Khoanh vùng dập dịch Covid-19: Nhìn từ kinh nghiệm Sơn Lôi

NDO -

NDĐT – Bố trí một cơ sở y tế chuyên khoa riêng điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, thực hiện quản lý người dân chặt chẽ tại địa phương là kinh nghiệm thành công của Sơn Lôi, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc trong việc khống chế được sự lây lan của dịch bệnh.

PGS, TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.
PGS, TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

PGS, TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhấn mạnh, mục đích của việc tiến hành cách ly cả một vùng dịch chính là để khoanh vùng, cô lập toàn bộ vùng dịch, dập dịch triệt để không để nguồn bệnh có thể thoát ra ngoài và không để nó lấy lan sang các địa phương khác.

Hai tuần trước, xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc chính là một tâm điểm dịch của Việt Nam vì chỉ trong một thời gian ngắn xã Sơn Lôi ghi nhận sáu trường hợp mắc mới và nguy hiểm hơn dịch đã có biểu hiện lây lan trong cộng đồng. Đó là lần đầu tiên ghi nhận sự lây nhiễm trong hộ gia đình, sau đó lây lan sang họ hàng và lây lan sang hàng xóm.

“Việc có dịch lây lan trong cộng đồng tại xã Sơn Lôi đặt ra vấn đề uy hiếp rất lớn lây lan dịch từ địa phương này ra toàn bộ khu vực các tỉnh/thành phố chung quanh Vĩnh Phúc cũng như các địa phương khác trong cả nước vì sự di chuyển, giao lưu của người từ vùng có dịch ra bên ngoài là rất phức tạp, không kiểm soát được. Chính vì vậy chúng tôi cho rằng quyết định thực hiện khoanh vùng cách ly y tế toàn bộ xã Sơn Lôi là một quyết định rất đúng đắn, kịp thời và trách nhiệm. Việc khoanh vùng này, không chỉ là việc chống dịch riêng cho tỉnh Vĩnh Phúc mà chính là thể hiện trách nhiệm cao của tỉnh Vĩnh Phúc với cả nước”, ông Dương nói.

Theo đó, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã lập danh sách toàn bộ các hộ gia đình xã Sơn Lôi với 10 nghìn nhân khấu. 60 người trong xã chia làm 30 nhóm, mỗi nhóm hai người phụ trách từ 60 - 80 hộ. Các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại hộ gia đình nhóm giám sát sẽ cho bệnh nhân đeo khẩu trang ngay và lập tức báo cáo bằng điện thoại cho Trạm Trưởng trạm y tế xã để phối hợp đưa bệnh nhân đi cách ly và lây mẫu bệnh phẩm.

Bên cạnh đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng yêu cầu y tế tuyến huyện và xã rà soát lại và lập danh sách một lần nữa tất cả những người tiếp xúc gần với ca bệnh xác định và ca bệnh nghi ngờ trước đây để tổ chức cách ly tại Trạm y tế xã. Viện phân công cán bộ của CDC tuyến tỉnh và huyện trực cắm chốt tại Trạm y tế xã 24/24 giờ để nắm bắt thông tin dịch bệnh, đồng thời bố trí hai xe cứu thương - một xe để vận chuyển bệnh nhân cấp cứu những bệnh thông thường và một xe cứu thương chuyên để vận chuyển những ca nghi ngờ mắc bệnh lên các cơ sở cách ly.

PGS, TS Trần Như Dương, cho biết, các cán bộ y tế đã phân loại các nhóm đối tượng và các lớp cách ly một cách rõ ràng. Những đối tượng nếu dương tính sẽ đưa vào cách ly nghiêm ngặt tại Phòng khám đa khoa Quang Hà. Những đối tượng nghi ngờ, sau 14 ngày cách ly tại cơ sở tập trung, sẽ được tiếp tục cách ly tại nhà bảy ngày, bảo đảm an toàn cho cộng đồng.

Xác định hiện nay đang là mùa cúm, vì thế việc phải sàng lọc và cách ly bệnh nhân cúm riêng ra khỏi cộng đồng rất quan trọng. Chính vì vậy, ngoài xét nghiệm SARS-CoV-2, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng xét nghiệm cả tác nhân cúm đối với những trường hợp có biểu hiện ho, sốt tại Sơn Lôi. “Cúm rất dễ lây lan, triệu chứng cũng tương tự nên nếu không cho cách ly mà cứ để ở cộng đồng sẽ gây nhiễu và phức tạp cho quá trình giám sát Covid-19 tại vùng cách ly”, ông Dương nói.

Nhìn từ bài học bùng phát Hàn Quốc, PGS, TS Trần Như Dương cho hay, kinh nghiệm rút ra phải có nơi điều trị chuyên biệt giúp tập trung mọi nguồn lực cho công tác điều trị tốt hơn, giúp triển khai phòng chống lây nhiễm tại cơ sở y tế được tập trung, quyết liệt hơn. “Tại Hàn Quốc vừa rồi do việc cách ly và điều trị bệnh nhân Sars-CoV tại cơ sở y tế đa khoa, chung đụng với cả khám và điều trị bệnh nhân khác nên dịch đã lan ra, lây nhiễm cho 100 bệnh nhân khác”, ông Dương nói.