Giao lưu trực tuyến về nhận biết và xử trí sớm bệnh viêm gan B

NDO -

NDĐT – Đúng 9 giờ sáng 13-12, Báo Nhân Dân điện tử phối hợp với Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến với nội dung “Nhận biết và xử trí sớm viêm gan B”, giúp độc giả quan tâm có được những kiến thức cơ bản và thông tin về những phương pháp điều trị mới bệnh viêm gan B.

Giao lưu trực tuyến về nhận biết và xử trí sớm bệnh viêm gan B

Việt Nam có tới 15% dân số mắc bệnh viêm gan B và còn số lượng người dân khá lớn không biết mình mắc bệnh viêm gan B, bỏ qua tầm soát thường xuyên, bỏ qua điều trị theo đúng phác đồ khiến họ gặp nhiều hệ lụy trong sức khỏe như xơ gan, hôn mê gan, suy gan cấp, ung thư gan…

Bệnh viêm gan virus là bệnh truyền nhiễm phổ biến, gây ra các hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và tử vong do các biến chứng của viêm gan virus. Tuy nhiên, viêm gan virus B có thể dự phòng và điều trị được. Hiện nay, Việt Nam đã có những phác đồ điều trị mới, hiệu quả trong việc ức chế được sự nhân lên của virus, làm giảm nồng độ virus trong máu, giảm các triệu chứng của bệnh, hạ men gan và quan trọng là phải chặn nguy cơ biến chứng xơ gan, ung thư gan.

Nhằm giúp người dân nhận biết sớm để điều trị sớm, Báo Nhân dân điện tử và Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế tổ chức giao lưu trực tuyến với ba vị khách mời là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y tế dự phòng, vệ sinh dịch tễ.

Các khách mời tham gia giao lưu trực tuyến gồm:

- TS Trần Đại Quang, Chuyên viên Cục Y tế dự phòng

- TS, BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương

- TS, BS Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai

Giao lưu trực tuyến về nhận biết và xử trí sớm bệnh viêm gan B ảnh 1

Trưởng Ban Nhân Dân điện tử Nguyễn Ngọc Thanh phát biểu:

Kính thưa quý vị đại biểu

Trước hết, tôi xin thay mặt Ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân Dân trân trọng cảm ơn các chuyên gia, các vị khách mời đã có mặt tại buổi Giao lưu trực tuyến ngày hôm nay.

Kính thưa quý vị, đại biểu

Bệnh lý viêm gan nói chung và viêm gan B nói riêng được coi là sát thủ thầm lặng bởi tính âm thầm tấn công gan và phát bệnh đôi khi không biểu hiện ra triệu chứng bên ngoài. Do đó, nhiều bệnh nhân không biết mình bị bệnh, đến khi cấp cứu thì bệnh đã trở nên trầm trọng, thậm chí chớm xơ gan.

Hiện có tới 10-15% dân số Việt Nam mắc viêm gan B. Viêm gan B làm tăng nguy cơ phát triển thành ung thư biểu mô tế bào gan 100 lần. Khoảng 80% các trường hợp mắc ung thư biểu mô tế bào gan trên thế giới và 70% ở Việt Nam là do virus HBV gây ra. Mỗi năm có khoảng 0,5% những người nhiễm virus viêm gan B mạn tính sẽ phát triển thành ung thư gan (HCC).

Tuy đã có vaccine phòng bệnh nhưng viêm gan B vẫn đang là gánh nặng cho ngành y tế và người bệnh. Các loại thuốc kháng virus chỉ có tác dụng kìm hãm sự nhân lên của virus mà không có khả năng tiêu diệt loại virus này. Chính vì vậy, người mắc viêm gan B thường phải chấp nhận thời gian điều trị kéo dài, có thể là 1-2 năm, thậm chí lên đến vài chục năm hoặc cả đời.

Có một điều đáng lưu ý hiện nay, Việt Nam nằm trong vùng lưu hành dịch tễ cao của virus viêm gan B và có đến 90% người bị viêm gan không biết được tình trạng bệnh, không được tầm soát, quản lý và điều trị bệnh.

Do đó, để giảm đi chi phí điều trị viêm gan B, giảm đi những gánh nặng cho người bệnh, các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất là phải nâng cao được nhận thức của toàn dân về bệnh, từ đó ngăn chặn sự lây lan của bệnh cũng như giúp người dân điều trị bệnh hiệu quả hơn.

Vì thế, ngày hôm nay, Báo Nhân Dân điện tử tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Phát hiện và xử trí sớm bệnh viêm gan B” với sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này và bác sĩ trong lĩnh vực truyền nhiễm nhằm giải đáp những thắc mắc của độc giả, giúp độc giả nhận diện về căn bệnh viêm gan B, cung cấp thông tin về phương pháp điều trị mới có tỷ lệ thành công cao hiện nay cũng như thông tin về những chính sách mới nhất của Bộ Y tế trong việc tăng cường sàng lọc sơ sinh, ban hành Kế hoạch hành động quốc gia tiến tới loại trừ lây truyền viêm gan B.

Giao lưu trực tuyến về nhận biết và xử trí sớm bệnh viêm gan B ảnh 2

Bạn đọc Mai Thoa (Thanh Xuân, Hà Nội): Mọi người cứ gọi viêm gan do virus B là sát thủ thầm lặng. Xin ông cho biết, vì sao lại gọi là sát thủ thầm lặng. So với các bệnh mãn tính không lây khác, người mắc viêm gan B sẽ phải đối mặt với những vấn đề nào của sức khỏe?

Giao lưu trực tuyến về nhận biết và xử trí sớm bệnh viêm gan B ảnh 3

TS Trần Đại Quang: Cùng với virus viêm gan C, virus viêm gan B được coi là những "sát thủ thầm lặng" vì triệu chứng rất kín đáo, bệnh nhân không phát hiện ra.

Trong giai đoạn cấp, bệnh nhân có thể chán ăn, mệt mỏi, da vàng, đau tức vùng hạ sườn phải. Khi chuyển sang giai đoạn mạn tính thì bệnh có các triệu chứng khá mơ hồ, dễ nhầm sang bệnh lý đường tiêu hóa như: mệt mỏi, chán ăn, đầy tức thượng vị, nước giải sẫm màu... Bệnh tiến triển nhiều năm, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì dễ dẫn đến biến chứng xơ gan, ung thư gan. Chỉ có cách tiến hành xét nghiệm máu mới phát hiện được bệnh, nhưng đa số bệnh nhân đến xét nghiệm và điều trị muộn khi đã biến chứng thành xơ gan hoặc ung thư gan.

Mặc dù đã có phác đồ điều trị và vaccine phòng bệnh nhưng viêm gan B vẫn đang là gánh nặng lớn cho ngành y tế và người bệnh vì bệnh cần phải theo dõi và điều trị suốt đời.

Ngoài những yếu tố về mặt bệnh lý bên trên, những hạn chế trong nhận thức của người bệnh trong viêm gan virus B đã làm cho căn bệnh trở nên "thầm lặng" hơn.

Bạn đọc Trần Hoàng Nam: Thưa bác sĩ, triệu chứng điển hình nào để biết mình mắc viêm gan B? Bởi vì nếu chờ vàng da, vàng mắt thì hình như triệu chứng có vẻ hơi muộn đúng không ạ? Những đối tượng nào cần phải đi tầm soát viêm gan B, thưa bác sĩ?

Giao lưu trực tuyến về nhận biết và xử trí sớm bệnh viêm gan B ảnh 4

TS, BS Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai:

Người bệnh chẩn đoán viêm gan B cấp thường có các triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, da mắt vàng, tiểu sẫm màu. Tuy nhiên rất nhiều trường hợp người bệnh không có triệu chứng mà thường chỉ phát hiện được khi làm xét nghiệm chức năng gan (AST, ALT) và các xét nghiệm viêm gan B. Tất cả những người chưa được xét nghiệm kiểm tra viêm gan B cần được xét nghiệm sàng lọc viêm gan B đặc biệt là những người có nguy cơ lây nhiễm cao viêm gan B như nhân viên y tế, những người tại các cơ sở chăm sóc, người làm công tác quản giáo, người trong gia đình có người nhiễm virus viêm gan B.

Bạn đọc Huỳnh Cẩm Tú (TP Hồ Chí Minh): Việt Nam là một trong số những quốc gia có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B cao nhất trong khu vực. Theo chuyên gia, lý do vì sao việc khống chế viêm gan tại Việt Nam chưa thật sự có được những kết quả như mong muốn?

TS Trần Đại Quang, Cục Y tế dự phòng: Việt Nam là một trong số nước trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của gánh nặng bệnh tật do bệnh viêm gan virus. Theo ước tính của Bộ Y tế năm 2017, có khoảng 7,8 triệu người nhiễm virus viêm gan B tại Việt Nam và có số mắc cao thứ 2 trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Virus viêm gan B diễn biến âm thầm gây nên các biến chứng nguy hiểm như viêm gan, xơ gan, ung thư gan ảnh hưởng lớn với sức khỏe cộng đồng.

Mặc dù vậy, trong một thời gian dài chúng ta chưa có quan tâm đúng mức về bệnh viêm gan virus nói chung và viêm gan virus B nói riêng nên chưa có các chiến lược tổng thể, giải pháp cụ thể, hiệu quả để khống chế căn bệnh này. Năm 2015, Bộ Y tế ban hành kế hoạch phòng chống viêm gan giai đoạn 2015-2019 và trong thời gian sắp tới sẽ ban hành kế hoạch giai đoạn 2020-2025 trong đó tập trung vào các vấn đề trọng điểm để kiểm soát và phòng ngừa viêm gan virus như tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội; tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp chuyên môn kỹ thuật nhằm phòng ngừa hiệu quả việc lây truyền virus; nâng cao khả năng tiếp cận, bao phủ tiêm chủng vaccine viêm gan B; tiếp cận dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán và chăm sóc điều trị đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ về vấn đề thuốc, sinh phẩm, bảo hiểm y tế…

Bạn đọc Hoàng Lan Anh (Vĩnh Phúc): Ông có thể cho biết, tại Việt Nam, độ bao phủ vaccine viêm gan B và tỷ lệ tiêm mũi sau sinh đạt tỷ lệ như thế nào. Việc tiếp cận với các thuốc này vẫn còn hạn chế do chi phí điều trị hiện còn cao so với khả năng chi trả của nhiều người bệnh, không biết việc tiêm này đã được đưa về tận tới các cơ sở y tế tuyến huyện, nhất là những vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

TS, BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương: Hiện tại độ bao phủ vaccine viêm gan B liều 3 đạt hơn 90% trên quy mô toàn quốc tuy nhiên tỉ lệ tiêm mũi sau sinh chỉ mới đạt xung quanh 80% do còn một tỷ lệ khá cao hoãn tiêm hoặc sinh ngoài cơ sở y tế do đó cần có những chiến lược mạnh mẽ hơn như tiêm kèm theo theo dõi tại bệnh viện, tiêm chủng tại nhà…
Việc tiếp cận với thuốc điều trị đúng là còn khó khăn tại nhiều địa phương, tuy nhiên đã có quy định về chi trả trong bảo hiểm, các thuốc trong bảo hiểm cũng đủ tốt cho điều trị viêm gan B và đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn được hỗ trợ miễn phí bảo hiểm nên hoàn toàn có thể tiếp cận được.

Bạn đọc Đỗ Thùy Linh (Yết Kiêu, Hà Nội): Thưa ông, hiện nay tình trạng người dân Việt Nam vẫn còn có thói quen dùng chung đồ như dùng chung dao cạo râu, đi làm răng, xăm trổ, làm nail mà những dụng cụ này chưa được sát trùng đúng cách… Liệu những nguy cơ lây nhiễm viêm gan B từ những việc này có cao không?

TS, BS Phạm Quang Thái: Tất cả những hành vi dùng chung này đều tiềm tàng nguy cơ lây nhiễm cho những người chưa có miễn dịch bảo vệ chưa nói đến việc mắc các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm khác. Do viêm gan B lây truyền qua máu và dịch tiết, nồng độ virus bài tiết ra cũng cao hơn các bệnh truyền nhiễm khác như HIV nên khả năng lây nhiễm của VGB có thể nói cao gấp rất nhiều lần so với HIV khi có cùng hành vi nguy cơ.

Bạn đọc Sầm Minh Thắng (Hà Nam): Hằng năm, cơ quan tôi có cho đi khám sức khỏe định kỳ và có xét nghiệm virus viêm gan B, nhưng lại không bao giờ được lưu ý làm các xét nghiệm máu liên quan đến virus viêm gan C và các virus viêm gan khác. Vì sao chúng ta lại chỉ quan tâm mỗi viêm gan B như hiện nay ạ?

TS, BS Nguyễn Văn Dũng: Hiện nay nhiều cơ sở y tế thường chỉ xét nghiệm sàng lọc viêm gan B, nhưng trên thực tế cũng có nhiều cơ sở và các thầy thuốc cũng như người bệnh không chỉ quan tâm đến xét nghiệm viêm gan B mà còn đã quan tâm đến xét nghiệm sàng lọc viêm gan C. Lý do là các thầy thuốc và người dân đã biết về viêm gan B thông qua các nhân viên y tế khi người bệnh đến khám bệnh; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như báo, truyền hình, phát thanh... Theo đó, các thầy thuốc và người dân sẽ chủ động xét nghiệm sàng lọc virus viêm gan B.

Giao lưu trực tuyến về nhận biết và xử trí sớm bệnh viêm gan B ảnh 5

Bạn đọc Triệu Minh Châu (Hoàn Kiếm, Hà Nội): Tỷ lệ người chưa được phát hiện mắc viêm gan B tại Việt Nam có lớn hay không? Người dân như chúng tôi cần làm gì để phát hiện được bệnh sớm và điều trị?

TS Trần Đại Quang, Cục Y tế dự phòng: Hiện nay chúng ta chưa có số liệu chính thức về tỷ lệ người chưa được phát hiện mắc viêm gan B, tuy nhiên theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới, có khoảng 95% người bị bệnh viêm gan virus không biết tình trạng nhiễm của mình do thiếu nhận thức và hạn chế trong tiếp cận dịch vụ xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán. Theo kết quả ước tính của Bộ Y tế năm 2017, trong tổng số 7,8 triệu người nhiễm virus viêm gan B mạn tính, có khoảng 3,2 triệu người đủ tiêu chuẩn điều trị. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1,3 triệu người được chẩn đoán. Ngoài ra, trong số khoảng gần 700 nghìn trường hợp được chẩn đoán và đủ tiêu chuẩn điều trị thì chỉ có khoảng 43 nghìn trường hợp đang được điều trị. Như vậy, có khoảng trống rất lớn của những người nhiễm virus viêm gan B mạn tính nhưng chưa được chẩn đoán và chưa được điều trị.

Để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, người dân thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, chủ động thực hiện xét nghiệm sàng lọc để phát hiện sớm và khi bị chẩn đoán mắc bệnh cần đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời giảm nguy cơ mắc các biến chứng như viêm gan, xơ gan và ung thư gan. Để phòng lây truyền virus viêm gan B, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp dự phòng như tiêm chủng đầy đủ vaccine viêm gan B liều sơ sinh và cho trẻ dưới một tuổi, chủ động tiêm phòng vaccine cho bản thân và người thân trong gia đình; không dùng chung dụng cụ tiêm, truyền, không dùng chung dụng cụ sinh hoạt cá nhân như bàn chải, dao cạo râu…; quan hệ tình dục an toàn; không tiêm chích ma túy, không dùng chung bơm kim tiêm hoặc dụng cụ tiêm chích.

Bạn đọc Huyền Thanh (124 Nguyễn Ngọc Nại - Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội): Tôi bị viêm gan B cấp đã điều trị và khi đi xét nghiệm ngoài sáu tháng kể từ khi bị bệnh đã cho kết quả âm tính và lượng virus dưới ngưỡng phát hiện . Vậy hỏi tôi đã hoàn toàn khỏi bệnh viêm gan B chưa hay nó đang ở thể nào và có gì cần chú ý không ạ?

TS, BS Phạm Quang Thái: Việc điều trị chỉ được coi là khỏi khi có sự chuyển đổi huyết thanh (có kháng thể kháng virus trong máu). Việc lượng virus dưới ngưỡng chỉ thể hiện là bạn đáp ứng tốt với thuốc điều trị và virus đã bị khống chế. Bạn cần định lượng kháng thể nếu muốn chắc chắn mình đã khỏi bệnh. Nếu chưa có kháng thể thì cần tiếp tục theo dõi tải lượng trong thời gian tới với khoảng sáu tháng một lần đánh giá lại.

Bạn đọc Nguyễn Thị Lan Anh (Quảng Ninh): Thưa bác sĩ, chồng cháu mắc virus viêm gan B. Cháu đi xét nghiệm thì bản thân không bị lây. Tuy nhiên, cháu muốn hỏi về khả năng lây sang con là như thế nào. Cháu cần phải làm gì để không lây virus viêm gan B sang con? Và nếu cháu vô tình bị lây viêm gan B từ chồng, thì khi sinh con, khả năng bị mắc viêm gan B có cao không?

TS, BS Nguyễn Văn Dũng: Virus viêm gan B là bệnh lây truyền thông qua máu và các chế phẩm máu, dụng cụ y khoa hoặc làm đẹp không được khử khuẩn đầy đủ, lây qua quan hệ tình dục không an toàn, cũng như có thể lây truyền từ mẹ sang con nếu người mẹ bị nhiễm virus viêm gan B. Do đó, cháu đi xét nghiệm thì bản thân không bị lây viêm gan B từ chồng, nên con cháu không bị lây viêm gan B từ cháu.

Khi cháu sinh con, cháu cần cho con đi tiêm phòng đầy đủ theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Khi cháu vô tình bị lây viêm gan B từ chồng, thì khi sinh con khả năng lây viêm gan B từ cháu sang con phụ thuộc nhiều yếu tố như: tình trạng nhiễm viêm gan B của cháu (đặc biệt tải lượng virus viêm gan B (HBV-ADN) trong máu...), cháu có được uống thuốc khác virus trong ba tháng cuối của thai kỳ và tiêm kháng huyết thanh cho trẻ ngay sau khi sinh cùng với tiêm vaccine viêm gan B hay không.

Bạn đọc Nguyễn Minh Thái (Đống Đa, Hà Nội): Thưa TS Quang, khả năng tiến triển của viêm gan B lên xơ gan, ung thư gan có cao hay không. Để giảm tránh nguy cơ này, những người mắc bệnh như cháu cần phải lưu ý về điều trị và chế độ sinh hoạt như thế nào?

Giao lưu trực tuyến về nhận biết và xử trí sớm bệnh viêm gan B ảnh 6

TS Trần Đại Quang: Người nhiễm virus viêm gan nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì dễ dẫn đến biến chứng xơ gan, ung thư gan.

Theo kết quả một số nghiên cứu trên nhóm bệnh nhân ung thư gan, có khoảng 90% nhiễm virus viêm gan trong đó hơn 60% là nhiễm virus viêm gan B.

Để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, người dân thường xuyên khám sức khỏe định kỳ, chủ động thực hiện xét nghiệm sàng lọc để phát hiện sớm và khi bị chẩn đoán mắc bệnh cần đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời giảm nguy cơ mắc các biến chứng như viêm gan, xơ gan và ung thư gan. Để phòng lây truyền virus viêm gan B, người dân cần thực hiện các biện pháp dự phòng như tiêm chủng đầy đủ vaccine viêm gan B liều sơ sinh và cho trẻ dưới một tuổi, chủ động tiêm phòng vaccine cho bản thân và người thân trong gia đình; không dùng chung dụng cụ tiêm, truyền, không dùng chung dụng cụ sinh hoạt cá nhân như bàn chải, dao cạo râu…; quan hệ tình dục an toàn; không tiêm chích ma túy, không dùng chung bơm kim tiêm hoặc dụng cụ tiêm chích.

Bạn đọc Lê Mai Lan (Thanh Oai, Hà Nội): Tôi có nghe thông tin là nếu mẹ bị mắc viêm gan thì cũng hạn chế cho con bú. Tôi xin hỏi bác sĩ vì sao lại như vậy. Tôi chuẩn bị lập gia đình, vậy tôi có nên điều trị viêm gan B không? Khi sinh con, tôi có nên cho con bú không ạ?

Giao lưu trực tuyến về nhận biết và xử trí sớm bệnh viêm gan B ảnh 7

TS, BS Nguyễn Văn Dũng: Mẹ bị viêm gan B vẫn tiếp tục cho con bú như bình thường. Các nghiên cứu khoa học trên thế giới và Việt Nam đã khẳng định virus viêm gan B không lây qua đường sữa mẹ. Nếu bị viêm gan B khi chuẩn bị lập gia đình thì bạn cần được đi khám và nghe tư vấn của các bác sĩ điều trị viêm gan B (bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm và các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa).

Ngoài ra, bạn vẫn cần tiếp tục cho con bú vì như tôi vừa giải thích, virus viêm gan B không lây qua đường sữa mẹ và sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ dưới sáu tháng tuổi.

Bạn đọc Hoàng Kiều (Yên Xá, Tân Triều, Hà Nội): Tôi được biết tỷ lệ phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ mắc viêm gan B tại Việt Nam khá cao và đây là nguồn lây cho con trong quá trình thai sản. Đến nay, chính sách sàng lọc viêm gan B cho các sản phụ và trẻ sơ sinh được triển khai như thế nào và đạt được hiệu quả như thế nào để bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước thật sự khỏe mạnh.

TS Trần Đại Quang: Tại Việt Nam, theo kết quả của một số nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B ở nhóm phụ nữ mang thai khoảng 10-20% và 90% số trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HBV có HBsAg dương tính có thể bị nhiễm virus viêm gan B từ mẹ, do đó việc phòng chống lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sang con là rất quan trọng.

Để giảm nguy cơ lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con, trong thời gian qua, chúng ta đã triển khai nhiều can thiệp nhằm giảm nguy cơ lây truyền HBV từ mẹ sang con như triển khai xét nghiệm HBsAg cho tất cả phụ nữ trong lần khám đầu tiên trước khi chuẩn bị mang thai và xét nghiệm lại trong thai kỳ và trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HBV có thể được bảo vệ hiệu quả bằng cách gây miễn dịch thụ động và chủ động (với tỷ lệ bảo vệ >90%).

Về chính sách phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con, Bộ Y tế đã có QĐ 7130/QĐ-BYT ngày 29/11/2018 ban hành Kế hoạch hành động quốc gia tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con, giai đoạn 2018-2030 nhằm tiến tới loại trừ các bệnh lây truyền từ mẹ sang con trong đó có viêm gan vi rút B. Kế hoạch này đã đặt ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cùng với các giải pháp thực hiện để đảm bảo người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em được tiếp cận với các dịch vụ, can thiệp loại trừ các bệnh lây truyền từ mẹ sang con trong đó có viêm gan B một cách liên tục và có chất lượng ví dụ như tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm sàng lọc viêm gan B trong thời kỳ mang thai ≥ 50% (2018-2020), tăng lên ≥70% (2021-2025) và đạt ≥95% (2026-2030). Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu đạt ít nhất 80% (2018-2020), tăng lên ít nhất 85% (2021-2025) và đạt ít nhất 90% (2026-2030).

Bạn đọc Trần Thị Thu (Hà Nội): Trong công tác điều trị, bác sĩ có gặp khó khăn gì khi phải điều trị cho những bệnh nhân mắc viêm gan B gặp những biến chứng do viêm gan B gây ra không ạ?

TS, BS Nguyễn Văn Dũng: Bệnh nhân viêm gan B có thể gặp rất nhiều biến chứng như: cấp tính gây suy gan cấp dẫn đến tử vong; hoặc những biến chứng mang tính kéo dài như xơ gan, ung thư tế bào gan và bệnh gan giai đoạn cuối dẫn đến bệnh nhân tử vong.

Do đó, trong công tác điều trị, các thầy thuốc gặp nhiều khó khăn khi phải điều trị những bệnh nhân mắc viêm gan B có các biến chứng do viêm gan B gây ra như: nguy cơ lây nhiễm cho nhân viên y tế; khi người bệnh bị ung thư gan thì việc điều trị khó khăn do đó đòi hỏi trang thiết bị cao cấp và kinh phí điều trị cao; tình trạng bệnh nhân nặng cần chỉ định ghép gan nhưng nguồn gan để ghép hết sức khó khăn.

Bạn đọc Nguyễn Lan Anh (Tây Hồ, Hà Nội): Bệnh viêm gan nếu không được quản lý và điều trị hiệu quả sẽ gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm như xơ gan cổ trướng, xơ gan mất bù, thậm chí là ung thư gan. Xin TS Trần Đại Quang cho biết, những đối tượng nào mắc viêm gan có nguy cơ mắc ung thư gan nhất?

Giao lưu trực tuyến về nhận biết và xử trí sớm bệnh viêm gan B ảnh 8

TS Trần Đại Quang: Cùng với virus viêm gan C, virus viêm gan B là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư gan. Theo kết quả một số nghiên cứu trên nhóm bệnh nhân ung thư gan, có khoảng 90% nhiễm virus viêm gan trong đó hơn 60% là nhiễm virus viêm gan B. Như vậy, người nhiễm virus viêm gan, người bị viêm gan, xơ gan là nhóm có khả năng mắc ung thư gan cao nhất. Ngoài ra, những người có người thân trong gia đình có tiền sử bị các bệnh về gan hoặc ung thư gan và người nghiện hoặc thường xuyên sử dụng rượu bia, chất kích thích quá nhiều cũng là nhóm có nguy cơ cao mắc ung thư gan. Bên cạnh đó các yếu tố như béo phì, tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư gan nên những người mắc các bệnh này cũng cần chủ động, thường xuyên tầm soát ung thư gan.

Bạn đọc Trần Tuấn Anh (Thanh Xuân, Hà Nội): Viêm gan B đã có vaccine phòng bệnh nhưng chưa có thuốc điều trị triệt để. Gia đình cháu có hai người mắc viêm gan B và đang phải uống thuốc điều trị ức chế virus nhiều năm qua. Cháu rất mong mỏi sẽ có loại thuốc điều trị triệt để viêm gan B như viêm gan C. Xin chuyên gia cho biết, đến bao giờ mới có thể có được loại thuốc này ạ?

TS Trần Đại Quang: Mặc dù chưa có thuốc điều trị triệt để viêm gan B, tuy nhiên các thuốc kháng virus điều trị hiện nay có hiệu lực cao và hiệu quả trong việc ức chế virus góp phần làm giảm nguy cơ xơ gan, ung thư gan. Ngoài ra, các thuốc này cũng đã được BHYT chi trả nên trong trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh viêm gan virus B thì người thân trong gia đình bạn vẫn tiếp tục điều trị và tuân thủ điều trị theo đúng phác đồ. Cần thường xuyên đánh giá mức độ tổn thương gan để đưa ra quyết định điều trị phù hợp và kịp thời.

Giao lưu trực tuyến về nhận biết và xử trí sớm bệnh viêm gan B ảnh 9

Bạn đọc Phan Huy (Hoàn Kiếm, Hà Nội): Thưa bác sĩ, hồi trẻ tôi có học theo các bạn đi xăm tay. Khoảng sáu năm sau, tôi phát hiện mình bị mắc viêm gan B và có thời điểm vàng da phải nhập viện điều trị. Vậy theo bác sĩ, bệnh này cần phải theo dõi định kỳ như thế nào? Và liệu có phải xăm trổ khiến tôi bị mắc viêm gan B hay không?

TS, BS Nguyễn Văn Dũng: Như đã nói ở trên, một trong những con đường mà virus viêm gan B lây truyền là thông qua các dụng cụ y khoa, xăm mình không được khử khuẩn đầy đủ, do đó cũng có thể xăm mình là nguyên nhân lây truyền bệnh của bạn. Khi bị nhiễm virus viêm gan B, bạn cần đến khám các bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm hoặc tiêu hóa để được các bác sĩ hướng dẫn khám định kỳ tùy theo mức độ bệnh của mình.

Giao lưu trực tuyến về nhận biết và xử trí sớm bệnh viêm gan B ảnh 10

Bạn đọc Hồ Thu Giang (Yên Mô, Ninh Bình): Thưa đại diện Cục Y tế dự phòng, hiện nay Việt Nam đã có những phương pháp điều trị mới nào với các bệnh viêm gan nguy hiểm như viêm gan B? Tỷ lệ người Việt mắc bệnh lý này có gia tăng trong những năm gần đây hay không?

TS Trần Đại Quang: Hiện nay, chưa có bằng chứng về tỷ lệ người Việt mắc bệnh lý viêm gan B có gia tăng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, căn bệnh này không được quan tâm đúng mức dẫn đến không có các số liệu chính xác về số người nhiễm virus viêm gan B.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B trong cộng đồng khoảng 8,1%, và ước tính có khoảng 7,8 triệu người đang nhiễm virus viêm gan B. Cũng theo số liệu của Bộ Y tế, đến năm 2030, số trường hợp nhiễm virus viêm gan B có xu hướng giảm. Trong kế hoạch giai đoạn 2020 – 2025, Bộ Y tế sẽ thực hiện các giải pháp để tăng cường việc tiếp cận và mở rộng dịch vụ chẩn đoán điều trị. Với các can thiệp này, số trường hợp nhiễm virus viêm gan sẽ có xu hướng giảm mạnh hơn nữa.

Bạn đọc Ngô Thanh Hà (Hà Đông, Hà Nội): Tôi có đọc các khuyến cáo, ngoài các đường lây qua máu, còn có khuyến cáo người dân không nên đi du lịch đến những nơi có tỷ lệ nhiễm HBV cao. Vậy làm thế nào để chúng tôi biết nơi nào có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B cao và người dân cần làm gì để tự bảo vệ cho mình tránh không bị lây nhiễm virus viêm gan?

TS Trần Đại Quang: Mặc dù, những người được sinh ra trong khu vực có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B cao như khu vực cận Sahara – Châu Phi hay một số nơi tại châu Á Thái Bình Dương, tuy nhiên Bộ Y tế cũng như Tổ chức Y tế Thế giới không có khuyến cáo là người dân không nên đi du lịch đến các khu vực này.

Virus viêm gan B lây truyền chủ yếu qua đường máu, quan hệ tình dục không an toàn và lây truyền từ mẹ sang con. Vì vậy, để phòng lây truyền virus viêm gan B, người dân cần thực hiện các biện pháp dự phòng như tiêm chủng đầy đủ vaccine viêm gan B liều sơ sinh và cho trẻ dưới 1 tuổi, chủ động tiêm phòng vaccine cho bản thân và người thân trong gia đình; không dùng chung dụng cụ tiêm, truyền, không dùng chung dụng cụ sinh hoạt cá nhân như bàn chải, dao cạo râu…; quan hệ tình dục an toàn; không tiêm chích ma túy, không dùng chung bơm kim tiêm hoặc dụng cụ tiêm chích.

Bạn đọc Hoàng Lệ Quyên (Nha Trang, Khánh Hòa): Thưa bác sĩ, bố cháu được phát hiện có u gan trên nền mắc viêm gan B. Cháu đã đưa bố cháu đi kiểm tra thêm nhiều nơi thì có nơi bác sĩ bảo u máu, có nơi bảo phải sinh thiết vì có viêm gan B, có nơi thì bảo u ký sinh trùng. Các kết quả xét nghiệm và chụp MRI đều không kết luận là u ác tính, cháu có đưa bố cháu đi điều trị theo hướng ký sinh trùng. Cháu muốn hỏi bác sĩ, khả năng bị ký sinh trùng ở gan có cao không và thường triệu chứng ổ nhiễm ký sinh trùng khác gì với một u ác tính?

TS, BS Nguyễn Văn Dũng: Tất cả người Việt Nam đều có nguy cơ bị nhiễm ký sinh trùng ở gan, tuy nhiên, tỷ lệ khác nhau tùy theo vùng miền, tập quán ăn uống và điều kiện vệ sinh. Ở những vùng có tập quán ăn các đồ ăn không được nấu chín, điều kiện vệ sinh kém như sử dụng nhà vệ sinh không đúng thì nguy cơ lây nhiễm các bệnh sán sẽ cao. Để phân biệt ổ nhiễm ký sinh trùng ở gan với u ác tính ở gan, cháu cần đưa bố cháu đến các cơ sở y tế để xác định chẩn đoán và đưa ra các biện pháp điều trị phù hợp.

Bạn đọc Trần Thu Trang (Nam Đàn, Nghệ An): Đối với người dân ở tuyến huyện như chúng tôi, làm thế nào để biết tầm soát bệnh viêm gan này? Hiện nay, BHYT đã thanh toán cho chúng tôi nếu như đi tầm soát và điều trị bệnh này ở tuyến huyện chưa?

Giao lưu trực tuyến về nhận biết và xử trí sớm bệnh viêm gan B ảnh 11

TS Trần Đại Quang: Bộ Y tế đã cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm gan virus B theo Quyết định 3310/QĐ-BYT ngày 29-7-2019. Theo đó, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến trung ương đến tuyến huyện đều có cơ sở để thực hiện xét nghiệm và điều trị bệnh viêm gan.

Mặc dù vậy, dịch vụ chẩn đoán và điều trị viêm gan B và đặc biệt là viêm gan C vẫn tập trung chủ yếu ở các bệnh viện lớn thuộc tuyến tỉnh và tuyến Trung ương do hạn chế về dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán. Trong kế hoạch mới Bộ Y tế sắp ban hành, việc mở rộng dịch vụ xét nghiệm, chẩn đoán và phân tuyến dịch vụ chăm sóc, điều trị là một trong những ưu tiên triển khai nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán và điều trị cho người dân.

Việc chi trả BHYT cho điều trị viêm gan B nói riêng đã được thực hiện theo Thông tư số 40/2014/TT-BYT trước đây và Thông tư 30/2018/TT-BYT hiện nay, trong đó các thuốc kháng virus điều trị viêm gan B đã được BHYT chi trả toàn bộ và áp dụng với tất cả các cơ sở khám chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên.

Ngoài ra, theo Thông tư số 35/2016/TT-BYT ngày 28-9-2016 của Bộ Y tế ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT thì điều kiện để quỹ BHYT thanh toán đối với xét nghiệm định lượng virus viêm gan B khi được bác sĩ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có đơn vị điều trị viêm gan chỉ định, thực hiện trong các trường hợp sau: Xét nghiệm lần đầu; Người bệnh được điều trị thì thanh toán xét nghiệm lần đầu và những lần xét nghiệm tiếp theo cách nhau sau 3 đến 6 tháng.

Tuy nhiên hiện nay việc tầm soát và xét nghiệm sàng lọc virus viêm gan chưa thuộc danh mục dịch vụ y tế được BHYT chi trả.

Bạn đọc Trần Thị Thu (Hưng Yên): Xin bác sĩ cho biết, nếu virus viêm gan B hoạt động mạnh và buộc phải điều trị nhưng nhiều người lại bỏ điều trị theo tây y vì chi phí lớn, dùng thuốc nam hoặc không điều trị thì liệu những diễn biến của bệnh nặng lên do viêm gan B là như thế nào?

TS, BS Phạm Quang Thái: Một số trường hợp sau điều trị lượng virus giảm xuống và duy trì được một thời gian sau khi bỏ trị tuy nhiên không thể khỏi hoàn toàn nên hoàn toàn có thể bị các đợt cấp tiếp theo. Ngoài ra do virus không được khống chế nên vẫn tiềm tàng phá hủy tế bào gan dẫn tới tình trạng xơ gan và ung thư gan trong tương lai xa hơn

Bạn đọc Nguyễn Nam Em (Bắc Ninh): Hai mẹ con tôi cùng mắc viêm gan B và đang phải điều trị theo phác đồ bên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương với chi phí khá tốn kém. Tuy nhiên, vì không kiên trì, con trai tôi đã bỏ giữa chừng. Xin hỏi bác sĩ, việc không điều trị kiên trì sẽ gây ra những hậu quả như thế nào?

TS, BS Nguyễn Văn Dũng: Bệnh viêm gan B cần điều trị kéo dài, điều trị không kiên trì sẽ gây ra nhiều biến chứng phức tạp. Đầu tiên, bệnh viêm gan sẽ bùng phát dẫn đến suy gan nặng, gây ra nguy cơ tử vong ở bệnh nhân. Hơn nữa, các biến chứng lâu dài của viêm gan B không được điều trị đầy đủ dẫn đến xơ gan hoặc ung thư tế bào gan và bệnh gan giai đoạn cuối.

Ngoài ra, việc không kiên trì điều trị, có thể dẫn đến tình trạng virus viêm gan B kháng với các thuốc điều trị, dẫn đến khó khăn trong việc lựa chọn thuốc điều trị cũng như làm tăng chí phí điều trị của bệnh nhân về sau.

Bạn đọc Trần Thị Linh Chi (Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội): Bố tôi điều trị viêm gan B ở tuyến dưới nhưng được khuyên dùng thêm một số loại thuốc bổ trợ ngoài thuốc BHYT thanh toán mà những thuốc này hầu hết đều rất đắt tiền. Nếu nhà tôi không điều trị theo thuốc BHYT thanh toán, mà điều trị loại thuốc mới BHYT chưa thanh toán thì chi phí điều trị những loại thuốc hiện đại nhất hiện nay có tốt không?

TS Trần Đại Quang: Hiện nay, Bộ Y tế đã có hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm gan virus B, trong đó tất cả các thuốc kháng virus điều trị viêm gan B đã được BHYT chi trả toàn bộ. Các thuốc điều trị viêm gan B theo hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế có hiệu lực ức chế virus cao và có hiệu quả trong việc giảm sự nhân lên của virus. Vì vậy, theo tôi, người bệnh không cần dùng thêm một số loại thuốc bổ trợ ngoài thuốc BHYT thanh toán.

Bạn đọc Lại Thị Huyền (Hải Dương): Thưa đại diện Cục Y tế dự phòng, Việt Nam đã có những chính sách gì để tiến tới tăng cường sàng lọc, phát hiện người mắc bệnh viêm gan B để điều trị hiệu quả như tổ chức các đợt khám miễn phí cho người dân hoặc đưa các chương trình tầm soát này về vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc miền núi?

TS Trần Đại Quang: Hằng năm, hưởng ứng Ngày Viêm gan thế giới 28-7, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh chuyên điều trị bệnh gan đều tổ chức các chương trình khám sáng lọc miễn phí viêm gan virus cho người dân. Tuy nhiên, do việc xét nghiệm sàng lọc viêm gan virus chưa nằm trong danh mục được BHYT chi trả, nên dẫn đến hạn chế cho người dân tiếp cận được các dịch vụ xét nghiệm sàng lọc này.

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ ban hành Kế hoạch Phòng chống viêm gan giai đoạn 2020 – 2025 và sẽ tập trung mở rộng dịch vụ xét nghiệm sàng lọc tại cộng đồng cho một số nhóm đối tượng đích có nguy cơ cao mắc bệnh. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sắp ban hành Hướng dẫn xét nghiệm chẩn đoán viêm gan virus. Sau khi ban hành tài liệu này, Bộ Y tế sẽ làm các bước tiếp theo để đưa kỹ thuật xét nghiệm vào danh mục được BHYT chi trả.

Bạn đọc Bùi An (Thanh Hóa): Nếu người mắc viêm gan B mắc thêm bệnh lý nền khác thì có nguy hiểm không? Mẹ tôi bị mắc viêm gan B nhiều năm nay, không những vậy, bà còn bị bệnh tim mạch, huyết áp và tiểu đường. Tôi xin bác sĩ chia sẻ thông tin về cách chăm sóc trường hợp này.

TS, BS Nguyễn Văn Dũng: Viêm gan B là một bệnh thầm lặng và nguy hiểm, do đó nếu người bệnh mắc thêm các bệnh lý nền khác thì mức độ nguy hiểm sẽ nhiều hơn rất nhiều hơn so với người chỉ có mắc viêm gan B đơn thuần.

Mẹ bạn bị mắc viêm gan B và cũng bị bệnh tim mạch, tăng huyết áp và tiểu đường, bạn cần đưa mẹ đến khám các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, nội tiết để phối hợp về sử dụng thuốc hợp lý và cách chăm sóc về chế độ dinh dưỡng cũng như nghỉ ngơi để mẹ bạn có sức khỏe tốt nhất.

Bạn đọc Phan Linh Chi (Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội): Xin ông cho biết, đến bao giờ các xét nghiệm đếm virus viêm gan B được BHYT thanh toán. Với tỷ lệ người dân mắc cao tại Việt Nam như hiện nay, nếu BHYT không hỗ trợ thì sẽ cướp đi nhiều cơ hội điều trị của người dân, đặc biệt là những người ở vùng sâu, xa, có hoàn cảnh khó khăn phải chi trả hàng triệu lần cho một lần làm các xét nghiệm đếm virus như hiện nay?

Giao lưu trực tuyến về nhận biết và xử trí sớm bệnh viêm gan B ảnh 12

TS Trần Đại Quang: Như tôi đã trả lời ở phía trên, hiện nay, các xét nghiệm sàng lọc virus viêm gan chưa nằm trong danh mục BHYT thanh toán. Tuy nhiên, sau khi Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn xét nghiệm chẩn đoán viêm gan virus, người dân và đặc biệt là những người ở vùng sâu, xa, có hoàn cảnh khó khăn sẽ có cơ hội được tiếp cận dịch vụ này do BHYT chi trả.

Bạn đọc Sầm Minh Thắng (Hà Nam): Đối tượng tiêm chích ma túy có nguy cơ cao nhất mắc các loại viêm gan như B, C do dùng chung kim tiêm. Bộ Y tế có những chiến dịch nào quản lý những đối tượng này, giúp quản lý, điều trị sớm, tránh lây lan viêm gan ra cộng đồng không?

TS Trần Đại Quang: Đối tượng tiêm chích ma túy là nhóm nguy cơ cao trong lây truyền HIV, viêm gan. Hiện nay, Chương trình dự phòng lây truyền viêm gan trong nhóm đối tượng tiêm chích ma túy được lồng ghép trong hoạt động can thiệp giảm tác hại thuộc chương trình Phòng chống HIV.

Các hoạt động can thiệp giảm tác hại được thực hiện trong nhóm đối tượng này bao gồm: Chương trình tư vấn can thiệp thay đổi hành vi nguy cơ; Chương trình cung cấp bơm kim tiêm sạch, trao đổi bơm kim tiêm cho người tiêm chích ma túy và điều trị thay thế thuốc gây nghiện bằng thuốc methadone.

Bạn đọc Trần Ngọc Diệp (Hoàng Mai, Hà Nội): Tôi từng điều trị viêm gan B theo phác đồ hiện đại nhất hiện nay. Tôi xin hỏi bác sĩ là, sau khi điều trị, tôi phải chú ý lịch tái khám và ăn uống như thế nào, khả năng tái phát của tôi có cao không và như thế nào được tính là điều trị khỏi hoàn toàn?

Giao lưu trực tuyến về nhận biết và xử trí sớm bệnh viêm gan B ảnh 13

TS, BS Nguyễn Văn Dũng: Sau khi bạn điều trị viêm gan B, bạn cần phải tuân thủ lịch khám của bác sĩ đã thăm khám cho bạn. Bạn cần ăn uống các thức ăn dễ tiêu hóa, cần hạn chế mỡ và các loại thức ăn khó tiêu. Bạn cần tránh uống rượu bia. Khi ngừng điều trị viêm gan B, bạn có nguy cơ bùng phát bệnh trở lại, khả năng tái phát tùy thuộc vào tình trạng bệnh của bạn khi bạn ngừng thuốc. Bệnh được coi là điều trị khỏi hoàn toàn là khi bạn loại trừ được virus viêm gan B ra khỏi cơ thể và xuất hiện kháng thể.

Bạn đọc Nguyễn Thị Mai (Hà Nội): Hiện nay, tỷ lệ nhiễm khuẩn tại cơ sở y tế cũng rất cao. Tôi xin hỏi chuyên gia, việc phải tiến hành phẫu thuật, thủ thuật, tiêm truyền… cho những bệnh nhân mắc viêm gan B tại các cơ sở y tế sẽ được chú trọng như thế nào để tránh là nguồn lây cho bệnh nhân và cho nhân viên y tế?

TS Trần Đại Quang: Virus viêm gan B lây truyền chủ yếu qua đường máu, quan hệ tình dục không an toàn và lây truyền từ mẹ sang con. Do đó, có nguy cơ lây truyền virus viêm gan khi phải thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật, tiêm truyền trong y tế.

Bộ Y tế đã có Quyết định hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở khám, chữa bệnh và kế hoạch hành động quốc gia về tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn trong cơ sở y tế nhằm tăng cường việc thực hiện phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn. Hầu hết các bệnh viện đã thành lập đơn vị phòng chống nhiễm khuẩn và triển khai các hoạt động phòng chống nhiễm khuẩn để phòng các bệnh lây qua đường máu, bao gồm virus viêm gan B.

