Sáu ngày không có ca mới, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ

NDO -

NDĐT – Hôm nay là ngày cuối cùng của tuần thứ 3 thực hiện cách ly xã hội. Số ca mắc đã chững lại trong sáu ngày qua, số ca bình phục đã vượt mốc 81%. Các ổ dịch cơ bản được kiểm soát. Người dân đang chờ đợi việc giãn cách từng bước được nới lỏng. Nhưng chúng ta đã thật sự yên tâm với diễn biến của dịch tại Việt Nam ở giai đoạn này?

(Ảnh minh họa).
(Ảnh minh họa).

Đến sáng nay, 22-4, số ca mắc Covid-19 tại nước ta hiện dừng lại ở con số 268 và đã có tới 216 bệnh nhân bình phục, chiếm tỷ lệ 81%. Đã có 21 ca có kết quả xét nghiệm âm tính trong quá trình điều trị và dự kiến hôm nay sẽ có thêm sáu bệnh nhân ra viện.

PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng của Bộ Y tế, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đánh giá, Việt Nam bước sang ngày thứ 6 không có ca mới là một tín hiệu vui vì chúng ta vẫn đang khống chế được dịch không bùng phát. Tuy nhiên, nguy cơ dịch tại nước ta vẫn còn hiện hữu và vì thế, mọi sự chủ quan lúc này có thể làm cho dịch sẽ có những diễn biến phức tạp.

Ông cho hay, ở giai đoạn đầu với những ca bệnh nhập cảnh, chúng ta đã thành công trong việc ngăn chặn dịch ở nước ngoài nhập vào Việt Nam khi tất cả trường hợp nhập cảnh được được phát hiện và cách ly. Những ngày gần đây không ghi nhận ca mắc mới trong nhóm này, chứng tỏ chúng ta đã ngăn chặn dịch từ nước ngoài xâm nhập vào nước ta thành công.

Trong tình hình hiện nay đang có dịch lây lan trong cộng đồng, chúng ta đã tiến hành cách ly, khoanh vùng các ổ dịch, đặc biệt một số ổ dịch lớn như Bệnh viện Bạch Mai, quán bar Buddha, gần nhất là Hạ Lôi đều được kiểm soát, xét nghiệm trên diện rộng để truy tìm những người mắc bệnh. Trong sáu ngày qua, chúng ta không ghi nhận ca mới từ những ổ dịch này.

Rõ ràng, thực hiện việc giãn cách xã hội làm cho người dân hạn chế tiếp xúc, tránh lây lan dịch bệnh. “Tôi thấy đặc biệt hơn cả là chúng ta không phát hiện được ổ dịch mới trong cộng đồng. Đó là những tín hiệu khả quan. Ngoài chống dịch, ngăn chặn, khoanh vùng, giãn cách xã hội đã đem lại hiệu quả đó. Thực tế, các nước không giãn cách xã hội, dịch đã bùng phát mạnh”, ông Phu nói.

Trước thực tế, con số mắc giảm về 0 trong sáu ngày qua, số bình phục đã vượt mốc 80% và chưa có ca nào tử vong, người dân đang có niềm tin rằng dịch tại Việt Nam đã lui. Tuy nhiên, PGS, TS Trần Đắc Phu cho rằng, đây chưa phải là thời điểm chúng ta yên tâm.

Sáu ngày không có ca mới, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh 1

Theo ông Phu, đối với các ổ dịch như Sơn Lôi, quán bar Buddha, Bệnh viện Bạch Mai, Hạ Lôi, khi tiến hành phong tỏa, nghĩa là chúng ta thực hiện tất cả biện pháp chống dịch làm sao cách ly được người mang mầm bệnh với người lành triệt để. Đồng thời, quản lý và đưa các trường hợp dương tính đi cách ly. Sau thời gian 28 ngày, chúng ta có thể biết các ổ dịch được khống chế hoàn toàn hay chưa.

Nhưng với quy mô một tỉnh, thành phố, thậm chí cả nước, để cắt được sự lây lan này là rất khó, không thể ngăn chặn 100%. Trong cộng đồng, nhiều người có mầm bệnh nhưng không thực hiện giãn cách xã hội, tiếp tục có tiếp xúc, từ đó lây lan dịch bệnh. Do đó, không thể nói được sự lây lan trong cộng đồng đã hết hay chưa sau sáu ngày không có ca mắc. Phải 14 ngày liên tiếp kể từ ngày không ghi nhận thêm ca mắc thì mới có ý nghĩa đánh giá dịch đã lui hay chưa.

TS Phu lấy thí dụ với Singapore, có giai đoạn quốc gia này làm rất tốt, nhưng thời gian qua số mắc tại quốc gia này lại tăng nhanh với hơn 8.000 ca bệnh, 11 người tử vong. Singapore quản lý tốt đối tượng nhiễm, nghi nhiễm nhưng lại bỏ sót đối tượng người lao động nhập cư. Dịch bùng lên từ chính nhóm đối tượng này. Ông Phu cho rằng, đây là bài học cho chúng ta trong phòng, chống dịch. Bất kỳ địa phương nào, chỗ nào làm không tốt dịch cũng có thể bùng lên.

PGS, TS Trần Đắc Phu đưa ra cảnh báo, hiện nay, nếu chúng ta không quản lý hết tất cả 100% các trường hợp nhập cảnh, đặc biệt là các những người nhập cảnh qua đường mòn, lối mở thì vẫn có thể có ca bệnh xâm nhập vào. Ca bệnh mới nhất ở Hà Giang (BN268) mới đây cho thấy vẫn có người đi làm bên Trung Quốc.

Trong tuần thứ 3 giãn cách xã hội, đặc biệt ở những địa phương có nguy cơ cao, nhiều người dân vẫn đi lại đông đúc. Vì thế, không loại trừ những người mắc bệnh nhưng có triệu chứng nhẹ đi lại trong cộng đồng, người này lại tiếp xúc người kia làm lây lan dịch bệnh thành ổ dịch nhỏ.

TS, BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận định, trong giai đoạn 3 của dịch, mối lo ngại nhất cũng đã xảy ra là dịch bệnh đã lây lan trong cộng đồng với sự mất dấu của F0. Việc không biết ai là F0 có nghĩa người đó vẫn có thể đang âm thầm lây bệnh cho người khác mà không ai biết. Bất cứ ai chung quanh cũng có thể là người mang virus chưa phát bệnh.

PTS, TS Trần Đắc Phu cho rằng, Việt Nam đã thành công ở giai đoạn hiện nay chính là đang kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, phải nhìn nhận đây là một dịch bệnh lớn và phức tạp, không được chủ quan, vẫn cần làm quyết liệt vì có những diễn biến khó lường. Chúng ta chỉ làm sao hạn chế sự thấp nhất sự lây lan trong cộng đồng, để dịch không bùng lớn. Sắp tới, có thể có những ổ dịch nhỏ, chúng ta cần cố găng khống chế được, không để đốm lửa bùng thành đám lửa lớn.

Do đó, người dân hoàn toàn không được lơ là, chủ quan, phải làm quyết liệt việc giãn cách xã hội để cùng với cả nước quyết tâm khống chế được đại dịch này. Nếu người dân ở nhà, tránh tiếp xúc gần với người khác, thực hiện việc phòng ngừa cá nhân cho tốt thì mỗi chúng ta triệt tiêu điều kiện thuận lợi cho virus phát triển dẫn tới tiêu diệt căn bệnh mà không cần thuốc