Chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa đông - xuân

Khí hậu mùa đông - xuân thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa như bệnh sởi, rubella, viêm não do mô cầu, tiêu chảy do vi-rút Rô-ta, sốt xuất huyết (SXH), tay, chân, miệng (TCM), bệnh cúm A (H5N1), cúm A (H1N1)...

Cán bộ Trạm y tế xã Đoàn Kết (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) kiểm tra sức khỏe cho trẻ em trước khi tiêm vắc-xin.
Cán bộ Trạm y tế xã Đoàn Kết (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) kiểm tra sức khỏe cho trẻ em trước khi tiêm vắc-xin.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu mùa đông - xuân, ngành y tế và các địa phương tập trung chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Theo số liệu thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): từ đầu năm đến nay, cả nước có hơn 250 nghìn người mắc SXH, trong đó có 50 trường hợp tử vong tại 18 tỉnh, thành phố. So với cùng kỳ năm 2018, số người mắc tăng gấp 2,9 lần; tuy nhiên tỷ lệ tử vong thấp hơn năm 2018. Bệnh TCM, có gần 85 nghìn người mắc tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có một trường hợp tử vong. Có hơn 41 nghìn người sốt phát ban nghi sởi, trong đó 8.209 trường hợp mắc sởi dương tính và ba người tử vong tại Sơn La, Hòa Bình, Hà Nam... Ngoài ra, tại các địa phương vẫn tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc các bệnh như: bạch hầu, liên cầu lợn ở người, viêm màng não do não mô cầu, ho gà, viêm não Nhật Bản, viêm não vi-rút...

TS Đặng Quang Tấn, Phó cục trưởng, phụ trách Cục Y tế dự phòng cho biết, mùa đông - xuân, với điều kiện thời tiết ẩm, ướt, nhất là gia tăng sự giao lưu đi lại trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội mùa xuân là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm lây lan, bùng phát, nhất là các bệnh như: cúm, sởi, liên cầu lợn, tiêu chảy cấp, cúm gia cầm, SXH, TCM, bạch hầu, rubella, lỵ... Ngoài ra, đây là thời gian nhu cầu tiêu thụ thực phẩm từ gia cầm của người dân tăng cao; giao thông, thương mại quốc tế tăng dẫn đến nguy cơ xâm nhập các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi.

Các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người có xu hướng gia tăng, trong khi đó việc giải quyết mầm bệnh trên vật nuôi còn nhiều bất cập. Các bệnh như sởi, bạch hầu, ho gà... có nguy cơ xảy ra các ổ dịch tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Chính quyền tại một số địa phương chưa thật sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp ngành y tế trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng; nhận thức của người dân còn hạn chế...

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là bảo đảm sức khỏe người dân trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và các lễ hội mùa xuân, Bộ Y tế đề nghị UBND các cấp tập trung chỉ đạo các đơn vị có liên quan trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với ngành y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch tại cộng đồng, nhất là giám sát chặt chẽ các đối tượng phải kiểm dịch tại cửa khẩu. Ngành y tế các địa phương tổ chức điều tra, khoanh vùng xử lý ổ dịch và báo cáo kịp thời các trường hợp mắc bệnh theo quy định; rà soát, chuẩn bị đầy đủ danh mục thuốc, hóa chất, trang thiết bị bảo đảm nhu cầu đáp ứng phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm cung ứng kịp thời, đủ vắc-xin tiêm chủng mở rộng và phòng, chống dịch.

Các cơ sở điều trị tập trung các nguồn lực, nhân lực để thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu người bệnh hạn chế đến mức thấp nhất số trường hợp tử vong; các địa phương, cơ sở y tế tập huấn phòng, chống nhiễm khuẩn bệnh viện, tập huấn công tác điều trị người bệnh và kịp thời hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương, đơn vị tuyến dưới khi có yêu cầu...

Các địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng, bảo đảm tiêm đủ mũi, đúng lịch với các bệnh, nhất là đối với bệnh sởi, rubella, ho gà, bạch hầu, viêm não, các cơ sở y tế cần rà soát đối tượng, tổ chức tiêm vét, tiêm bổ sung và tổ chức các chiến dịch tiêm phòng để bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ đạt ít nhất 95% quy mô xã, phường. Người dân thực hiện nghiêm túc các nội dung khuyến cáo về phòng, chống dịch bệnh mùa đông - xuân ngành y tế đưa ra; khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời...