Giá giường dịch vụ 4 triệu đồng/ngày: Bộ Y tế nói gì?

NDO -

NDĐT – Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế cho hay, việc quy định mức giá tối đa là 4 triệu đồng đối với loại một giường/phòng tạo cơ hội cho các bệnh viện nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, thu hút người bệnh yên tâm điều trị tại Việt Nam mà không cần phải ra nước ngoài chữa bệnh.

Ông Nguyễn Nam Liên (ngồi giữa) cung cấp thông tin cho báo chí.
Ông Nguyễn Nam Liên (ngồi giữa) cung cấp thông tin cho báo chí.

Chiều 12-8, Bộ Y tế tổ chức buổi gặp mặt báo chí, cung cấp thông tin y tế về việc ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập. Một trong những nội dung được người dân đặc biệt quan tâm là Thông tư này có đưa ra mức giá tối đa là 4 triệu đồng đối loại một giường/phòng.

Các bệnh viện liệu có “tận thu”?

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế cho biết, đây chỉ là Thông tư hướng dẫn Giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu và chỉ áp dụng với người có nhu cầu và tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu.

“Đây không phải là Thông tư ban hành, quy định mức giá mà chỉ hướng dẫn xây dựng giá. Các đơn vị phải tự xây dựng, ban hành nhiều mức giá theo khả năng cung cấp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân”, ông Liên nhấn mạnh.

Về mức giá tới 4 triệu đồng với loại một giường/phòng, ông Liên cho biết, giường điều trị có hàng chục loại nên không phải cứ một giường/phòng là được thu 4 triệu đồng mà các bệnh viện phải xây dựng, quyết định giá cho từng loại giường như: hồi sức tích cực, giường sau các phẫu thuật loại đặc biệt, loại I, giường điều trị nội khoa…. Chi phí các vật tư chăm sóc người bệnh cũng phải tính theo từng loại giường; “Thực tế không phải bệnh viện nào cũng xây dựng được phòng dịch vụ có giá 4 triệu đồng”, ông Liên nói.

Về câu hỏi, liệu với khung mức giá cao này, các bệnh viện sẽ “tận thu” hay không, ông Nam Liên cho hay, giường dịch vụ theo yêu cầu, trên cơ sở tự nguyện của người dân nên các bệnh viện khi quyết định giá cũng phải tham khảo thị trường. Nếu giá cao, chất lượng chuyên môn, phục vụ chưa tốt thì người dân sẽ lựa chọn cơ sở y tế khác. Bộ Y tế cũng có cơ chế giám sát để bảo đảm các bệnh viện không “tận thu”.

Các cơ sở y tế chỉ được quyết định và thu theo mức giá yêu cầu khi bảo đảm các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực đối với từng loại dịch vụ. Do vậy sau khi Thông tư có hiệu lực, các đơn vị sẽ phải rà soát lại các hoạt động dịch vụ theo yêu cầu, nếu chưa đáp ứng phải đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhân lực để đáp ứng. Vì thế, các bệnh viện cũng chưa được áp dụng ngay mức giá tối đa mà phải xây dựng mức giá cụ thể của đơn vị trên cơ sở chất lượng dịch vụ và điều kiện của địa phương.

Đối với những người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật về BHYT; người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu sẽ vẫn được thực hiện theo mức giá do Bộ Y tế quy định trong thanh toán BHYT và mức giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

“Cởi trói” cho bệnh viện công, thu hút người bệnh điều trị tại Việt Nam

Hiện nay, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện của các bệnh viện như: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và K.

Vì thế, ông Nam Liên cho hay, Thông tư này sẽ giúp các bệnh viện trên có thêm văn bản hướng dẫn, thực hiện tự chủ tài chính, tăng thu nhập cho y, bác sĩ.

Ông Nam Liên lấy thí dụ, hiện nay có nhiều người bệnh có tiền chọn nằm điều trị tại bệnh viện tư nhân, nhưng khi chọn những bác sĩ can thiệp lại mời những chuyên gia đầu ngành tại các bệnh viện công. “Bệnh viện tư cơ sở vật chất rất tốt, nhưng về chuyên môn còn nhiều vấn đề. Vì thế, tại sao ta không gộp nội dung này lại, tạo cơ chế cho bệnh viện công xây dựng phòng dịch vụ chất lượng cao để phục vụ người bệnh tốt nhất, tránh lãng phí nhân tài”, ông Liên nói.

HIện nay, có gần 500 nghìn người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam. Với việc “cởi trói” giá giường dịch vụ cho các bệnh viện, tự các cơ sở y tế sẽ phải nâng cao chất lượng điều trị, phòng dịch vụ để thu hút được người bệnh trong nước không ra nước ngoài và người bệnh nước ngoài cũng yên tâm điều trị tại Việt Nam.

Do đó, quan điểm của Bộ Y tế nhấn mạnh, việc ban hành Thông tư nhằm quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động dịch vụ theo yêu cầu, không phải là tăng giá các dịch vụ theo yêu cầu.

Việc này không chỉ có ý nghĩa giảm bớt gánh nặng từ ngân sách nhà nước, giảm tải cho y tế tuyến trên mà còn góp phần phát triển các loại hình bảo hiểm y tế - sức khỏe thương mại; các gói bảo hiểm y tế bổ sung.

“Hiện nay, Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất các gói bảo hiểm y tế bổ sung như: gói bảo hiểm bổ sung không phải đồng chi trả, gói bảo hiểm bổ sung để thanh toán các chi phí KCB mà BHYT không thanh toán, gói bảo hiểm toàn diện, bao gồm cả khám, sàng lọc sớm, sử dụng các dịch vụ chất lượng cao”, ông Liên nói.