Gặp lại những chiến sĩ áo trắng ở Đà Nẵng

NDO -

Gặp lại những “chiến binh áo trắng” của Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng (Trung tâm) sau những ngày Đà Nẵng tạm trở lại bình yên, câu chuyện đọng lại sau những ngày làm việc kiệt sức, vẫn như mới hôm qua, đầy ám ảnh. Nhưng, chính những vất vả ấy lại trở thành điểm tựa để các chiến sĩ áo trắng tiếp tục làm việc, cống hiến hết mình vì đã chọn việc “nơi đầu sóng”.

Gặp lại những chiến sĩ áo trắng ở Đà Nẵng

Tự hào xen lẫn hạnh phúc khi nói về những dồng nghiệp của mình, bác sĩ Ngô Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm, nhớ như in hình ảnh điều dưỡng Huỳnh Đức Thành (sinh 1986) đã ngất xỉu vì mất nước trong cường độ làm việc liên tục, phải mặc đồ bảo hộ suốt nhiều giờ liền. “Thật sự lúc đó rất thương các anh em. Tình thương đó như là tình thương của người chị dành cho các em của mình vậy. Chúng tôi, như một gia đình”

Cao điểm trong đợt dịch thứ 2 bùng phát tại Đà Nẵng, những chiến sĩ áo trắng này đã liên tục vận chuyển với 150 chuyến xe/ngày. Mỗi ê-kíp có hai người, liên tục như con thoi trong ngày thành phố giãn cách, phong tỏa. Hơn 90 cán bộ, nhân viên, với 14 xe cứu thương, Trung tâm là đơn vị duy nhất được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng giao nhiệm vụ vận chuyển các ca mắc Covid-19 và các trường hợp nghi ngờ.

Những chiến sĩ áo trắng lặng thầm -0

Ngày 4-8, khi những hình ảnh xúc động của các chiến sĩ áo trắng 115 Đà Nẵng ngất xỉu, kiệt sức được chia sẻ trên các trang mạng xã hội, đó là ngày làm việc với cường độ quá cao. Những hình ảnh này được ghi lại trong ngày 4-8 khi Trung tâm thực hiện gần 150 chuyến chở các bệnh nhân bị Covid-19 và sơ tán các bệnh nhân từ Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng sang các bệnh viện khác, khi bệnh viện Đà Nẵng phong tỏa hoàn toàn.

Khoảng 14 giờ chiều 4-8, các nhân viên nhận lệnh chở ba bệnh nhân nặng mắc Covid-19 đang phải thở máy từ Bệnh viện Đà Nẵng sang điều trị tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang. Do trước đó các nhân viên đã có nhiều ngày làm việc quá sức, cường độ cao và luôn phải mang trên mình bộ đồ bảo hộ kín, cơ thể bị mất nước nên khi thực hiện xong nhiệm vụ, trở về Trung tâm cởi bỏ bộ đồ đã khiến các anh em bị choáng và ngã xuống đất.

Liền sau đó, ngày 5-8, một nhân viên sau khi thực hiện xong nhiệm vụ trở về, cởi bỏ bộ đồ bảo hộ thì bị choáng, phải nhờ đến sự trợ giúp hồi sức của các đồng nghiệp.

Những chiến sĩ áo trắng lặng thầm -0

10 ngày đỉnh điểm chiến đấu liên tục với hàng nghìn lượt xe chở bệnh nhân, di chuyển liên tục, tất cả không ai được về nhà. Bất cứ lúc nào được điều động là các bác sĩ, nhân viên y tế ở đây lại lên đường. Một số bác sĩ, nhân viên y tế hai tháng không về nhà.

“Anh em không sợ mắc Covid-19, chỉ sợ nếu có người mắc cả Trung tâm phải đi cách ly thì sẽ không có lực lượng để làm việc. Vì vậy, anh em luôn cố gắng bảo toàn lực lượng. Và kết thúc đợt dịch, 100% lực lượng được bảo đảm, không ai bị mắc bệnh cả, đó là điều rất đáng mừng”, bác sĩ Thảo tâm sự.

