Năm 2019, không ghi nhận tai biến tiêm chủng do chất lượng vaccine

NDO -

NDĐT – Năm 2019, cả nước ghi nhận 23 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng. Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, những trường hợp này được tiêm chủng theo đúng quy trình và không ghi nhận tai biến do chất lượng vaccine.

Năm 2019, không ghi nhận tai biến tiêm chủng do chất lượng vaccine

Duy trì bền vững thành tựu tiêm chủng

Sau hơn 30 năm triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng, với việc đạt và duy trì tỷ lệ tiêm chủng cao trên 95%, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và bảo vệ thành công kết quả này từ đó đến nay.

Việt Nam đã loại trừ bệnh giun chỉ bạch huyết và đang nỗ lực tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét, bệnh sởi, bệnh dại và khống chế bệnh rubella. Đi đôi với việc duy trì và nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, chất lượng tiêm chủng ngày càng tốt hơn, tiêm chủng an toàn, tổ chức khám sàng lọc trước tiêm, theo dõi phát hiện sớm và xử trí kịp thời phản ứng sau tiêm chủng.

Trong năm qua, ngành y tế đã thực hiện các giải pháp tăng số ngày tiêm chủng tại trạm y tế xã, triển khai tiêm chủng lưu động. Việt Nam đã bổ sung thêm một loại vaccine 5 trong 1 mới có thành phần tương tự Quinvaxem và ComBE Five vào chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia và cho thấy hiệu quả trong phòng năm bệnh ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm màng não do vi khuẩn Hib. Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng Quốc gia được triển khai đến tất cả các điểm tiêm chủng trên toàn quốc.

Năm 2019, Việt Nam cũng lần đầu tiên nhập khẩu vaccine mới phòng viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa, nhiễm trùng huyết… do phế cầu khuẩn cho trẻ em và người lớn. Vaccine “phế cầu 13” do Tập đoàn dược phẩm và chế phẩm sinh học hàng đầu Pfizer (Mỹ) nghiên cứu sản xuất và đã được sử dụng tại hơn 100 quốc gia trên thế giới, được chứng minh phòng bệnh hiệu quả và an toàn cho trẻ em và người lớn.

Trước đó, Việt Nam chỉ có vaccine phòng bệnh do phế cầu khuẩn cho trẻ dưới 5 tuổi, trong khi tỷ lệ trẻ trên 5 tuổi và người lớn có nhu cầu tiêm phòng các bệnh nguy hiểm này là rất lớn, nhiều trường hợp bệnh nhân mắc bệnh phổi như lao phổi, tắc nghẽn phổi mãn tính COPD, bệnh tim mạch, tiểu đường, huyết áp… được chỉ định tiêm vaccine phòng bệnh mà không có vaccine để tiêm, nhiều người đã phải ra nước ngoài chỉ để tiêm.

vaccine “phế cầu 13” Prevenar được khuyến cáo có thể tiêm sớm cho trẻ từ 6 tuần tuổi với phác đồ ba mũi tiêm cơ bản và mũi tiêm nhắc cách mũi ba tối thiểu hai tháng. Trẻ từ 24 tháng tuổi, người trưởng thành và người cao tuổi chỉ cần tiêm một mũi duy nhất cho hiệu quả bảo vệ lâu dài.

Theo Cục Y tế dự phòng, tính đến 30-9, cả nước ghi nhận ghi nhận 41.837 trường hợp phản ứng thông thường và 23 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng. Theo đó, có 41.837 trường hợp phản ứng tại chỗ (sưng, nóng, đỏ đau tại vị trí tiêm), sốt <39oC và các triệu chứng khác.

Về tai biến nặng sau tiêm chủng, đến 30-9, ghi nhận 23 trường hợp trong chương trình tiêm chủng mở rộng và một trường hợp trong tiêm chủng dịch vụ. Các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng các vaccine trong Tiêm chủng mở rộng ghi nhận tại 16 tỉnh, thành phố, bao gồm: Bình Dương, Bình Định, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Gia Lai, Hà Nội, Lai Châu, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Sơn La, Tiền Giang, Thái Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Long.

