Tạo diện mạo mới cho mạng lưới y tế cơ sở ở Hà Tĩnh

Từ khi tham gia mô hình điểm trạm y tế theo đề án “Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới” của Bộ Y tế, các trạm y tế tại Hà Tĩnh được tiếp nhận, chuyển giao nhiều kỹ thuật điều trị, đầu tư trang thiết bị mới và định hướng hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Nhờ đó góp phần nâng cao hiệu quả nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe của y tế tỉnh cho nhân dân.

Vườn cây thuốc nam tại Trạm y tế Sơn Diệm (Hương Sơn) trồng nhiều cây thuốc quý phục vụ điều trị bệnh cho người dân.
Vườn cây thuốc nam tại Trạm y tế Sơn Diệm (Hương Sơn) trồng nhiều cây thuốc quý phục vụ điều trị bệnh cho người dân.

Sau nhiều năm đi khắp nơi để chữa trị bệnh đau thần kinh tọa, cuối cùng ông Thái Quốc Dị ở thôn 5, xã Sơn Diệm (huyện Hương Sơn) đã tìm được nơi điều trị bệnh ổn định, hiệu quả mà không phải đi xa. Theo ông Dị, dù không phải là bệnh nan y nhưng mỗi khi trái gió trở trời, toàn thân lại bị đau nhức, hầu như tháng nào ông cũng phải đi bệnh viện điều trị. Gần thì lên Bệnh viện đa khoa Hương Sơn, xa hơn nữa thì ra tận Vinh (Nghệ An), thậm chí phải đi Hà Nội để điều trị… Thế nhưng, kể từ khi được bệnh viện tuyến trên chuyển giao kỹ thuật châm cứu, cấy chỉ vào các huyệt đạo, hầu hết người dân địa phương khi mắc các triệu chứng liên quan đến hệ thần kinh, cơ xương khớp… đều được điều trị ngay tại Trạm y tế Sơn Diệm một cách hiệu quả. Do vậy, ông Dị và nhiều người bệnh khác không phải chuyển lên tuyến trên. Trưởng Trạm y tế Sơn Diệm Nguyễn Thái Bình cho biết, không chỉ được tiếp cận với các trang thiết bị y tế hiện đại, kỹ thuật điều trị mới, khi đến với trạm y tế, người dân còn cảm nhận được sự thoải mái, thân thiện từ thái độ niềm nở, trách nhiệm của đội ngũ y, bác sĩ ở đây.

Từ chỗ mỗi ngày chỉ tiếp nhận và điều trị cho khoảng 10 người dân thì đến nay, mỗi ngày Trạm y tế Sơn Kim 1 (huyện Hương Sơn) khám, điều trị cho 25 đến 30 người bệnh. Theo chia sẻ của các y, bác sĩ ở đây, tuy khối lượng công việc tăng nhưng mọi người đều cảm thấy phấn khởi vì phục vụ người dân được tốt hơn và được cộng đồng ghi nhận, đánh giá cao. Theo Trưởng Trạm y tế Sơn Kim 1 Hoàng Ái Quốc, với đặc thù của xã biên giới (tiếp giáp với nước bạn Lào), cách trung tâm huyện 22 km, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn… cho nên mọi hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân Sơn Kim 1 đều thông qua trạm y tế xã. Ðáng mừng, sau khi trở thành trạm y tế điểm, Trạm y tế Sơn Kim 1 được tiếp cận với nhiều kỹ thuật điều trị mới để tổ chức khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng theo phân tuyến kỹ thuật và phạm vi hoạt động chuyên môn tại tuyến xã với đội ngũ cán bộ nhiệt tình, có chuyên môn. Hiện nay, sau khi hoàn thành 100% khối lượng xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân, Trạm y tế xã Sơn Kim 1 đã đưa vào quản lý các bệnh không lây nhiễm trên hồ sơ sức khỏe điện tử theo mô hình bác sĩ gia đình, thuận tiện cho việc theo dõi, quản lý sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, nhằm phát hiện và điều trị sớm tiền tăng huyết áp, tiền đái tháo đường… đồng thời tư vấn cho người dân cách phòng ngừa và điều trị kịp thời các biến chứng của bệnh.

Bác sĩ Lê Nhật Thành, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Hương Sơn cho biết: Sau khi bốn trạm y tế ở Hương Sơn được Bộ Y tế phê duyệt danh sách xây dựng mô hình trạm y tế điểm, để khai thác hiệu quả công năng các trang thiết bị do Bộ Y tế hỗ trợ đầu tư, tỉnh Hà Tĩnh và huyện Hương Sơn đã trích nguồn ngân sách hơn 2,4 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng, tập trung triển khai thực hiện công tác khám, tạo lập hồ sơ sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, ngành cử cán bộ của các trạm y tế được chọn thí điểm tham gia các lớp đào tạo nâng cao kỹ năng chuyên môn đáp ứng việc tiếp cận và sử dụng các trang thiết bị được đầu tư.

Hà Tĩnh hiện có 13 bệnh viện tuyến huyện, một phòng khám đa khoa khu vực với 1.910 giường; 262 trạm y tế xã, đạt tỷ lệ bao phủ tại 100% số xã, phường, thị trấn. Theo chia sẻ của đại diện lãnh đạo Sở Y tế Hà Tĩnh, thời gian qua, công tác đầu tư cho y tế cơ sở trên địa bàn đã được chú trọng, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và chưa tương xứng với vai trò hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân. Nhiều trạm y tế được đầu tư xây dựng từ lâu, đến nay đã xuống cấp ảnh hưởng đến hoạt động khám, chữa bệnh; trang thiết bị mới đáp ứng được khoảng 30 đến 50% danh mục theo yêu cầu của Bộ Y tế; nhân lực còn yếu và chưa đầy đủ các chức danh cần thiết; cơ chế tài chính, thanh toán, quyết toán khám, chữa bệnh còn gặp nhiều vướng mắc, bất cập… Từ hiệu ứng tích cực của mô hình trạm y tế điểm của Bộ Y tế mang lại, ngành y tế Hà Tĩnh sẽ rút ra những bài học kinh nghiệm và tiếp tục nhân rộng mô hình này trong toàn tỉnh nhằm tạo nên diện mạo mới cho mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn.