Nhìn lại năm 2019

Tạo tiền đề vững chắc hướng tới sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe

Sau hơn hai năm triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25-10-2017 của Hội nghị T.Ư 6, khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, diện mạo ngành y tế đang có nhiều thay đổi tích cực và toàn diện. Đây là những tiền đề vững chắc để hướng tới sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe.

Bệnh viện K đã sử dụng nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại vào việc điều trị và chăm sóc người bệnh.
Bệnh viện K đã sử dụng nhiều máy móc, trang thiết bị hiện đại vào việc điều trị và chăm sóc người bệnh.

“Chắc” từ cổng

Trạm y tế xã Tân Hội, huyện Đan Phượng (Hà Nội) và 25 trạm y tế khác tại tám tỉnh, thành phố được Bộ Y tế chọn đầu tư là trạm y tế xã mô hình điểm trong phát triển toàn diện từ cơ sở hạ tầng, nhân lực tới cơ chế tài chính và vận hành theo nguyên lý y học gia đình (YHGĐ) đã chính thức đi vào hoạt động. Ngoài chức năng khám, chữa bệnh, các trạm sẽ triển khai quản lý toàn diện sức khỏe người dân trên địa bàn, nhất là các bệnh không lây nhiễm, mãn tính như: đái tháo đường, tăng huyết áp, hen phế quản… Theo đánh giá của bác sĩ Trần Thị Mai Hương, Trưởng trạm y tế xã Tân Hội, đây là mô hình tốt, phù hợp cho nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của người dân tại cơ sở. Mô hình này mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân được khám và điều trị gần nhà, giảm chi phí đi lại và chăm sóc, góp phần giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên cũng như giảm gánh nặng bệnh tật cho địa phương. Từ kết quả tại 26 trạm thí điểm, Bộ Y tế đã chính thức đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước triển khai và nhân rộng ra các trạm y tế xã, phường trên địa bàn.

Nguyên lý YHGĐ là chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục, định hướng dự phòng cho cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng. Theo nguyên lý đó, ngành y tế cũng đã xác định phát triển YHGĐ gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng y tế cơ sở nhằm giúp người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng ngay từ tuyến cơ sở. Trong khi đó, y tế cơ sở được coi là nền tảng, xương sống của hệ thống y tế, là “người gác cổng” của hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu, trực tiếp, gần dân nhất. Y tế cơ sở là nơi dễ tiếp cận với chi phí thấp, công bằng xã hội, giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên. Chính vì thế, việc triển khai trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý YHGĐ với sáu nguyên tắc: liên tục - toàn diện - lồng ghép - dự phòng - gia đình - cộng đồng sẽ giúp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân một cách hiệu quả.

Để thực hiện được điều đó, bên cạnh huy động các nguồn lực từ trong nước và quốc tế để xây dựng cơ sở vật chất, Bộ Y tế đang tích cực triển khai Đề án “Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực chuyên môn cho y tế xã, phường giai đoạn 2019 - 2025”. Mục tiêu của Đề án là nâng cao chất lượng chuyên môn, trọng tâm là khám bệnh, chữa bệnh tại trạm y tế xã, phường, bảo đảm đến năm 2020 có ít nhất 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; đến năm 2025 có 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ), thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã. Đi liền với đó là các chương trình đào tạo CSSKBĐ theo nguyên lý YHGĐ cho các đối tượng khác công tác tại trạm y tế xã bao gồm y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh và cán bộ dược cũng đã được Bộ Y tế phê duyệt và triển khai để bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển và nhân rộng mô hình trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý YHGĐ. Ngành y tế đã đưa ra lộ trình đến năm 2025, khoảng 70% trong số 11.400 trạm y tế trong cả nước được đầu tư hoàn chỉnh, hoạt động theo nguyên lý YHGĐ và đến năm 2030, toàn bộ các trạm y tế trong cả nước đủ điều kiện và thực hiện mô hình này.

Đi liền với y tế cơ sở, các trung tâm y tế chuyên sâu cũng từng bước được hình thành và phát triển tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng; đồng thời xây dựng một số bệnh viện đa khoa tỉnh làm nhiệm vụ vùng. Các trung tâm y tế chuyên sâu cũng từng bước mở rộng các chuyên khoa đầu ngành để chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, trong đó có nhiều kỹ thuật cả về chẩn đoán và điều trị ngang tầm với các nước trong khu vực. Trong năm 2019, cùng với cơ sở hai của các Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Nhi đồng TP Hồ Chí Minh thì nhiều cơ sở khám, chữa bệnh mới cũng được khánh thành và đưa vào sử dụng. Cùng với xây dựng cơ sở khang trang, nhiều bệnh viện đã trang bị được những thiết bị y tế hiện đại trong chẩn đoán và điều trị bệnh như máy xạ hình Spec, các rô-bốt trong phẫu thuật điều trị ung thư, xương khớp… đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Một thời tình trạng quá tải bệnh viện được xác định “không lối thoát” thì toàn ngành y tế, nhất là hệ thống các cơ sở khám, chữa bệnh kiên trì thực hiện nhiều giải pháp vừa trước mắt, vừa lâu dài. Cho nên, đến nay, tình trạng quá tải và nằm ghép cơ bản được giải quyết ở hơn 80% số bệnh viện Trung ương, bệnh viện tuyến cuối của các thành phố lớn, nhất là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Hoạt động hiệu quả của mô hình bệnh viện vệ tinh giúp giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ 65 đến 100% số ca chuyển tuyến ở những chuyên khoa thực hiện chuyển giao kỹ thuật tại các bệnh viện vệ tinh. Hiện đã xây dựng và hình thành 23 bệnh viện hạt nhân và 127 bệnh viện vệ tinh với 10 chuyên khoa thường xuyên quá tải là: ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc.

Mô hình bệnh viện vệ tinh cũng phát triển và có nhiều hình thức phù hợp cho từng địa phương. Nó không chỉ dừng lại phát triển ở các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tỉnh mà còn được thực hiện ở nhiều bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện ngoài công lập. Tại TP Hồ Chí Minh, xuất hiện phòng khám bệnh viện vệ tinh thu hút đông bệnh nhân đến khám và điều trị. Các bệnh viện tuyến tỉnh cũng đã chú trọng phát triển các kỹ thuật cao để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn. Nhiều kỹ thuật trước đây chỉ các bệnh viện trung ương tuyến cuối mới thực hiện được, nhưng do đẩy mạnh đào tạo, chuyển giao kỹ thuật của tuyến trên và sự cố gắng, nỗ lực của các bệnh viện tuyến dưới, đến nay các bệnh viện tỉnh, huyện đã thực hiện được.

Bằng những giải pháp tổng thể nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cả ở tuyến trên và tuyến dưới, ngành y tế đang bắt tay xây dựng đề án “dây rút ngược” với kỳ vọng từng bước hạn chế người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh, giữ chân người nước ngoài làm việc tại Việt Nam sử dụng dịch vụ y tế tại Việt Nam, thu hút người nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh. Đồng thời “kéo” người bệnh từ tuyến trên về tuyến dưới điều trị. Một số thống kê, nghiên cứu của ngành y tế cho thấy, có đến 35,4% người bệnh đến khám, chữa bệnh ở tuyến trung ương có thể thực hiện được ở tuyến tỉnh và 20% có thể thực hiện được ở tuyến huyện; 41,5% số người bệnh đến khám, chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể thực hiện được ở tuyến huyện và 11% có thể thực hiện được ở trạm y tế xã.

Tạo chính sách tài chính ổn định và sẻ chia

Bảo hiểm y tế (BHYT) là cơ chế tài chính y tế công, đồng thời là một chính sách an sinh xã hội vì mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân. Chính vì vậy, việc phát triển BHYT sẽ tạo chính sách tài chính y tế ổn định và sẻ chia. Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7-9-2009 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng cao qua các năm, từ 45% (năm 2009) lên 71% (năm 2015) và khoảng 89,8% (năm 2019) vượt chỉ tiêu đề ra. Đây là kết quả của việc triển khai quyết liệt các giải pháp thực hiện các nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT nhằm đẩy nhanh lộ trình BHYT toàn dân như: bắt buộc tham gia BHYT; tham gia BHYT theo hộ gia đình với cơ chế giảm mức đóng theo số người tham gia; bổ sung một số đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT. Đến nay, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đều đạt và vượt chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg; cả nước có 24 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bao phủ BHYT đạt hơn 90% số dân. Đi liền với số lượng là quyền lợi BHYT (về thuốc, vật tư y tế, kỹ thuật y tế,...) được xác định trên cơ sở đáp ứng với nhu cầu khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT, sự thay đổi về mô hình bệnh tật, sự phát triển của khoa học công nghệ trong lĩnh vực y tế, khả năng cân đối quỹ BHYT và khả năng chi trả của người tham gia, đồng thời phải hướng tới mục tiêu giảm chi tiền túi từ hộ gia đình cho chi tiêu y tế. Thực tế trong thời gian qua, đã có rất nhiều người bệnh mức đóng rất thấp, nhưng mức hưởng lên tới hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng chi phí điều trị bệnh.

Việc tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT ngày càng thuận lợi, đối tượng người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn, người sống ở xã đảo, huyện đảo khi khám, chữa bệnh trái tuyến tại tuyến tỉnh, tuyến trung ương được hưởng đầy đủ quyền lợi. Mặt khác, người tham gia BHYT khi khám, chữa bệnh trái tuyến tại các cơ sở tuyến xã, tuyến huyện trong tỉnh và bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc được hưởng quyền lợi như khám, chữa bệnh đúng tuyến (thông tuyến huyện). Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT trong tiếp cận dịch vụ y tế do giảm thủ tục hành chính, phiền hà mỗi khi người bệnh phải chuyển tuyến. Cùng với ngân sách nhà nước dành cho y tế, BHYT đã tạo ra nguồn tài chính công quan trọng cho việc khám, chữa bệnh. Nguồn chi từ quỹ BHYT đang trở thành nguồn thu chủ yếu của các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến huyện (hơn 80%). Điều này tạo ra một xu thế cùng đổi mới, phát triển trong tổ chức cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh, nhiều bệnh viện đã có chuyển biến tích cực trong cải tiến quy trình khám bệnh, cải tiến các điều kiện phục vụ người bệnh, đổi mới phong cách, thái độ, đáp ứng sự hài lòng người bệnh, người có thẻ BHYT cũng được quan tâm chăm sóc như người không có thẻ BHYT. Mặt khác, các bệnh viện cũng tích cực triển khai các chỉ thị về việc tăng cường bảo đảm chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh khi thực hiện điều chỉnh, thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, trong đó nhấn mạnh các giải pháp: Cải tiến quy trình khám bệnh, xét nghiệm, thăm dò chức năng; cải tiến thủ tục vào viện, chuyển viện, ra viện, thanh toán viện phí, BHYT; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, quản lý BHYT, thực hiện công khai, minh bạch các khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả... và thực hiện tốt cam kết không nằm ghép sau giờ quy định. Với những cố gắng không ngừng, năm 2019, các cơ sở y tế trong cả nước đã thực hiện khám, chữa bệnh cho khoảng 186,4 triệu lượt người bệnh có thẻ BHYT.