Nhìn lại 20 năm công tác phòng, chống HIV/AIDS

NDO -

NDĐT – Chuyển đổi thành công thuốc điều trị ARV từ nguồn viện trợ sang BHYT, 96% người bệnh điều trị thuốc ARV được xét nghiệm có kết quả tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế làm giảm nguy cơ lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục, tình trạng HIV kháng thuốc ở Việt Nam ở mức độ thấp, mở rộng điều trị dự phòng nhiễm HIV của PrEP… là những thành tựu mà Việt Nam đã làm được trong 20 năm phòng chống HIV/AIDS.

PGS, TS Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS.
PGS, TS Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS.

Ngày 4-12, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị 20 năm điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam. Tại hội nghị, PGS, TS Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, kể từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam vào tháng 12-1990, hiện cả nước có hơn hai trăm nghìn người nhiễm HIV còn sống và lũy tích đến nay có hơn một trăm nghìn người tử vong do AIDS.

Đưa dịch vụ đến gần dân hơn

Với những nỗ lực từ Chính phủ và hỗ trợ mạnh mẽ của các tổ chức quốc tế, đến hết tháng 9-2019, cả nước đang điều trị thuốc kháng vi rút ARV cho trên 142 nghìn người nhiễm HIV, tăng gần 280 lần so với năm 2004. Trung bình mỗi năm có trên 10 nghìn người người nhiễm HIV được đưa vào điều trị ARV. Số ngày chờ từ khi đăng ký điều trị cho đến khi được điều trị ARV đã giảm từ trên 350 ngày năm 2011 xuống còn 0 ngày vào năm 2018. Người nhiễm HIV đã được đưa vào điều trị ARV trong ngày với thời gian từ khi có xét nghiệm sàng lọc HIV dương tính cho đến khi được khẳng định nhiễm HIV và điều trị ARV có nơi chỉ còn có 6,5 giờ. Việc cấp phát thuốc ARV tối đa 90 ngày sử dụng đã được thực hiện cho người nhiễm điều trị thuốc ARV ổn định.

Đánh giá cao việc mở rộng điều trị ARV tại Việt Nam, Ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương có tốc độ tăng bao phủ đáng kể thuốc ARV. Việt Nam cũng rất tích cực sáng tạo trong việc giúp bệnh nhân HIV tiếp cận điều trị. Từ năm 2012, việc thay đổi mô hình cung cấp dịch vụ HIV bao gồm xét nghiệm HIV, điều trị ARV và điều trị methadone đã được thực hiện từ quy mô thí điểm đến phủ rộng toàn quốc. Cách tiếp cận theo hướng đưa dịch vụ đến gần dân hơn và giúp người bệnh tiếp cận dễ dàng hơn, giảm chi phí và thời gian đi lại cho người bệnh, đặc biệt là những người sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa”.

Bên cạnh mở rộng độ bao phủ điều trị ARV, chất lượng điều trị ARV cũng được cải thiện và nâng cao dần qua các năm. Kết quả xét nghiệm tải lượng HIV trong ba năm gần đây cho thấy hiệu quả chương trình điều trị được duy trì cao liên tục qua các năm. Kết quả, 9 tháng đầu năm 2019 có 96% người bệnh điều trị thuốc ARV được xét nghiệm có kết quả tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế (<1000 bản sao/ml máu) và gần 95% có tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện (<200 bản sao/ml máu). Như vậy, tại Việt Nam có gần 95% người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV hiện nay không làm lây truyền HIV qua quan hệ tình dục cho bạn tình của họ.

“Đây là phát hiện quan trọng, nếu được truyền thông và quảng bá rộng rãi sẽ giúp người có hành vi nguy cơ tăng cường xét nghiệm sớm HIV. Người được chẩn đoán nhiễm HIV sống tích cực, tiếp cận sớm với dịch vụ điều trị và tuân thủ điều trị, xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ. Bằng chứng khoa học trên cũng giúp người cung cấp dịch vụ và cộng đồng giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”, bà Hương nhấn mạnh.

Đáng chú ý, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con đã giảm từ 10% (2011) xuống còn 2,6% vào tháng 6-2019. Số cơ sở điều trị ARV tăng từ 298 cơ sở (năm 2011) lên 453 cơ sở (năm 2019).

Kết quả các nghiên cứu, đánh giá về HIV kháng thuốc tại Việt Nam trong những năm gần đây cho thấy tình trạng HIV kháng thuốc ở Việt Nam ở mức độ thấp. Kết quả đánh giá gần nhất thực hiện năm 2017 cho thấy HIV kháng thuốc khi bắt đầu điều trị ARV thấp dưới 5%. HIV kháng thuốc mắc phải sau 12 tháng điều trị ARV là 3%, sau 48 tháng điều trị là 3,4%.

Tiến tới quản lý và điều trị sớm cho nhóm quần thể "ẩn"

Trước thực tế, mỗi năm Việt Nam có 10 nghìn người nhiễm mới HIV, Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long chia sẻ, làm thế nào để người nhiễm HIV thuộc nhóm quần thể “ẩn” như nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, người tiêm chích ma túy… được tiếp cận sớm với các biện pháp dự phòng và điều trị thuốc ARV là một thách thức. Đặc biệt, nhóm quan hệ nam đồng giới (MSM) lây truyền HIV đã tăng gấp bốn lần so với những năm trước đây. Hiện, Việt Nam có khoảng 200 nghìn người MSM – tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến dịch HIV diễn biến phức tạp trong thời gian tới.

“Kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Y Hà Nội cho thấy, nếu không được can thiệp dự phòng thì trong số 100 người nam quan hệ tình dục đồng giới chưa nhiễm HIV thì sau một năm sẽ có bảy người chuyển nhiễm HIV. Do đó, song song với việc mở rộng điều trị thuốc ARV, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho quần thể có nguy cơ cao nhiễm HIV như nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ…. Hiệu quả dự phòng nhiễm HIV của PrEP nếu tuân thủ tốt lên đến từ 95- 97%”, ông Long cho hay.

Ứng phó với nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm nhanh chóng, đặc biệt là với thuốc điều trị ARV, Việt Nam đã kịp thời chuyển đổi mô hình điều trị ARV từ các chương trình dự án tài trợ sang chi trả qua bảo hiểm y tế. PSG, TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: “Trong tổng số 142.000 bệnh nhân đang điều trị ARV thì chúng ta đã chuyển đổi thành công hơn 42 nghìn bệnh nhân chỉ trong có 6 tháng, từ tháng 3-2019 đến tháng 9-2019. Đây là thành công mà nhiều nước trên thế giới muốn tìm hiểu và học tập. Chúng ta sẽ tiếp tục chuyển đổi sang bảo hiểm y tế theo lộ trình cắt giảm của thuốc viện trợ để bảo đảm rằng khi không có thuốc viện trợ thì bệnh nhân vẫn tiếp tục được điều trị thuốc ARV đầy đủ và liên tục”.

Hội nghị đã thông tin về những kết quả của công tác điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam trong 20 năm qua, chia sẻ những khó khăn thách thức và định hướng trong thời gian tới. Tại hội nghị, còn có các chia sẻ đánh giá từ các cơ quan liên hiệp quốc, các tổ chức quốc tế, những người cung cấp dịch vụ điều trị HIV/AIDS, những người nhiễm HIV đang điều trị ARV và những tổ chức dựa vào cộng đồng. Những khuyến cáo mới về điều trị HIV/AIDS trên thế giới, biện pháp can thiệp dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc ARV cho những người có hành vi nguy cơ cao, điều trị HIV theo tình trạng bệnh, cung cấp và thanh toán ARV qua bảo hiểm y tế cũng được chia sẻ tại hội nghị.