Những thách thức đặt ra cho Việt Nam trước Chiến lược Dân số mới

NDO -

NDĐT - Với mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững, Chiến lược Dân số mới đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam hướng tới xây dựng cơ cấu dân số hợp lý với chất lượng dân số ngày càng cao trong thời kỳ mới.

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế.
Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế.

Ngày 22-11-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Chiến lược với quan điểm chỉ đạo: "Quán triệt sâu sắc và triển khai đầy đủ Nghị quyết số 21-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Tập trung mọi nỗ lực chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang thực hiện và đạt được các mục tiêu toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh".

Phóng viên Báo Nhân Dân điện tử đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa ông Nguyễn Doãn Tú, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. Vậy trọng tâm của Chiến lược Dân số đến 2030 là gì?

Ông Nguyễn Doãn Tú: Nhằm đưa các đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống bao gồm cả hai nội dung dân số và phát triển, đồng thời chỉ ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện từ nay đến năm 2030 để đạt các mục tiêu đã đề ra của Nghị quyết 21, ngày 22-11-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030,

Chiến lược nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo là Quán triệt sâu sắc, thực hiện đầy đủ Nghị quyết 21. Tập trung mọi nỗ lực chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Chiến lược đề ra tám mục tiêu cần đạt vào năm 2030 là duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là những dân tộc thiểu số rất ít người có nguy cơ suy giảm giống nòi; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, phấn đấu duy trì cơ cấu tuổi ở mức hợp lý; nâng cao chất lượng dân số; thúc đẩy phân bố dân số hợp lý và bảo đảm quốc phòng, an ninh; hoàn thành xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đẩy mạnh lồng ghép các yếu tố dân số vào xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; phát huy tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước nhanh, bền vững; thích ứng với già hóa dân số, đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Chiến lược đề ra tám giải pháp là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; đổi mới truyền thông, vận động về dân số; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dân số; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hoàn thiện hệ thống thông tin, số liệu dân số: bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số; Kiện toàn tổ chức bộ máy và đào tạo; tăng cường hợp tác quốc tế.

Phóng viên: Với thực trạng tình hình dân số Việt Nam hiện nay, chúng ta sẽ gặp những thuận lợi và thách thức gì khi triển khai trong thực tế?

Ông Nguyễn Doãn Tú: Chiến lược triển khai trong bối cảnh Việt Nam phấn đấu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030. Hiện nay, công tác dân số nước ta còn nhiều tồn tại, hạn chế như sau

Mức sinh khác biệt đáng kể giữa các tỉnh, giữa các vùng miền, giữa nông thôn và thành thị. Khu vực kinh tế - xã hội nhiều khó khăn thì mức sinh cao, như miền núi trung du phía bắc và Tây Nguyên vẫn là 2,43 con; có nơi rất cao, thí dụ Yên Bái và Kon tum cao tới 2,74 con. Trong khi đô thị, khu vực kinh tế - xã hội phát triển thì mức sinh đã xuống thấp, như vùng Đông Nam Bộ là 1,56 con; có nơi thấp xa so với mức sinh thay thế, thí dụ TP Hồ Chí Minh là 1,39 con .

Mặc dù đã có những điều chỉnh chính sách, quy định theo hướng làm tăng mức sinh, song ở hầu hết những nơi mức sinh đã xuống thấp, chưa có dấu hiệu tăng mức sinh trở lại, thậm chí vẫn tiếp tục giảm, nhất là các tỉnh phía Nam. Trong khi tại phía Bắc, mức sinh không ổn định, một số nơi đã tăng cao trở lại.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh theo hướng thừa nam thiếu nữ đã ở mức cao, ngày càng lan rộng, cả thành thị và nông thôn. Tâm lý ưa thích con trai; lạm dụng khoa học, công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi ngày càng phổ biến.

Dân số vàng của nước ta mới chỉ đạt tiêu chí về số lượng; chất lượng nguồn nhân lực cũng như năng suất lao động còn hạn chế; chưa có nghiên cứu chuyên sâu để đề ra giải pháp, ban hành cơ chế chính sách đồng bộ phát huy lợi thế dân số vàng.

Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới, trong khi các điều kiện kinh tế - xã hội chưa được chuẩn bị tốt để kịp thích ứng.

Về chất lượng dân số, hiện nay chỉ số phát triển con người (HDI) còn thấp, chậm được cải thiện. Tuổi thọ bình quân cao nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh còn thấp. Tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ em và suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn cao, chênh lệch đáng kể giữa các vùng, miền.

Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện. Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống còn khá phổ biến ở một số dân tộc thiểu số. Việc bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số dưới 10 nghìn người còn hạn chế, đặc biệt là dân tộc rất ít người.

Chúng ta cũng đang tồn tại những hạn chế về phân bố dân số và di cư. Từ năm 1989 đến nay, di dân diễn ra với cường độ mạnh, chủ yếu là từ nông thôn đến thành thị, đa số là người trẻ tuổi, nữ nhiều hơn nam. Dự báo di cư tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh, tật trước sinh, sơ sinh chưa được đầu tư đúng mức. Mạng lưới chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng và các cơ sở chăm sóc tập trung chưa phát triển.

Chúng ta cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc truyền thông toàn diện các yếu tố dân số. Hầu hết các cơ chế, chính sách dân số hiện nay vẫn tập trung vào kế hoạch hóa gia đình. Việc lồng ghép các yếu tố về dân số trong phát triển kinh tế - xã hội còn chưa được chú trọng đúng mức. Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn thấp chưa tương xứng với nhu cầu.

Phóng viên: Với tư cách là đơn vị đầu mối triển khai Chiến lược này, Tổng Cục Dân số sẽ có những hoạt động cụ thể nào để thực hiện được các mục tiêu Chiến lược dân số đề ra?

Ông Nguyễn Doãn Tú: Chúng tôi sẽ phối hợp các địa phương tổ chức phổ biến, quán triệt về Chiến lược dân số trong các cơ quan, đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở. Thường xuyên cung cấp thông tin về tình hình dân số cho bộ ngành, cấp ủy, chính quyền. Đẩy mạnh tuyên truyền Chiến lược đến các tầng lớp nhân dân.

Tổng cục sẽ chỉ đạo và hỗ trợ các địa phương xây dựng Kế hoạch hành động giao đoạn 2020 - 2025 thực hiện Chiến lược với các mục tiêu, chỉ tiêu phù hợp với thực tiễn về mức sinh, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh và già hóa dân số của tỉnh. Đồng thời, xây dựng các đề án, tham mưu Bộ trưởng Y tế trình Thủ tướng Chính phủ ban hành theo đúng yêu cầu Nghị quyết 137 .

Tổng cục cũng đang trình cấp có thầm quyền về kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số các cấp; về đầu tư kinh phí cho công tác dân số, đưa các dự án, đề án dân số vào chương trình đầu tư công trung hạn.

Xin cảm ơn Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú!