TS Trương Hồng Sơn: Cần hiểu đúng về vi chất dinh dưỡng trong sữa học đường

NDO -

NDĐT – TS, BS Trương Hồng Sơn, Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho hay, việc cân đối chất sinh năng lượng và khoáng chất trong sữa học đường là cần thiết và việc bổ sung những vi chất này trong Đề án Sữa học đường nằm trong quy định danh mục vitamin và chất khoáng sử dụng trong thực phẩm Việt Nam, không gây hại cho trẻ em.

TS, BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng viện Y học ứng dụng Việt Nam.
TS, BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng viện Y học ứng dụng Việt Nam.

Sản phẩm sữa học đường được triển khai tại Hà Nội đang được bổ sung 14 vi chất dinh dưỡng - nhiều hơn so với khuyến cáo của Bộ Y tế là chỉ có ba vi chất dinh dưỡng. Điều này gây ra những phản ứng từ phía các bậc phụ huynh, lo lắng con mình có thể bị ngộ độc, suy gan, suy thận… vì bổ sung vi chất dinh dưỡng quá ngưỡng.

Phóng viên Nhân Dân điện tử đã có cuộc trao đổi với TS, BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng viện Y học ứng dụng Việt Nam, một chuyên gia về sức khỏe và dinh dưỡng có vai trò độc lập trong vấn đề này để cung cấp một cách nhìn khoa học và khách quan về việc bổ sung vi chất dinh dưỡng trong thực phẩm nói chung và trong sản phẩm sữa học đường nói riêng.

PV: Thưa TS Trương Hồng Sơn, việc bổ sung vi chất và thực phẩm có ý nghĩa như thế nào với sức khỏe? Đặc biệt là việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào sữa học đường đang được dư luận quan tâm hiện nay.

TS Trương Hồng Sơn: Thiếu vi chất dinh dưỡng là một tình trạng phổ biến trên thế giới, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Giải quyết tình trạng này có thể dựa trên việc bổ sung trực tiếp (micronutrient supplementation) như bổ sung vitamin A liều cao, bổ sung viên đa vi chất cho phụ nữ mang thai, hoặc thông qua các giải pháp bổ sung vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm. Đến nay, có gần 140 quốc gia có quy định pháp lý về bổ sung vi chất và thực phẩm.

Việc bổ sung vi chất dinh dưỡng vào bữa ăn học đường, trong đó có sữa học đường là giải pháp cần được triển khai vì trẻ em ở lứa tuổi học đường là giai đoạn cần tăng trưởng về cân nặng, tăng trưởng chiều cao. Ở Việt Nam, tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em dưới 5 tuổi khoảng 28%, thiếu kẽm khoảng 69%... Vì thế, khi triển khai chương trình sữa học đường, việc bổ sung vi chất trong các sản phẩm đó là cần thiết.

PV: Được biết đề án Sữa học đường được Bộ Y tế khuyến cáo bổ sung thêm ba vi chất dinh dưỡng, nhưng sản phẩm thực tế lại bổ sung số vi chất dinh dưỡng nhiều hơn gấp bốn lần? Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

TS Trương Hồng Sơn: Đề án chương trình sữa học đường đưa ra khuyến cáo bổ sung ba vi chất là canxi, vitamin D và sắt. Đây là ba vi chất liên quan trực tiếp đến tăng trưởng chiều cao, phòng chống thiếu máu thiếu sắt. Tuy nhiên đây chỉ là một trong những vi chất quan trọng nhất và tối thiểu phải có. Căn cứ vào tình trạng vi chất dinh dưỡng và tăng trưởng ở trẻ, cần phải bổ sung nhiều vi chất dinh dưỡng hơn như vậy. Theo khuyến nghị ngoài chất đạm, chất béo và đường bột thì cần có các vitamin và chất khoáng khác gồm canci, sắt, kẽm, vitamin A, vitamin D và vitamin K2…, ngoài ra còn nhiều vitamin và chất khoáng khác nữa.

Thí dụ, khi trẻ em thiếu máu thì cần phải bổ sung sắt. Nhưng không chỉ cần bổ sung sắt là đủ. Sắt muốn tăng cường hấp thu tại ruột non và huy động sử dụng sắt dự trữ từ gan thì cần có vitamin A, vitamin B2, vitamin C. Quá trình tổng hợp hồng cầu ngoài sắt thì cần axit folic, vitamin B12... Ngoài ra, muốn thành mạch tốt giảm mất máu thì cần vitamin E, vitamin C. Như vậy chỉ riêng thiếu máu không chỉ cần có sắt mà cần nhiều vitamin tham gia vào. Vì vậy, khi giải quyết tình trạng thiếu máu, sản phẩm bổ sung phải có vitamin khác đi kèm vào.

Về vấn đề tăng mật độ xương cho trẻ em, canxi đóng vai trò quan trọng nhất nhưng để hấp thu thì phải có vitamin D. Khi vào máu, để đưa canxi đến xương cũng cần vitamin K2…

PV: Nhiều bậc phụ huynh đang băn khoăn, việc bổ sung quá nhiều vi chất dinh dưỡng - cụ thể ở đây là 14 vi chất dinh dưỡng trong sữa học đường - vượt ngưỡng khuyến cáo của Bộ Y tế sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ em. Giữa khuyến cáo và thực tế đang là một khoảng cách lớn. Vậy trên thực tế sản phẩm sữa học đường ông đã xem, việc bổ sung số lượng vi chất dinh dưỡng có phải đang vượt ngưỡng và liệu có gây hệ lụy gì cho sức khỏe?

