Khai báo y tế toàn dân giúp kiểm soát tốt hơn dịch Covid-19

NDO -

NDĐT – Từ sáng nay, toàn dân sẽ thực hiện khai báo y tế để giúp các cơ quan thẩm quyền kiểm soát tốt các yếu tố liên quan đến diễn biến dịch Covid-19.

(Ảnh: VOV)
(Ảnh: VOV)

Ngày 9-3, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) và Bộ Y tế đã ra mắt hai ứng dụng: Ứng dụng NCOVI dành cho người dân Việt Nam và ứng dụng Vietnam Health Declaration dành cho người nhập cảnh vào Việt Nam. Các chỉ dẫn trên hai ứng dụng là thông tin chính thức của Nhà nước về tình hình dịch bệnh, là các chỉ dẫn của Nhà nước, của cơ quan y tế trong các tình huống khác nhau của dịch bệnh. Các thông tin mà người dân cung cấp trên hai ứng dụng sẽ được quản lý chặt chẽ, chỉ phục vụ mục đích duy nhất là giúp nhân dân chống dịch, không sử dụng cho mục đích thương mại, được bảo đảm an toàn thông tin và bí mật riêng tư cá nhân. Tập hợp những thông tin, dữ liệu do người dân cung cấp trên hai ứng dụng sẽ là cơ sở, là sự hỗ trợ lớn cho việc ra các quyết định của Chính phủ và cơ quan y tế trong công tác phòng chống dịch.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, việc khai báo y tế này thực hiện tương tự như áp dụng tờ khai y tế điện tử với các khách nhập cảnh đến/về từ tất cả các quốc gia.

Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm đáp ứng sự kiện y tế công cộng khẩn cấp (Bộ Y tế), hai ứng dụng này phần mềm (app) riêng để người dân cài đặt trên điện thoại và vào cung cấp thông tin y tế cá nhân. Các thông tin sẽ rất cơ bản, ngắn gọn về tên, tuổi, địa chỉ, số thẻ bảo hiểm y tế, tình trạng sức khỏe (bệnh mãn tính/có hay không biểu hiện ho, sốt, khó thở…). Tình trạng tiếp xúc với người có nghi mắc/mắc Sars-CoV-2; việc đi/về nhập cảnh từ vùng có dịch...

Căn cứ trên thông tin được cập nhật, cơ quan y tế tại địa bàn sẽ nắm bắt cơ bản diễn biến sức khỏe cá nhân, kịp thời liên lạc, hỗ trợ theo dõi sức khỏe trong tình huống cần thiết, chú trọng những trường hợp có yếu tố nguy cơ như có liên quan ca bệnh Sars-CoV-2, tiếp xúc gần, tiếp xúc với người tiếp xúc gần ca bệnh, đi về từ vùng có dịch.... Sau khi đã khai như vậy, khi có biểu hiện bệnh, người dân không cần đi tới cơ sở y tế mà sẽ có cán bộ y tế qua lời khai đó, sẽ tới thăm khám tại nhà, giúp đỡ trong các việc theo dõi, giám sát, phòng chống bệnh.

Trong quá trình thực hiện khai báo y tế toàn dân có thể xảy ra tình huống khai báo không trung thực. Tuy nhiên, với nghiệp vụ riêng, cơ quan chức năng sẽ phát hiện được các tình huống liên quan yếu tố nguy cơ.

“Khai báo y tế là phục vụ phòng chống dịch, đòi hỏi sự tự giác, sự vào cuộc của mỗi cá nhân vì sức khỏe bản thân và cộng đồng. Thông tin khai báo y tế lưu giữ trên hệ thống mạng, cơ quan thẩm quyền có thể tra cứu trực tuyến. Đây là một trong những công cụ giúp kiểm soát các yếu tố liên quan diễn biến dịch. Khai báo trung thực giúp phát hiện sớm, giúp cách ly khoanh vùng ổ dịch kịp thời (nếu có ca bệnh), ngăn chặn dịch bệnh lây lan”, ông Phu cho hay.

Về những tình huống có thể nảy sinh như người dân khai không trung thực như một người có các biểu hiện sốt, ho, khó thở... nhưng không khai, giấu bệnh, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, với nghiệp vụ riêng, cơ quan chức năng sẽ phát hiện được các tình huống liên quan yếu tố nguy cơ. Mỗi cá nhân khai báo y tế cho bản thân hoặc khai báo hộ cho thành viên trong gia đình (với trẻ nhỏ, người không đủ điều kiện sức khỏe trực tiếp khai báo) sẽ chịu trách nhiệm về tính trung thực khi khai báo. Nếu khai báo không trung thực ảnh hưởng đến phòng chống dịch sẽ bị xử phạt.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, phải đối phó với nguồn lây từ rất nhiều quốc gia khác, ngay cả một chuyến bay của nước ta trở về cũng đã có một loạt ca mắc, Việt Nam nếu không làm tốt, những trường hợp đó lây lan trong cộng đồng thì dịch sẽ bùng phát trong chính nội địa của nước ta. Do đó, ông Phu cho rằng việc quan trọng hiện nay là phát hiện các bệnh dịch tại chỗ, sau đó tổ chức cách ly, khoanh vùng gọn.

PGS, TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh, mỗi người dân cần thế hiện trách nhiệm của mình trong việc chống dịch, chung tay cùng cả nước. Người dân nên vào trang web của Bộ Y tế để theo dõi thông tin; biết khai báo trung thực, thực hiện các biện pháp phòng chống ô nhiễm, khử khuẩn, vệ sinh môi trường cá nhân, đặc biệt rửa tay với xà phòng. “Thay vì hoang mang, lo lắng không cần thiết, người dân hãy chủ động bảo vệ sức khỏe cho mình. Đó là biện pháp tốt nhất để phòng dịch”, ông Phu nói.