Cùng Bộ trưởng Y tế nhìn lại thành tựu một năm của ngành

NDO -

NDĐT - Chiều nay, 26-12, Bộ trưởng Y tế đã có gần hai giờ đồng hồ để thông tin với báo chí về thành tựu và những vấn đề nóng của ngành Y tế trong năm qua.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Tại buổi trả lời báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã thông tin cụ thể về các vấn đề như: đổi mới thái độ phục vụ của cán bộ ngành y tế; điều chỉnh giá dịch vụ; giảm quá tại tại bệnh viện tuyến trên; đổi mới cơ chế tài chính; thực hiện xã hội hóa ngành y tế; tổng kết về tuyến y tế cơ sở; đổi mới hệ thống đào tạo y tế.

Triển khai đồng bộ các giải pháp hướng tới sự hài lòng của người bệnh

Một trong những thành tựu mà Bộ trưởng Y tế trả lời đầu tiên, đó là việc triển khai đồng bộ các giải pháp hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Trong đó, ngành Y tế đã triển khai các công việc cụ thể như tập huấn cán bộ, mở nhiều kênh để nhận thông tin từ phía người dân như đường dây nóng, hòm thư góp ý, facebook, zalo...

Một số bệnh viện tuyến huyện bước đầu cũng đã có những biến chuyển, làm giảm thời gian chờ đợi của người dân khi đi khám bệnh. Việc xây dựng cơ sở y tế xanh sạch đẹp cũng được cụ thể hóa bằng các tiêu chí như nhà vệ sinh sạch, hệ thống xử lý nước thải, rác thải y tế. Bộ trưởng cũng cho biết, năm qua, ngành Y tế đã tăng cường quản lý các dịch vụ đầu vào như bảo vệ, gửi xe, cantin, siêu thị hay những người dọn vệ sinh... nhằm nâng cao hiệu quả và chuyên nghiệp hoá cung cấp dịch vụ, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo sự hài lòng cho người bệnh…

Theo kết quả đánh giá độc lập của Viện Chiến lược và Chính sách y tế tại 22 bệnh viện (11 bệnh viện tuyến Trung ương, 8 bệnh viện tỉnh và 3 bệnh viện huyện) trong thời gian gần đây cho thấy: Mức độ hài lòng của người bệnh về chung về thời gian khám bệnh đạt 81,1%; Mức độ hài lòng của người bệnh về thời gian khám bệnh chung đạt 81,3% (tuyến Trung ương: 77,9%; tuyến tỉnh: 87,3%; tuyến huyện: 77,5%); Mức độ hài lòng của người bệnh đối với phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế: đạt chung 89,8% (Trung ương: 88%; tỉnh: 94%; huyện: 85,7%).

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận những hạn chế, vẫn còn rải rác cán bộ y tế và điều dưỡng có thái độ và phong cách phục vụ chưa tốt. Việc quá tải người bệnh ở các cơ sở y tế còn tồn đọng do cơ sở vật chất nên không thể giảm nhanh và giảm mạnh tình trạng này.

Giảm tải y tế tuyến trên

Về tình trạng nằm ghép bệnh nhân và quá tải ở các cơ sở y tế tuyến trung ương, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thông tin, năm qua tình trạng này đã có những bước chuyển biến rõ rệt. Trong quá trình đi khảo sát trực tiếp tại các bệnh viện và hỏi trực tiếp người dân, Bộ trưởng cũng phát hiện ra còn tình trạng nằm ghép bệnh nhân ngoại trú và nội trú tại Bệnh viện K - Tân Triều hoặc Bạch Mai bị quá tải trong việc khám chữa bệnh.

Bộ trưởng khẳng định, việc quá tải bệnh viện tuyến trên vẫn chủ yếu do người dân chưa tin vào bệnh viện tuyến địa phương. Cách tổ chức của các cơ sở y tế địa phương chưa khoa học, không hẹn được lịch trước dẫn đến sáng thì rất đông nhưng chiều lại vắng người khám. Việc quá tải còn do việc người nhà đi theo người bệnh, có những trường hợp 1 bệnh nhân có tới 3 người nhà đi cùng. Việc nằm ghép sẽ rất khó thực hiện được ngay lập tức vì những khoa như chấn thương, chỉnh hình; ung bướu; tim mạch luôn trong tình trạng quá tải.

Để giải quyết tình trạng này, Bộ Y tế đã triển khai rất hiệu quả Đề án bệnh viện vệ tinh để chuyển giao công nghệ cao, kỹ thuật và chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới. Nhờ đó, một số tỉnh như Bắc Giang, Hòa Bình trước khi chuyển tuyến 100% thì nay chỉ còn từ 5 đến 30% bệnh nhân chuyển tuyến. Bộ trưởng cũng khẳng định tới đây sẽ quyết liệt tăng cường y tế cơ sở.

Ngành Y tế cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào Bệnh viện vệ tinh để rút ngắn thời gian điều trị của người bệnh. Ví dụ trước nay bệnh nhân có khi nhập viện cả tuần mới làm đủ các xét nghiệp mới tiến hành mổ thì nay sẽ phải rút ngắn xuống 1, 2 ngày hội chẩn để mổ, giảm thời gian nằm viện của bệnh nhân.

Năm qua, các cơ sở y tế đã hình thành trung tâm y tế hai chức năng, vừa dự phòng, vừa điều trị. Trung tâm sẽ vừa thực hiện khám chữa bệnh vừa phòng chống dịch, chăm sóc sức khỏe ban đầu. Việc này làm giảm bớt đầu mối, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu lực quản lý của nhà nước.

Việc đánh giá chất lượng của bệnh viện với 83 tiêu chí và thí điểm tiêu chí mới, Bộ trưởng cho hay, có nhiều bệnh viện chưa dám ký cam kết cụ thể về việc giảm quá tải. Bộ trưởng cũng khẳng định, nếu bệnh viện nào tái diễn tình trạng quá tải thì giá dịch vụ trong định mức sẽ giảm bớt đi. Và khi các bệnh viện phải tự chủ về tài chính, không có ngân sách Nhà nước thì chính các bệnh viện sẽ bị thiệt.

Đưa tiền lương vào giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Việc đưa tiền lương vào giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cũng nằm trong tốp 10 sự kiện nổi bật của ngành Y tế năm qua. Hiện nay, đã có 36 tỉnh thành thực hiện việc đưa tiền lương vào giá dịch vụ. Điều đó làm cho việc thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân đã có những con số vượt trội. Cụ thể, là 81,3% dân số tham gia bảo hiểm y tế, vượt chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ giao (năm 2016 Chính phủ giao 79%).

Việc điều chỉnh này khiến cho số người dân, đặc biệt ở Thành phố Hồ Chí Minh mua thẻ bảo hiểm tăng lên rõ rệt. Hiệu quả của nó thể hiện rõ rệt ở chỗ, các đối tượng có thẻ bảo hiểm không phải mất nhiều chi phí như trước mà được hưởng chất lượng y tế cao hơn.

Trong năm 2017, Bộ Y tế tiếp tục thực hiện mức giá có tiền lương đối với người có thẻ bảo hiểm y tế tại 27 tỉnh, thành phố. Đối với đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế thì hiện nay, vẫn thực hiện mức giá ban hành từ năm 2006 và 2012, chưa tính đủ chi phí trực tiếp, chưa có tiền lương, thấp hơn mức giá khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế. Lộ trình thực hiện mức giá cho người chưa có thẻ bảo hiểm y tế đang chậm hơn thời gian quy định của Chính phủ.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết về việc trục lợi bảo hiểm, một số vụ việc trong thời gian qua đã được pháp luật xử phạt nghiêm minh (Bệnh viện Chợ Rẫy, Sở Y tế Gia Lai…). Bộ Y tế sẽ giám sát chặt chẽ, nếu đơn vị nào có tính lạm dụng, chỉ định lâm sàng quá mức cần thiết thì bảo hiểm y tế sẽ không thanh toán. Nếu có sai phạm có Nghị định xử phạt hành chính, nếu trục lợi thì cơ quan pháp luật sẽ xử lý triệt để.

Đấu thầu thuốc tập trung, tránh chênh lệch giá

Bộ Y tế đã trình Chính phủ phê duyệt và sắp ký ban hành Đề án Đấu thầu thuốc tập trung giúp quản lý giá tốt hơn, tránh chênh lệch giá giữa các vùng miền. Có những danh mục đấu thầu trung ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và tại từng các bệnh viện. Một trong những điểm mới là bên cạnh việc đấu thầu công khai là việc đàm phán giá, giúp cho giá thuốc có thể giảm tới 50%.

Năm 2016 cùng với Luật Dược sửa đổi, đưa ra một loạt đổi mới làm cho quản lý thuốc và giá cả, công nghiệp dược, quản lý dược liệu chặt chẽ hơn, cung ứng thuốc cho người dân an toàn và hợp lý.

Đổi mới toàn diện đào tạo cán bộ y tế

Việc đổi mới toàn bộ hệ thống đào tạo y tế gắn với hai đề án đào tạo được Chính phủ phê duyệt mô hình đào tạo y khoa và chuyên khoa rành mạch hơn về hệ hàn lâm - lý thuyết nghiên cứu và thực hành. Điều đó đảm bảo đội ngũ thầy thuốc chất lượng, hội nhập hơn và lương khởi điểm của ngành y tế tăng lên với trước.

Xã hội hóa và đầu tư cho Y tế

Ngành Y tế tăng cường xã hội hóa bằng các biện pháp như liên kết với các nhà máy; khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập vay vốn ngân hàng để xây dựng cơ sở khang trang hơn, mua thiết bị...; kết hợp và kêu gọi xã hội cho việc phát triển cơ sở hạ tầng.

Bộ trưởng cũng thông tin việc đề nghị các cơ sở y tế đẩy nhanh tiến độ xã hội hóa để phát triển ngành y tế, phục vụ nhu cầu đa dạng của người dân và người dân được sử dụng dịch vụ chất lượng cao.