuyến tỉnh tăng lên 57,03%, vượt chỉ tiêu Đề án "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam" đặt ra.

Sản phẩm vaccine “2 trong 1” kết hợp sởi – rubella do Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) sản xuất.
Sản phẩm vaccine “2 trong 1” kết hợp sởi – rubella do Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) sản xuất.

Đây là thông tin được ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết tại Hội nghị tổng kết thực hiện đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” diễn ra sáng nay, 18-7-2019.

Sau bảy năm triển khai đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, tỷ lệ giá trị và số lượng thuốc sản xuất trong nước sử dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã tăng dần qua từng năm. Việc đưa thuốc sản xuất tại Việt Nam vào danh mục thuốc theo yêu cầu điều trị của đơn vị hoặc danh mục thuốc đấu thầu tại các cơ sở y tế đều tăng qua các năm và ngày càng được ưu tiên sử dụng.

Tại nhiều địa phương, các bệnh viện đạt kết quả ấn tượng về sử dụng thuốc sản xuất trong nước và đạt mục tiêu của Đề án. Năm 2018, tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc trong nước tại tuyến huyện đã tăng lên 76,62%, tuyến tỉnh tăng lên 57,03%. Hơn 50% các tỉnh đạt tỷ lệ từ 50% trở lên về giá trị sử dụng thuốc trong nước.

Giá trị sử dụng thuốc trong nước trên toàn tỉnh Phú Yên trong hệ thống khám chữa bệnh công lập chiếm tỷ lệ từ 83,13% (năm 2015) tăng đến 87% (năm 2018). Theo báo cáo của các Sở Y tế Quảng Bình, Tuyên Quang, Kon Tum, Hậu Giang, Ninh Thuận, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Long An, tỷ lệ giá trị sử dụng thuốc sản xuất trong nước chiếm từ 70% đến 76,9% trên tổng giá trị sử dụng thuốc trong năm 2018.

Giá trị sử dụng thuốc sản xuất trong nước trong các bệnh viện tuyến Trung ương có tăng đều qua các năm. Nhiều bệnh viện tuyến Trung ương đạt tỷ lệ sử dụng thuốc trong nước cao và đạt mục tiêu đề ra như BV TƯ 71 Thanh Hóa, BV tâm thần TƯ 2, BV C Đà Nẵng, BV Nội Tiết TƯ, BV Phong da liễu TƯ Quy Hòa,… đạt tỷ lệ từ 30,43% đến 52,8% về giá trị sử dụng thuốc sản xuất trong nước trên tổng giá trị sử dụng trong năm 2018…

Một số bệnh viện Trung ương do đặc thù riêng là tuyến cuối (các thuốc sử dụng đều là thuốc chuyên khoa sâu như: gây mê, hồi sức, tim mạch, chống thải ghép hoặc các kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn nặng, nhiễm khuẩn bệnh viện hoặc shock nhiễm trùng, thuốc chống ung thư..., nhưng phần lớn các thuốc trong nhóm này lại chưa sản xuất được ở trong nước) nên tỷ lệ sử dụng thuốc theo giá trị của thuốc sản xuất trong nước thấp, chỉ dưới 10% như BV Bạch Mai, BV Phụ sản TƯ, BV Việt Đức.

Hiện nay, thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thuốc cho công tác phòng và chữa bệnh cho nhân dân; sản xuất được 12/13 loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Hiện cả nước có 198 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP của Tổ chức Y tế thế giới, 11 nhà máy đã đầu tư và đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến như tiêu chuẩn của châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, PIC/S. Thuốc sản xuất trong nước đáp ứng đầy đủ 27 nhóm tác dụng dược lý theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới. Có 652 thuốc trong nước đã được công bố chứng minh tương đương sinh học so với thuốc biệt dược gốc, thuốc phát minh.

Bộ Y tế đã ban hành Danh mục 640 thuốc sản xuất trong nước đáp ứng yêu cầu điều trị, giá thuốc và khả năng cung ứng, không mua thuốc nhập khẩu. Thuốc sản xuất trong nước được phân nhóm để được đấu thầu riêng, đồng thời được tham gia tất cả các nhóm đấu thầu khác khi đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật. Với chính sách này, trong tương lai gần thuốc sản xuất tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ.