Hướng đến mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét

Để hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030, công tác phòng, chống bệnh cần tiếp tục được sự đầu tư hơn nữa từ Chính phủ, chính quyền các địa phương, nhất là sự tham gia tích cực và chủ động của người dân tại cộng đồng.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) phun hóa chất diệt muỗi tại xã Krông Na. Ảnh: BÌNH TRUNG
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) phun hóa chất diệt muỗi tại xã Krông Na. Ảnh: BÌNH TRUNG

Theo số liệu báo cáo của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư (Bộ Y tế) cho thấy: Năm 2019, công tác phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét (SR) ở nước ta tiếp tục thu được những kết quả quan trọng như giảm cả về số người bệnh SR trên toàn quốc giảm, ký sinh trùng SR giảm; cũng như tỷ lệ ký sinh trùng SR/1.000 dân... Từ năm 2010 đến năm 2019, số người chết do bệnh SR ở Việt Nam đều giảm, riêng năm 2019 không có người chết do SR, điều đó cho thấy hiệu quả công tác giám sát phát hiện và điều trị tại tất cả các tuyến. Bên cạnh đó, người bệnh mắc SR ác tính không tăng.

Đáng chú ý, lần đầu tiên tại Việt Nam công bố và trao giấy chứng nhận loại trừ bệnh SR cho 25 tỉnh, thành phố, gồm: Sơn La, Yên Bái, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, TP Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, TP Đà Nẵng, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ và Hậu Giang. Đây là các địa phương đã triển khai tốt công tác phòng, chống SR, đạt tiêu chí loại trừ bệnh SR của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Dự án quốc gia phòng, chống SR.

Tuy nhiên, hiện nay tình hình bệnh SR vẫn còn diễn biến phức tạp tại một số địa phương, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ, miền trung, Tây Nguyên (Gia Lai, Phú Yên, Bình Phước, Đắk Lắk, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông, Quảng Trị…). Theo PGS, TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư, khó khăn lớn nhất trong công tác phòng, chống và loại trừ SR ở các địa phương hiện nay chủ yếu là do tập quán người dân đi rừng, ngủ rẫy; dân di biến động giữa các vùng trong nước, hoặc với các nước láng giềng phức tạp, khó quản lý; tình trạng ký sinh trùng SR kháng thuốc... Mặt khác, thói quen lao động, ăn uống, sinh hoạt chưa hợp vệ sinh tạo điều kiện cho bệnh ký sinh trùng phát triển trong cộng đồng.

Đáng chú ý, người dân tại vùng SR lưu hành, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, người lao động thời vụ tại nương rẫy chưa tích cực tham gia công tác phòng, chống SR như không phun hóa chất tồn lưu; đi nương rẫy nằm ngủ không mắc màn, không uống thuốc đúng, đủ liều khi bị bệnh. Ngoài ra, công tác giám sát, quản lý phòng, chống SR cho đối tượng là dân di biến động vẫn là một thách thức lớn đối với công tác loại trừ SR hiện nay. Trong khi đó, muỗi truyền bệnh SR có sự thay đổi tập tính, muỗi kháng hóa chất, cho nên công tác phòng, chống SR gặp nhiều khó khăn; chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm, đầu tư đúng mức và kịp thời cho công tác phòng, chống SR tại địa phương…

Việc thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh SR tại Việt Nam vào năm 2030 đã được đưa vào Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành T.Ư về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; đồng thời thực hiện tốt các chỉ tiêu Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016 - 2020, công tác phòng, chống và loại trừ SR trong năm 2020 và trong những năm tới cần tiếp tục tập trung vào các giải pháp cụ thể đã đề ra. Theo đó, các địa phương cần đẩy mạnh giám sát, phát hiện và điều trị kịp thời người bệnh SR; sử dụng thuốc thay thế hiệu quả tại những vùng có SR kháng thuốc. Bảo đảm người bệnh SR và người có nguy cơ mắc bệnh SR được xét nghiệm chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Đối với các tỉnh, thành phố đạt tiêu chuẩn loại trừ SR, cần xây dựng kế hoạch để duy trì bền vững kết quả đã đạt được; tiếp tục triển khai các hoạt động giám sát nhằm duy trì tình trạng không có SR, tập trung giám sát, phát hiện SR ngoại lai và ngăn ngừa bệnh SR quay trở lại.

Tại các tỉnh thực hiện loại trừ SR theo kế hoạch năm 2020 cần tập huấn, hướng dẫn cho các tuyến về tiêu chí loại trừ, hồ sơ, thủ tục công bố loại trừ để hoàn thành thủ tục và công bố loại trừ vào cuối năm 2020. Đối với các địa phương có bệnh SR lưu hành, nhất là các vùng trọng điểm về SR và SR kháng thuốc, chính quyền các cấp và ngành y tế địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí hằng năm cho công tác này theo phân cấp; đáp ứng nhu cầu về nguồn lực cho công tác phòng, chống và loại trừ SR ở địa phương. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, nâng cao sức khỏe để người dân chủ động phòng, chống SR cho bản thân, gia đình và cộng đồng một cách hiệu quả…