Tận tâm với người bệnh

NDO -

NDĐT - Là bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh, không có đối tượng khám, chữa bệnh ban đầu, hầu hết bệnh nhân được chuyển từ tuyến huyện lên sau khi chữa không khỏi, bệnh đã trở nặng, môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao, đời sống còn khó khăn, nhưng những người thầy thuốc tại Bệnh viện (BV) Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên coi bệnh nhân như người nhà, hết lòng chăm sóc, chữa trị.

BV Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên được đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại.
BV Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên được đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại.

Sau khi được điều trị ở tuyến dưới, ông Nguyễn Hữu Dược (ở phường Hương Sơn, TP Thái Nguyên) vào Khoa Hồi sức cấp cứu (BV Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên) trong tình trạng bị bệnh phổi tắc nghẽn khá nặng, sức khỏe yếu, được bác sĩ cho dùng các loại thuốc phối hợp nên sức khỏe dần cải thiện, tự mình có thể ra căng-tin bệnh viện mua nước, đi dạo quanh khuôn viên.

Ông Dược tâm sự, đội ngũ nhân viên bệnh viện này coi ông như người nhà, sử dụng máy móc, thiết bị y tế và thuốc tốt để chữa trị, thường xuyên thăm hỏi, động viên nên ông thấy bệnh tình thuyên giảm nhiều, ăn, ngủ được, sức khỏe dần hồi phục.

Bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính trong tình trạng rất nặng, cơ thể suy kiệt đến mức chỉ còn da bọc xương, không ăn uống được, rời máy thở là ông Bế Văn Thịnh (ở xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ) “ra đi”, người nhà xin đưa ông Thịnh về nhà. Trong hoàn cảnh đó, nhiều bệnh nhân điều trị ở Khoa Hồi sức cấp cứu rất xúc động chứng kiến các y, bác sĩ ở đây kiên trì thuyết phục, động viên người thân để ông Thịnh ở lại để bệnh viện điều trị với hy vọng “còn nước còn tát”.

Mỗi năm, BV Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên điều trị cho khoảng bảy nghìn bệnh nhân, trong đó chỉ có khoảng 100 bệnh nhân mắc các bệnh phối hợp nặng khác buộc phải chuyển lên tuyến trên. Nói về vấn đề này, BS Nguyễn Trường Giang cho biết, bệnh viện nỗ lực điều trị cho bệnh nhân trong điều kiện tốt nhất, giảm đến mức tối đa việc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên nhằm giảm chi phí, vất vả cho người bệnh.

Là bệnh viện chuyên khoa đặc thù, tiếp nhận hầu hết những ca bệnh mà tuyến dưới điều trị không khỏi, bệnh đã trở nặng, đòi hỏi máy móc, thiết bị hiện đại, sử dụng nhiều loại thuốc phối hợp nên chi phí tiền thuốc cao, trong khi bảo hiểm y tế “khoán” quỹ khám chữa bệnh, giá dịch vụ chưa được tính đúng, tính đủ, BV Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên tự chủ chi thường xuyên 82%, nhưng ngân sách tỉnh chưa có điều kiện cấp bù đủ 18% nên bệnh viện gặp khó khăn về tài chính, chỉ đủ trả lương cơ bản cho y, bác sĩ, cán bộ. Trong khi đó, yêu cầu của bệnh nhân là phải được chữa trị trong điều kiện tốt.

Để làm được điều đó, BV Lao và Bệnh phổi Thái Nguyên buộc phải “thắt lưng buộc bụng”, cấp học phí đưa bác sĩ đi học sau đại học, chuyên khoa I, II để có trình độ chuyên sâu chữa bệnh cho người dân. Sau quá trình đào tạo, bệnh viện đã có đội ngũ bác sĩ đạt trình độ cao, tận tâm với công việc, như: BS Nguyễn Thị Kim, BS Diệp Văn Cam, BS Ma Thị Hường.

Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đội ngũ y, bác sĩ có trình độ, tận tâm là chưa đủ mà cần phải sử dụng có hiệu quả trang thiết bị đồng bộ, hiện đại được tỉnh đầu tư, như: máy thở, nội soi phế quản, chụp cắt lớp lồng ngực, nội soi phế quản ống mềm, các loại máy xét nghiệm, máy nuôi cấy định danh vi khuẩn... Nhờ những loại máy này mà không biết bao nhiêu bệnh nhân đã được cứu sống. Giám đốc Nguyễn Trường Giang chia sẻ, mỗi khi máy móc hiện đại hư hỏng, sửa chữa rất tốn kém trong điều kiện tự chủ tài chính, nhưng không thể không sửa chữa để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh.

BS Nguyễn Vi Hồng, Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên cho biết, làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao, một số bệnh nhân bị lao và nhiễm HIV nên điều trị vô cùng khó khăn, nếu các y, bác sĩ bệnh viện không ứng xử tốt thì sẽ xảy ra những tình huống khó lường. Nhưng qua điều tra, tìm hiểu qua các kênh, lấy phiếu đánh giá độc lập, những năm gần đây, có từ 95 đến 97% bệnh nhân và người nhà bệnh nhân hài lòng với BV Lao và Bệnh phổi, đây là tỷ lệ cao so nhiều cơ sở y tế khác trên địa bàn.

Khi bệnh được chữa khỏi, được ra viện về nhà, ai cũng phấn khởi, nhiều người muốn cảm ơn y, bác sĩ bằng một bữa liên hoan, phong bì nhỏ, nhưng đội ngũ thầy thuốc ở đây đều từ chối. Nếu bệnh nhân thật lòng thì ủng hộ bệnh viện một ghế đá, một cây xanh bóng mát. Nhờ thế, khuôn viên bệnh viện ngày càng xanh, nhiều ghế đá phục vụ bệnh nhân.