Người dân không lo sợ bị lạm thu khi bệnh viện tự chủ

NDO -

NDĐT - Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế khẳng định, không có việc các bệnh viện tự chủ thì cứ tự động tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh, mà phải thực hiện theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.

Người dân không lo sợ bị lạm thu khi bệnh viện tự chủ

Khi các bệnh thực hiện tự chủ toàn diện thì liệu có xảy ra tình trạng lạm thu hoặc tăng giá dịch vụ y tế hay không? Người dân có phải bị mất đi quyền lợi được chăm sóc sức khỏe tại tuyến y tế cơ sở hay không? Đây là những băn khoăn của người dân khi đi khám sức khỏe tại các bệnh viện lớn, đặc biệt là tại bốn bệnh viện đang thí điểm tự chủ tự chịu trách nhiệm toàn diện gồm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện K theo Nghị quyết số 33 của Chính phủ.

Tự chủ nhưng không được lạm thu

Mới đây, tại buổi tọa đàm về “Tự chủ bệnh viện: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, thực hiện tự chủ bệnh viện với mục đích, một là bảo đảm việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân tốt hơn và ngày càng nâng cao chất lượng. Thứ hai, đơn vị tự chủ hoàn toàn sẽ tự quyết định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy và vấn đề tài chính, tạo ra được đội ngũ cán bộ chất lượng cao hơn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Tuy nhiên, tự chủ tài chính nếu không làm tốt, không có quy chế rành mạch thì dễ có nguy cơ một bộ phận nào đó trong bệnh viện lạm dụng và trục lợi. “Vì phải hạch toán tính đúng, tính đủ nên có thể anh tận thu dẫn tới chi phí khám, chữa bệnh cao”, ông Lợi cảnh báo.

Vì thế, ông Lợi cho rằng, các bệnh viện được giao quyền tự chủ nhưng nhiệm vụ của bệnh viện là phục vụ nhân dân, do đó không phải vì lấy lợi nhuận của bệnh viện để làm cho giá thành chi phí khám, chữa bệnh tăng lên không đúng với cái giá trị mà chính bản thân bệnh viện đó phục vụ cho người người bệnh.

“Những bệnh viện tự chủ này vẫn là bệnh viện công vẫn thuộc sở hữu của Nhà nước thì nhiệm vụ đầu tiên là phải hoàn thành được nhiệm vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Không vì chúng ta tự chủ mà chúng ta lại chỉ tập trung để giải quyết vấn đề phúc lợi mà không đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân, và không đúng với tinh thần Nghị quyết của Trung ương”, ông Lợi nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế khẳng định, không có việc các bệnh viện tự chủ thì cứ tự động tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh, mà phải thực hiện theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế. Hàng năm, sẽ có cơ quan kiểm tra giám sát, kiểm toán nhà nước thực hiện thanh, kiểm tra vấn đề tài chính của các cơ sở này.

"Bốn bệnh viện tự chủ đều là những cơ sở y tế có thương hiệu. Với vai trò là con chim đầu đàn trong ngành y tế, nhiệm vụ quan trọng của bốn bệnh viện này vẫn là bệnh viện hạt nhân để chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất của các bệnh viện này là phải khám chữa bệnh BHYT và vẫn phải thực hiện mức giá theo Bộ Y tế quy định, không được thu cao hơn”, ông Nguyễn Nam Liên cho biết.

Bộ Y tế hiện đang xây dựng Thông tư quy định khung giá tối đa về giá dịch vụ theo yêu cầu và sẽ hoàn thành trong thời gian tới để giao các đơn vị có thực hiện khám chữa bệnh dịch vụ theo yêu cầu triển khai, trong đó có bốn bệnh viện lớn trên.

Dự thảo Thông tư này khi được ban hành chỉ là hướng dẫn xây dựng giá và khung giá quy định, còn giá cụ thể của dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu vẫn do các bệnh viện tự quyết trong khung, vì giá này phụ thuộc vào từng bệnh viện và các loại dịch vụ khác nhau.

Bảo đảm quyền lợi đa dạng của người khám, chữa bệnh

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, ngành y tế cần nghiên cứu kỹ về số lượng người cần dịch vụ chất lượng cao là bao nhiêu để đáp ứng nhu cầu của người dân, tránh tình trạng chạy theo xã hội hóa, chạy theo tự chủ mà không chăm lo đến nâng cao sức khỏe nhân dân.

Bên cạnh đó, ông Lợi đề nghị Bộ Y tế phải nghiên cứu nhiều các gói dịch vụ bảo hiểm y tế ngoài gói bảo hiểm y tế cơ bản hiện nay để dù có xã hội hóa hay tự chủ thì quyền lợi của người có thẻ BHYT hay không có thẻ BHYT phải được hưởng lợi như nhau.

“Bộ Y tế phải nghiên cứu, khuyến khích mở rộng các gói dịch vụ y tế cao hơn do các công ty, các tổ chức y tế tư nhân, các tổ chức quỹ bảo hiểm tư nhân tham gia cùng với bảo hiểm xã hội. Gói dịch vụ y tế cơ bản của Nhà nước sẽ đáp ứng yêu cầu tối thiểu để không có một người nào bị bỏ rơi trong chăm sóc sức khỏe. Còn những người có thu nhập cao, có điều kiện có thể đóng cao hơn để hưởng gói dịch vụ cao hơn. Các nước hiện đang đi theo cách này và không bao giờ người ta đi theo cách chỉ có một gói dịch vụ y tế cơ bản như hiện nay chúng ta đang làm”, ông Lợi cho hay. Việc có nhiều gói dịch vụ y tế sẽ khuyến khích xã hội hóa, và như thế việc tự chủ bệnh viện sẽ đi đúng hướng hơn.

Hiện nay, Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế cũng đang xây dựng các gói BHYT bổ sung, đưa BHYT thương mại tham gia cùng với BHYT Nhà nước để bảo đảm quyền lợi của người khám, chữa bệnh với những phần mà BHYT Nhà nước chưa chi trả.