Phòng, chống tác hại của rượu, bia: Nhìn từ kinh nghiệm thế giới

NDO -

NDĐT - Theo TS Kidong Park, Trưởng Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Việt Nam, nhiều nước trên thế giới đã có những quy định rất mạnh mẽ để kiểm soát tình trạng lạm dụng rượu, bia. Do đó, Việt Nam cần phải có sự đồng hành của rất nhiều cơ quan, bộ, ngành để Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực cao trong cuộc sống.

TS Kidong Park, Trưởng Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Việt Nam.
TS Kidong Park, Trưởng Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ở Việt Nam.

Kiểm soát mạnh mẽ tình trạng lạm dụng rượu, bia

Tiến sĩ Kidong Park, cho biết, kể từ năm 1990, việc sử dụng rượu bia đã giảm ở hầu hết các nước châu Âu. Pháp cấm quảng cáo và tiếp thị rượu, bia đối với tất cả các quảng cáo trên các kênh truyền hình và trong rạp chiếu phim; quảng cáo trên đài phát thanh từ 5 giờ chiều đến 12 giờ đêm; quảng cáo trên các ấn phẩm, trang web nhắm mục tiêu đến trẻ em; quảng cáo trên các trang web thể thao và tài trợ cho các sự kiện văn hóa thể thao.

Thụy Điển cấm quảng cáo, tiếp thị rượu bia đối với tất cả quảng cáo trên truyền hình và đài phát thanh; quảng cáo trên các ấn phẩm cho sản phẩm có nồng độ cồn trên 15%.

Theo Viện Nghiên cứu hệ thống y tế Thái Lan, chỉ trong giai đoạn 5 năm, 2003 - 2009, tỷ lệ người Thái Lan từ 15 tuổi trở lên sử dụng rượu bia ở mức nguy hại đã giảm 20%. Đó là kết quả có được nhờ việc kiểm soát chặt quảng cáo từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau trên TV, radio và quảng cáo bằng pano cách cơ sở giáo dục ít nhất 500 m. Đất nước này quy định, tuổi được phép mua rượu, bia là từ 20 tuổi trở lên và chỉ được bán trong khoảng thời gian từ 11 giờ đến 14 giờ và 17 giờ đến 24 giờ. Thái Lan cũng đặc biệt cấm uống rượu bia tại các cơ sở y tế, giáo dục, tôn giáo…

Trong khi đó, một số nước như Malaysia cấm toàn bộ quảng cáo; Hàn Quốc cấm toàn bộ quảng cáo với đồ uống có cồn trên 17%.

“Nội dung quảng cáo của một số nước cấm liên hệ rượu bia tới sức khỏe, thành công và đặc biệt không sử dụng hình ảnh người trẻ”, ông Kidong Park cho hay.

Tại Pháp, luật này đã được ban hành từ năm 1991 với nhiều quy định mạnh mẽ như: Không được quảng cáo nhằm vào giới trẻ; Không được quảng cáo tại rạp chiếu phim; Không được tài trợ cho các sự kiện văn hóa, thể thao. “Luật này đã ngăn ngừa thành công việc tài trợ của Anheuser Busch cho 1998 World Cup tại Pháp”, ông Park nói.

Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn

Thái Lan hiện đang đánh tuế tiêu thụ đặc biệt, phụ thu 2% trên giá xuất xưởng với rượu bia và điều chỉnh thuế theo lạm phát. Tại Pháp, đến nay đã tăng thuế VAT với sản phẩm rượu, bia lên 20,6%; áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế tuyệt đối khoảng 9510 franc/hectolit cồn nguyên chất (vang, rượu nguồn gốc hoa quả và rượu mạnh).

Tại Na Uy, theo Luật sửa đổi từ năm 1990, nhà nước độc quyền cung cấp rượu bia thông qua hai công ty và chỉ được cấp phép tối đa bốn năm. Nước này quy định độ tuổi được phép sử dụng bia, rượu là 21 và bia rượu có độ cồn cao chỉ được bán tại các cửa hàng độc quyền của nhà nước.

“Na Uy cũng đánh thuế tuyệt đối theo nồng độ cồn, khoảng 4.426 EUR từ 4,75% - 22% và 6.536 EUR trên 22%”, ông Kidong Park nói.

Hiện, nội dung đánh thuế tiêu thụ đặc biệt không nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia của Việt Nam như các nước khác. Theo bà Lê Thị Thu, quản lý chương trình phòng chống tác hại thuốc lá, rượu bia thuộc Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe (HealthBridge Canada tại Việt Nam) cho rằng, việc thiếu quy định tăng thuế tiêu thụ đặc biệt làm cho luật thiếu giải pháp mang tính xương sống cho luật.

Ông Kidong Park khẳng định, để Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia đi vào cuộc sống, điều đầu tiên là cần sự cam kết mạnh mẽ của chính phủ trong việc đặt sức khỏe lên hàng đầu và đầu tư ngân sách cho triển khai Luật. Bên cạnh đó, cần có sự tham gia chặt chẽ của các tổ chức xã hội, phi Chính phủ trong việc giám sát thực thi Luật; tăng cường phổ biến cho người dân về nội dung luật để thực thi nghiêm khắc các quy định của Luật.