Giao lưu trực tuyến về nhận biết và xử trí sớm bệnh viêm gan B ảnh 14

Bạn đọc Phan Linh Chi (Hà Nội): Xin bác sĩ cho biết phác đồ điều trị hiệu quả hiện nay đối với những người mắc bệnh viêm gan B về cả thời gian và chi phí. Những tác dụng phụ nào có thể xảy ra khi điều trị viêm gan B? Để hạn chế tác dụng phụ, người mắc bệnh cần phải có chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng ra sao ạ?

TS, BS Nguyễn Văn Dũng: Hiện nay, có hai phác đồ điều trị bệnh viêm gan B là sử dụng thuốc tiêm trong thời gian 12 tháng. Thuốc tiêm giá thành cao và rất nhiều tác dụng phụ cho nên hiện nay rất ít được sử dụng.

Phác đồ thứ hai là sử dụng thuốc uống, phác đồ này người bệnh cần được điều trị dài ngày, chi phí phù hợp (từ trên 500 nghìn đồng/tháng đến dưới 2,5 triệu đồng/tháng tuy theo loại thuốc). Có nhiều loại thuốc dạng uống, tác dụng phụ của thước còn tùy thuộc vào loại thuốc uống. Để hạn chế tác dụng phụ, người bệnh cần có chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng phù hợp nhất đặc biệt cần tránh sử dụng rượu bia.

Bạn đọc Nguyễn Mạnh Hùng (Hải Dương): Mỗi khi cháu uống rượu bia, cơ thể đều nổi đỏ và hôm sau có triệu chứng bị nổi mề đay. Liệu có phải tình trạng gan yếu nên dẫn tới những biểu hiện như thế?

TS, BS Phạm Quang Thái: Cơ địa dị ứng với rượu không hẳn do tình trạng gan yếu, gan yếu chỉ là một cách giải thích dân gian tuy nhiên cũng là cảnh báo cho bạn để tránh lạm dụng rượu bia.

Bạn đọc Nguyễn Thanh Huyền (Hà Nội): Tôi có nghe nói nhiều đến viêm gan B thể ngủ, xin bác sĩ cho biết, thế nào gọi là viêm gan B thể ngủ và tình trạng này có nguy hiểm hay không? Với khả năng sống lâu nhiều tháng trong vết máu khô, virus viêm gan B có nguy cơ lây nhiễm gấp từ 50-100 lần so với HIV. Bác sĩ có khuyến cáo gì với người dân nếu gia đình có người mắc viêm gan B hoặc sống ở vùng cộng đồng có nhiều người mắc viêm gan B không?

TS, BS Nguyễn Văn Dũng: Đối với người bị nhiễm virus viêm gan B, thì bệnh sẽ diễn biến theo các giai đoạn: nhiễm virus viêm gan B mạn (hay được gọi là thể ngủ tuy nhiên hiện nay thuật ngữ này không được sử dụng) và bệnh viêm gan B mạn. Nhiễm virus viêm gan B mạn là người bệnh nhân đang bị nhiễm virus viêm gan B nhưng không gây tổn thương gan. Cả người bệnh nhiễm virus viêm gan B mạn và bệnh viêm gan B mạn đều nguy hiểm. Nếu trong gia đình có người mắc viêm gan B hoặc sống ở cộng đồng có nhiều người mắc viêm gan B, bạn và người thân cần đi xét nghiệm sàng lọc và phát hiện nhiễm virus viêm gan B. Nếu bản thân bị nhiễm virus viêm gan B, bạn cần đến các bác sĩ chuyên khoa để được khám, theo dõi và điều trị kịp thời. Nếu không bị nhiễm viêm gan B, bạn vẫn cần đến các cơ sở y tế để tiêm phòng viêm gan B.

Bạn đọc Hoàng Tuấn Nam (Hà Nội): Thưa ông, việc điều trị ức chế virus HBV đã đạt được hiệu quả như thế nào trong những năm qua tại Việt Nam. Tỷ lệ % khỏi bệnh, ít tái phát và tái phát muộn như thế nào?

TS Trần Đại Quang: Như tôi trả lời ở trên, các thuốc này có hiệu lực cao trong việc ức chế virus và làm giảm nguy cơ nhân lên của virus. Các thuốc này cũng đã nằm trong danh mục được BHYT chi trả.

Hiện nay trên phạm vi toàn quốc chưa có số liệu cụ thể về số lượng người bệnh được tiếp cận với điều trị viêm gan virus B, C hằng năm cũng như chất lượng và hiệu quả của điều trị. Tuy nhiên, theo số liệu ước tính của Bộ Y tế thì còn nhiều người mắc viêm gan B chưa được điều trị. Điều này do hạn chế về hiểu biết của người dân về bệnh viêm gan, có nhiều thách thức rào cản tiếp cận các dịch vụ chẩn đoán và điều trị.

Theo nội dung của kế hoạch phòng chống viêm gan giai đoạn 2020-2025, Bộ Y tế sẽ có kế hoạch xây dựng hệ thống theo dõi bệnh nhân điều trị viêm gan virus, từ đó sẽ quản lý được số liệu về điều trị bệnh nhân đồng thời cũng sẽ theo dõi được hiệu quả điều trị hoặc sự tiến triển của bệnh.

Bạn đọc Vương Văn Hùng (Hà Nội): Qua nhiều năm công tác trong lĩnh vực truyền nhiễm, xin bác sĩ cho biết những biến chứng nặng nề có thể xảy ra với những người biết mình mắc viêm gan B nhưng không chịu điều trị và không đi tầm soát thường xuyên.

TS, BS Nguyễn Văn Dũng: Bệnh viêm gan B cần điều trị kéo dài, việc không điều trị sẽ gây ra nhiều biến chứng nặng nề. Đầu tiên, không điều trị viêm gan B sẽ gây ra viêm gan cấp và suy gan. Hơn nữa, người bệnh gặp các biến chứng lâu dài của viêm gan B nếu không được điều trị thì có nguy cơ bị xơ gan hoặc ung thư tế bào gan và bệnh gan giai đoạn cuối. Do đó, để phòng tránh các biến chứng và những hậu quả do bệnh viêm gan B gây ra, tất cả các bệnh nhân bị nhiễm virus viêm gan B cần tuân thủ phác đồ điều trị cũng như hướng dẫn về chăm sóc, dinh dưỡng của bác sĩ.

Bạn đọc Nguyễn Tuấn Cảnh (Thanh Hóa): Tôi được biết, việc xét nghiệm sàng lọc virus viêm gan B cho phụ nữ mang thai vẫn chưa được coi là xét nghiệm thường quy trong gói chăm sóc trước sinh, cũng như chưa có hướng dẫn của Bộ Y tế về việc kiểm soát nhiễm virus viêm gan B cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt là phụ nữ mang thai. Bên cạnh đó, việc khám sàng lọc viêm gan cho phụ nữ mang thai hầu hết chưa được thực hiện ở bệnh viện tuyến tỉnh và huyện; tỷ lệ bao phủ liều vaccine viêm gan B sau sinh có phần giảm xuống. Xin ông có thể cho biết cụ thể về tỷ lệ này và ngành y tế Việt Nam cần làm gì để kiểm soát được nguồn lây từ việc sản phụ lây sang con?

TS Trần Đại Quang, Cục Y tế dự phòng: Trước đây, đúng là xét nghiệm sàng lọc viêm gan virus cho phụ nữ mang thai chưa được coi là xét nghiệm thường quy trong gói chăm sóc trước sinh, cũng như chưa có hướng dẫn của Bộ Y tế về việc kiểm soát nhiễm virus viêm gan B cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt là phụ nữ mang thai.

Nhưng từ năm 2018, Bộ Y tế ban hành Kế hoạch hành động quốc gia tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con. Sau đó, năm 2019, Bộ Y tế cũng đã ban hành Hướng dẫn kỹ thuật can thiệp dự phòng HIV, viêm gan B, giang mai lây truyền từ mẹ sang con. Do đó, việc xét nghiệm sàng lọc virus viêm gan B là xét nghiệm thường quy trong gói chăm sóc trước sinh.

Bộ Y tế cũng đã đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp cụ thể để thực hiện xét nghiệm sàng lọc virus viêm gan B cho phụ nữ mang thai, tiến tới loại trừ lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con.

Thí dụ, tỷ lệ phụ nữ sinh đẻ được xét nghiệm sàng lọc viêm gan B trong thời kỳ mang thai ≥ 50% (2018-2020), tăng lên ≥70% (2021-2025) và đạt ≥95% (2026-2030). Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm vaccine viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu đạt ít nhất 80% (2018-2020), tăng lên ít nhất 85% (2021-2025) và đạt ít nhất 90% (2026-2030).

Bạn đọc Nguyễn Thị Thơm (Ninh Bình): Chồng cháu mắc viêm gan B và đã lây sang cháu. Tuy nhiên, gần đây cháu có đi xét nghiệm thì thấy mình được kết luận là viêm gan B âm tính. Theo bác sĩ, liệu có trường hợp nào đã mắc viêm gan B rồi mà khỏi được không ạ?

TS, BS Nguyễn Văn Dũng: Trong trường hợp trẻ em bị lây nhiêm virus viêm gan B từ mẹ, 95% đứa trẻ sẽ gặp nguy cơ mắc bệnh mạn tính. Tuy nhiên, đối với các trường hợp người lớn bị lây nhiễm virus viêm gan B thì tỷ lệ khỏi của những người này lên đến 80%. Đối với trường hợp của bạn bị lây bệnh từ chồng và đã được kết luận là viêm gan B âm tính, thì bạn có thể là một trong số những người đã khỏi bệnh.

Bạn đọc Trần Thị Thu Thảo (Hà Giang): Cháu ở vùng quê nghèo Hà Giang, cháu xin hỏi bác sĩ về trường hợp của con cháu. Do cháu có viêm gan B nhưng vì không biết cho nên không làm các tầm soát trước sinh và cũng không tiêm cho con ngay sau khi ra đời do cháu sinh non và yếu. Hiện giờ, con cháu được chẩn đoán cũng mắc viêm gan B. Bác sĩ có nói điều trị thải trừ virus viêm gan B ở trẻ con khó hơn người lớn. Xin hỏi bác sĩ vì sao điều trị ở trẻ con lại khó hơn người lớn và như trường hợp của con cháu nên điều trị ở đâu và bằng cách nào ạ?

TS, BS Nguyễn Văn Dũng: Điều trị bệnh viêm gan B ở trẻ em thường khó khăn hơn người lớn do ít có thuốc sử dụng được cho trẻ. Bạn nên đưa con bạn đến khám và điều trị ở các cơ sở y tế có các bác sĩ đã được đào tạo về điều trị bệnh viêm gan B như khoa nhi, khoa truyền nhiễm hoặc khoa tiêu hóa. Khi đến các cơ sở y tế các bác sĩ sẽ thăm khám, làm xét nghiệm và sẽ chỉ định phác đồ phù hợp.

Bạn đọc Trần Thị Thu Thảo (Hà Giang): Cháu ở vùng quê nghèo Hà Giang, cháu xin hỏi bác sĩ về trường hợp của con cháu. Do cháu có viêm gan B nhưng vì không biết cho nên không làm các tầm soát trước sinh và cũng không tiêm cho con ngay sau khi ra đời do cháu sinh non và yếu. Hiện giờ, con cháu được chẩn đoán cũng mắc viêm gan B. Bác sĩ có nói điều trị thải trừ virus viêm gan B ở trẻ con khó hơn người lớn. Xin hỏi bác sĩ vì sao điều trị ở trẻ con lại khó hơn người lớn và như trường hợp của con cháu nên điều trị ở đâu và bằng cách nào ạ?

TS, BS Nguyễn Văn Dũng: Điều trị bệnh viêm gan B ở trẻ em thường khó khăn hơn người lớn do ít có thuốc sử dụng được cho trẻ. Bạn nên đưa con bạn đến khám và điều trị ở các cơ sở y tế có các bác sĩ đã được đào tạo về điều trị bệnh viêm gan B như khoa nhi, khoa truyền nhiễm hoặc khoa tiêu hóa. Khi đến các cơ sở y tế các bác sĩ sẽ thăm khám, làm xét nghiệm và sẽ chỉ định phác đồ phù hợp.

Bạn đọc Trần Chí Trung (Hà Nội): Kết quả xét nghiệm viêm gan B và đếm virus của cháu được kết luận là ở ngưỡng virus chưa hoạt động. Xin bác sĩ cho biết đến ngưỡng nào thì cần phải sử dụng thuốc điều trị ức chế virus. Cháu cũng được nghe các bác sĩ giải thích hiện nay tỷ lệ kháng thuốc viêm gan B rất thấp, thất bại trong điều trị chỉ còn tỷ lệ nhỏ. Vậy phác đồ điều trị của loại thuốc tốt nhất để điều trị viêm gan B cả về thời gian điều trị và chi phí là như thế nào ạ?

TS, BS Nguyễn Văn Dũng: Chỉ định điều trị thuốc kháng virus dựa vào rất nhiều yếu tố, do đó khi quyết định điều trị bác sĩ không chỉ dựa vào tải lượng virus mà còn dựa vào mức độ xơ gan, ALT, độ tuổi bệnh nhân... Như đã trả lời ở trên, hiện nay có hai phác đồ điều trị bệnh viêm gan B đó là sử dụng thuốc tiêm trong thời gian 12 tháng, thuốc tiêm giá thành cao và rất nhiều tác dụng phụ cho nên hiện nay rất ít được sử dụng; phác đồ thứ hai là sử dụng thuốc uống, phác đồ này người bệnh cần được điều trị dài ngày, chi phí phù hợp (từ trên 500 nghìn đồng/tháng đến dưới 2,5 triệu đồng/tháng tùy theo loại thuốc). Có nhiều loại thuốc dạng uống do đó tác dụng phụ cũng tùy thuộc vào loại thuốc uống. Để hạn chế tác dụng phụ, người bệnh cần có chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng phù hợp nhất đặc biệt cần tránh sử dụng rượu bia. Hiện nay có hai phác đồ điều trị bệnh viêm gan B là sử dụng thuốc tiêm trong thời gian 12 tháng. Sử dụng thuốc tiêm giá thành cao và rất nhiều tác dụng phụ.

Với hơn 40 câu hỏi được độc giả gửi đến giao lưu trực tuyến “Nhận biết và xử trí sớm bệnh viêm gan B”, trong thời gian hai giờ đồng hồ, ba vị khách mời đã cung cấp cho độc giả những kiến thức về nhận biết sớm bệnh viêm gan B, các phác đồ điều trị mới hiệu quả có tỷ lệ thành công cao; đối tượng nào có nguy cơ mắc viêm gan B; diễn biến nguy hiểm của bệnh viêm gan B nếu bỏ qua việc tầm soát, điều trị sớm; Việt Nam tiến tới chấm dứt nguồn lây viêm gan B như thế nào… Những thông tin này hy vọng sẽ giúp độc giả nhận biết đầy đủ về bệnh viêm gan virus, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.