TS Trương Hồng Sơn: Để xem một sản phẩm có được bổ sung vượt ngưỡng hay không cần phải xem xét hai yếu tố, một là về sự có mặt của các loại vitamin và khoáng chất và thứ hai là hàm lượng của từng loại có hiệu quả hay không, có vượt ngưỡng hay không.

Về mặt số lượng của các loại vitamin và khoáng chất chúng tôi đã phân tích ở trên, và thực tế sản phẩm sữa bò tươi nguyên chất cũng đã có sự có mặt của hàng chục vi chất dinh dưỡng trong thành phần chứ không phải chỉ có ba vi chất dinh dưỡng. Trong khuyến nghị của sữa học đường không có một số vi chất dinh dưỡng quan trọng như vitamin A, kẽm. Tuy nhiên, tỷ lệ thiếu kẽm tại Việt Nam chiếm 2/3 số trẻ em, thiếu vitamin A tiềm ẩn vẫn tồn tại. Như vậy, bổ sung kẽm, vitamin A vào sữa học đường sẽ đem lại hiệu quả tích cực, góp phần giảm nguy cơ thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em. Việc bổ sung đưa thêm vi chất dinh dưỡng này với trẻ em Việt Nam như hàm lượng đang đưa là hợp lý và theo đúng các quy định về bổ sung vi chất dinh dưỡng từ góc nhìn chuyên môn.

Thứ hai là về hàm lượng của các vi chất dinh dưỡng. Chúng ta hiểu là nếu lượng vitamin và khoáng chất ở ngưỡng cao có thể đem lại hiệu quả không mong muốn, gây bất lợi. Thí dụ bổ sung canxi và vitamin C quá liều trong thời gian dài có thể gây sỏi thận. Tuy nhiên chúng ta cần biết là trong các thực phẩm bổ sung, hàm lượng của các vi chất dinh dưỡng được bổ sung đều ở mức chỉ khoảng 5-10% so với nhu cầu khuyến nghị hàng ngày. Như vậy, phải uống tới 10-20 hộp mới đạt được nhu cầu khuyến nghị/ngày. Và hơn nữa từ ngưỡng nhu cầu khuyến nghị này đến mức liều có thể gây hại thì lại càng rất xa.

Thí dụ, trong một hộp sữa học đường, vitamin C không nằm trong ba vi chất được Bộ Y tế khuyến nghị, nhưng nó có vai trò tăng cường hấp thu và sử dụng với sắt. Với liều lượng 6,5 mg vitamin C trong một hộp sữa học đường, thì phải uống 12 hộp mới đạt khuyến nghị/ngày. Và phải hơn 75 hộp mới có lượng vitamin C tương đương với một viên vitamin C sủi 500mg. Với hàm lượng như vậy trong hộp sữa học đường, sẽ không bao giờ có chuyện gây hại cho sức khỏe các em, mà chỉ tham gia vào hỗ trợ hấp thu sắt.

PV: Trên thế giới, các sản phẩm sữa học đường có được bổ sung vi chất dinh dưỡng hay không. Và theo ông, có cần thiết phải bổ sung vi chất dinh dưỡng vào sữa học đường tại Việt Nam?

TS Trương Hồng Sơn: Sữa học đường được triển khai ở Mỹ từ năm 1940, Nhật Bản năm 1954, Thái-lan năm 1992, Trung Quốc năm 2000. Hiện có 30 quốc gia triển khai sữa học đường, mang lại hiệu quả tích cực. Trong một bối cảnh chung phải nâng cao bữa ăn học đường, sữa đóng vai trò lợi thế vì là loại thức ăn dễ tiếp cận, dễ sử dụng và trong sữa, các nhà sản xuất có thể bổ sung vi chất dinh dưỡng chống lại việc thiếu vi chất dinh dưỡng.

Sữa học đường nếu được bổ sung vi chất dinh dưỡng đầy đủ thật sự đem lại hiệu quả tốt hơn sữa tươi thông thường không bổ sung vi chất dinh dưỡng. Và hiện nay phần lớn các sữa đang được bán trên thi trường Việt Nam đều bổ sung đa dạng các loại vi chất dinh dưỡng.

PV: Vậy với các bậc cha mẹ đang hoang mang vì con mình có thể sẽ mắc các bệnh lý tiềm ẩn nếu sử dụng sữa học đường do bổ sung quá nhiều vi chất dinh dưỡng, ông có khuyến nghị gì?

TS Trương Hồng Sơn: Các thông tin đưa lên vừa qua về việc sữa học đường bổ sung vi chất dinh dưỡng “vượt ngưỡng” là không khách quan và làm các bậc cha mẹ học sinh rất lo lắng.

Khuyến nghị của Bộ Y tế là tập trung vào ba vi chất, nhưng thực tế, trong sữa tươi thông thường đã có sự có mặt của nhiều vi chất dinh dưỡng và một số vi chất được các nhà sản xuất bổ sung theo các tiêu chuẩn bổ sung của Việt Nam quốc tế.

Những thông tin chúng tôi muốn đưa đến các bậc cha mẹ ở đây là độc lập và khách quan và chúng tôi muốn các bậc phụ huynh hiểu thêm về vi chất dinh dưỡng và sự an toàn của nó để yên tâm cho con sử dụng các sản phẩm của chương trình sữa học đường, và cả các sản phẩm khác đang bán trên thị trường có bổ sung vi chất dinh dưỡng. Các sản phẩm thực phẩm bổ sung khi đưa ra thị trường đều dựa trên nhu cầu khuyến nghị và các ngưỡng an toàn để bảo đảm các thực phẩm đem lại hiệu quả và an toàn cho người sử dụng.

Xin cảm ơn TS Trương Hồng Sơn!