Chưa tăng thuế với rượu, bia trong dự Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia

NDO -

NDĐT - Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia sẽ chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia; bỏ Quỹ phòng, chống tác hại rượu bia ra khỏi luật và “bước đầu, Luật là quan điểm của Nhà nước với phòng, chống tác hại rượu, bia, truyền thông cho xã hội nhằm thay đổi mạnh mẽ hành vi uống rượu, bia”.

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.
TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế.

Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia sẽ được trình Quốc hội vào ngày mai, 9-11. Trước sự kiện quan trọng này, ngày 8-11, hội thảo về cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu, bia khuyến nghị của các tổ chức phi Chính phủ đối với dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia đã được Bộ Y tế tổ chức sáng nay, 8-11.

Chưa tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có ba mục tiêu gồm kiểm soát quảng cáo; giảm tính sẵn có của rượu bia; tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng giá bán rượu bia.

Tuy nhiên, trong dự thảo Luật trình Quốc hội ở kỳ họp thứ 6 lần này, mục tiêu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia sẽ không được xem xét đến. “Luật vẫn quy định mức thuế cũ và có thể sẽ tăng trong tương lai gần đây”, ông Huy Quang nói.

Theo ông Quang, quảng cáo hiện nay có giá khá thấp so với thế giới. Rượu dưới 15 độ quy định chế tài ở mức vừa phải. Trong khi ở các quốc gia Pháp, Thụy Điển, Phần Lan… cấm rất nghiêm.

Về giảm tính sẵn có của rượu bia, Luật quy định liên quan đến việc bán hàng trên internet nếu làm cho tiếp cận rượu bia tăng. “Luật mang tính nguyên tắc, giao chính quyền địa phương, theo lộ trình sẽ quy định địa điểm bán, giờ bán, phương thức bán”, ông Quang cho hay.

Hiện nay, chúng ta có 94 triệu dân, mỗi năm tiêu thụ 305 triệu lít rượu, tiêu thụ 4,1 tỷ lít bia. Năm 2016, lượng tiêu thụ cồn trên 15 tuổi ở nước ta là 8,3 lít cồn nguyên chất. Xu hướng uống rượu ở tuổi trẻ gia tăng, nguy hại lớn với sức khỏe người dân, trong đó có tai nạn giai thông. 36% vụ tai nạn liên quan đến rượu bia, chưa tính bạo lực gia đình, gây rối trật tự công cộng.

“Chi phí chi cho tiền mua rượu bia mỗi năm người dân rất lớn, khoảng 4 tỷ USD/năm, trong khi giá trị xuất khẩu gạo chỉ 2,41 tỷ USD. Thu của doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước có 50 nghìn tỷ đồng, nhưng theo WTO, mức thấp nhất chi phí bỏ ra cho việc phòng chóng tác hại rượu bia, trong đó có bệnh tật, tai nạn, không có việc làm thì mất 65 nghìn tỷ đồng”, ông Quang quan ngại.

Việc cần có của Luật Phòng, chống tác hại rượu bia có giá trị trong phát triển bền vững, dung hòa lợi ích sức khỏe và kinh tế, trong đó lợi ích sức khỏe đóng vai trò chủ đạo để tạo ra nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước.

Luật mang tính chất truyền thông về phòng, chống tác hại rượu bia

Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhận định, dự thảo Luật này so với các luật quốc tế không phải là quy định quá mạnh, không quá nghiêm khắc để chúng ta có thể thực hiện được các cam kết với quốc tế.

“Bước đầu, Luật mang tính tuyên ngôn, quan điểm của Nhà nước với phòng, chống tác hại rượu bia, giảm tỷ lệ mắc bệnh liên quan đến không lây nhiễm trong đó có tim mạch, ung thư, tâm thần… Luật này coi như một nội dung truyền thông mạnh mẽ nhằm thay đổi hành vi uống rượu bia, bảo đảm sức khỏe. Bên cạnh đó, Luật cũng làm tăng ý thức doanh nghiệp về kinh doanh rượu bia, cửa hàng bán rượu bia nếu không nghiêm túc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, quảng cáo sẽ vi phạm luật”, ông Quang nói.

Theo ông Quang, trong thời gian vừa qua, nhiều hội thảo, diễn đàn để thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia đã diễn ra. “Trong quá trình thảo luận, tranh luận tại các diễn đàn đó, đã có sự “giằng xé” giữa lợi ích về mặt sức khỏe và mặt lợi ích về kinh tế, trong đó thông tin được đưa ra công luận phần nhiều phản ánh ý kiến của các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất rượu bia, còn các ý kiến của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Liên minh Chính sách đồ uống có cồn toàn cầu (GAPA), Tổ chức Nhịp cầu sức khỏe (Health Bridge Canada), Liên minh Nếp sống lành mạnh (IOGT), Liên minh Phòng, chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN)…. và ý kiến của các chuyên gia về y tế, sức khỏe lại ít đươc nhắc đến, ít được quan tâm”, ông Quang nêu thực tế đáng chú ý.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế bày tỏ quan ngại: “Tên của luật đã được Quốc hội đưa vào Dự thảo Luật và Chính phủ cũng đã quyết định đưa ra trình Quốc hội, đó là “Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia”, nhưng các doanh nghiệp lại muốn thêm chữ “lạm dụng” vào, khiến người dân nghĩ rằng phải đến khi lạm dụng thì mới cần chống, nhưng để đến lúc đó thì đã muộn rồi”.

Hiện các tổ chức đó đã có tổng cộng 10 thư kiến nghị/góp ý gửi tới lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, trong đó có các tổ chức đã phải gửi tới hai lần (WHO, GAPA, HealthBridge Canada, NCDs-VN). Về kiểm soát, quảng cáo, khuyến mại hay tài trợ, các tổ chức góp ý, các chính sách phòng, chống tác hại của rượu bia hiệu quả/tốt nhất cần được củng cố trong dự thảo Luật. Theo đó, ngoài những quy định hiện nay được đề cập trong dự thảo cần được bổ sung hoặc điều chỉnh theo hướng cấm quảng cáo, khuyến mại tài trợ, quy định hạn chế tính có sẵn của mặt hàng rượu bia và sự tiếp cận với đối tượng dưới 18 tuổi.

Các tổ chức cũng kiến nghị cần có nguồn kinh phí bền vững để thực thi luật, đưa luật vào cuộc sống và tổ chức nguồn kinh phí theo hình thức tạo quỹ nâng cao sức khỏe bằng trích phần trăm thuế tiêu thụ đặc biệt mặt hàng rượu bia, thực hiện quản lý theo đúng nguyên tắc khoa học lập và phát triển quỹ cho triển khai phòng, chống tác hại rượu bia trong nội dung của phòng, chống bệnh không lây nhiễm và chăm sóc sức khỏe nhân dân.