Trong số 23 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng trong tiêm chủng mở rộng, ghi nhận 18 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vaccine ComBE Five (15 trường hợp sau tiêm vaccine ComBE Five và 3 trường hợp sau tiêm vaccine ComBE Five - OPV) trên tổng số 2.766.531 liều vaccine ComBE Five, 2.181.455 liều vaccine OPV đã sử dụng. Có bốn trường hợp tai biến nặng sau tiêm vaccine BCG trên tổng số 1.046.471 liều vaccine BCG đã sử dụng. Một trường hợp tai biến nặng sau tiêm vaccine Viêm não Nhật Bản trên tổng số 2.008.540 liều vaccine Viêm não Nhật Bản đã sử dụng.

Theo ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, các trường hợp tai biến nặng kể trên đã được Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vaccine cấp tỉnh và cấp Bộ Y tế họp đánh giá và kết luận, ghi nhận bốn trường hợp phản ứng phản vệ do đặc tính cố hữu của vaccine (17,4%); chín trường hợp do trùng hợp ngẫu nhiên (39,1%); 10 trường hợp không rõ nguyên nhân (43,5%).

“Không ghi nhận trường hợp nào thuộc một trong ba nhóm nguyên nhân: do chất lượng vaccine, do thực hành tiêm chủng, do lo sợ. Các trường hợp tai biến nặng đều được tiêm chủng theo đúng quy trình”, ông Tấn cho hay.

Về tình hình tai biến nặng trong tiêm chủng dịch vụ, đến 30-09, ghi nhận một trường hợp tử vong sau tiêm chủng vaccine Hexaxim tại tỉnh Bắc Ninh. Trường hợp này đã được tiến hành điều tra và hội đồng tư vấn chuyên môn cấp tỉnh và cấp Bộ Y tế kết luận trẻ tử vong không rõ nguyên nhân.

Phòng bệnh cho nhân viên y tế

Năm 2019, lần đầu tiên Bộ Y tế thực hiện tiêm chủng phòng cúm mùa cho nhân viên y tế. Tại Việt Nam, hàng năm ghi nhận 1,6-1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm. Trong đó, nhóm nhân viên y tế là một trong số các nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cúm cao nhất và cũng là một trong những mắt xích liên quan đến việc lây truyền vi rút cúm sang nhóm bệnh nhân được họ chăm sóc và điều trị.

Do đó, năm 2019, Chương trình hợp tác giới thiệu sử dụng vaccine cúm (PIVI) do Trung tâm dự phòng, kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ nhóm hành động vì sức khỏe toàn cầu (TFGH) đã hỗ trợ Việt Nam 21 nghìn liều vaccine Vaxigrip của Nhà sản xuất Sanofi Pasteur để triển khai tiêm chủng cho nhân viên y tế tại bốn tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Khánh Hòa, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đắk Lắk.

Chương trình tiêm vaccine này đã được triển khai trong hai tháng, tháng 7 và 8-2019 cho gần 21 nghìn nhân viên y tế tại 153 cơ sở y tế của bốn tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Khánh Hòa, Bà Rịa Vũng Tàu và Đắk Lắk. Tỷ lệ tiêm chủng đạt mục tiêu đề ra là 90%.

"Sử dụng vaccine cúm là biện pháp dự phòng hiệu quả làm giảm 89% nguy cơ lây nhiễm cúm ở người khỏe mạnh, 78% số ngày nghỉ việc ở những người có độ tuổi làm việc, giảm 57% nguy cơ nhập viện và 67% nguy cơ tử vong ở tuổi già, giảm 85% nguy cơ bị hội chứng cúm và giảm 41% nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em", Cục Y tế dự phòng cho hay.

Với sự hỗ trợ của PIVI, năm 2020, Bộ Y tế tiếp tục mở rộng triển khai tiêm vaccine cúm mùa cho nhân viên y tế tại 24 tỉnh, thành phố sử dụng vaccine cúm mùa do Việt Nam sản xuất đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký lưu hành. Đây là một chương trình hiệu quả nhằm tạo miễn dịch bảo vệ phòng bệnh cúm mùa cho các nhân viên y tế, hỗ trợ cho việc chuẩn bị sẵn sàng phòng chống đại dịch nếu có, đồng thời cũng tạo điều kiện phát triển sản xuất vaccine trong nước nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân Việt Nam.