Điều dưỡng Nguyễn Trung (sinh 1989),  nhớ lại: “Có ngày, tôi tham gia vận chuyển bệnh nhân suy thận nặng vào Quảng Nam, vừa về được 20 phút thì lại tiếp tục chuyển một bệnh nhân khác ra Huế. Khi quay về là 9 giờ tối, lại tiếp tục chuyển bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến Bệnh viện 199 và khách sạn để cách ly. Trong vòng hai ngày như thế, chúng tôi làm việc liên tục là giải tỏa xong Bệnh viện Đà Nẵng. Nhiều lúc chúng tôi không có thời gian để xuống xe vì hết chuyến này là kề vào chuyến khác”.

Những chiến sĩ áo trắng lặng thầm -0

Vợ anh Trung cũng là điều dưỡng, công tác tại Đội Dự phòng y tế, Trung tâm Y tế quận Hải Châu. Cả hai vợ chồng cùng vào trận chiến, gửi hai con cho ông bà nội chăm sóc. Thời điểm đó, cháu nhỏ chưa cai sữa mẹ nên đêm đến khóc rất nhiều. Hai vợ chồng gọi điện về nhưng không dám cho cháu thấy mặt vì sợ cháu đòi. “Sau dịch trở về, đứa con trai hơn một tuổi đã không nhận ra mặt cha mình. Tôi phải mất gần một tuần để gần cháu. Lúc đó, buồn lắm”, điều dưỡng Trung xúc động.

Là một trong những lái xe “chinh chiến” của 115 Đà Nẵng, với anh Nguyễn Hữu Hạnh, cuộc chiến này chúng tôi không cầm súng mà cầm vô-lăng.

Vận chuyển bệnh nhân mắc Covid-19 đã rất nguy hiểm, nhưng, những ngày đó, khi  một mình một xe, chở thi thể bệnh nhân mắc Covid-19 đi hỏa táng, là cả một hành trình. Luôn xác định phải hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm an toàn không lây nhiễm, anh Hạnh lao đi. Hễ cứ nhận được lệnh là anh lại lên đường.

Những chiến sĩ áo trắng lặng thầm -0

“Có đi mới có thể về, có đi mới kết thúc được dịch. Trong cuộc chiến này, tuy chúng tôi không cầm súng nhưng cầm vô-lăng để góp phần mang lại bình yên, an lành cho người dân”, anh Hạnh xúc động chia sẻ.

Bác sĩ Trần Quốc Tuấn (Phó Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp) có nhiệm vụ là cấp cứu bệnh nhân nhưng lúc cao điểm dịch bệnh Covid-19, thiếu tài xế, anh kiêm luôn lái xe, tham gia vận chuyển các trường hợp các ca mắc Covid-19 đi điều trị và các trường hợp F1 đi cách ly.

Làm việc liên tục, xuyên ngày đêm dẫn đến kiệt sức, ngất xỉu, sốc nhiệt… các nhân viên y tế của Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng đã góp phần không nhỏ vào cuộc chiến chống dịch Covid-19 lần thứ 2 của TP Đà Nẵng.  

Những chiến sĩ áo trắng lặng thầm -0

Điều dưỡng Huỳnh Văn Hưng (sinh 1993) đã có những ngày làm việc với cường độ cao và không thể nào quên. “Lúc nhận lệnh vào cuộc chiến với nhiệm vụ vận chuyển bệnh nhân, anh em không ai bảo ai, cùng động viên nhau. Nhớ ngày chuyển bốn bệnh nhân suy thận mắc Covid-19 từ Bệnh viện Đà Nẵng lên Bệnh viện dã chiến Hòa Vang. Đúng lúc đó, thang máy của bệnh viện bị hỏng, chúng tôi đã phải khiêng bệnh nhân từ tầng 1 lên tầng 2. Không hiểu sức mạnh nào đã giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, nhưng, đã chọn nghề y, tất cả đều phải chấp nhận và phải chịu mọi rủi ro. Cái được lớn nhất sau những ngày tháng không thể quên này, là tình cảm anh em trong đơn vị thêm yêu thương, đoàn kết và gắn bó. 115 chúng tôi là một mái nhà”, anh Hưng nói.

Gặp lại những chiến binh áo trắng 115 Đà Nẵng lặng thầm nơi đầu tuyến chống dịch đúng dịp 27-2 - Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Trong những câu chuyện cảm động được kể lại, có sự sẻ chia gửi tới những những đồng nghiệp của họ ở những địa phương có dịch Covdi-19 đang hoành hành. Với họ, hoa cho ngày 27-2 là mong dịch bệnh nhanh kết thúc, để cuộc sống trở lại bình thường.

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan