Đưa bác sĩ về tuyến dưới:

Bước ngoặt lớn cho y tế cơ sở

NDO -

NDĐT – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, hơn sáu năm qua, Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” đã phát huy hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở. “Đây là một bước ngoặt lớn cho y tế tuyến dưới”, Bộ trưởng nói.

Các bác sĩ trẻ thực hiện ca phẫu thuật nội soi ruột thừa tại Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà (Lào Cai). (Ảnh: ANH ĐỖ)
Các bác sĩ trẻ thực hiện ca phẫu thuật nội soi ruột thừa tại Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà (Lào Cai). (Ảnh: ANH ĐỖ)

Theo Bộ Y tế, tại 62 huyện nghèo của cả nước đang thiếu khoảng 600 bác sĩ. Trước thực trạng này, nhằm nâng cao cho y tế cơ sở, Bộ Y tế đã triển khai dự án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện ít nhất ba năm ở những địa bàn khó khăn với mục tiêu đến năm 2020 sẽ đưa khoảng 300 đến 500 bác sĩ trẻ về công tác tại các huyện vùng khó khăn.

Dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở các địa phương còn khó khăn. Qua đó, tạo cơ hội cho người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng, xã hội.

Hiện tại, dự án đã và đang đào tạo chuyên khoa I cho 354 bác sĩ thuộc 11 chuyên ngành trong thời gian 24 tháng. Sau đó, các bác sĩ sẽ công tác ba năm (đối với nam) và hai năm (đối với nữ) tại các huyện nghèo như đã đăng ký. Riêng đối với những bác sĩ được các huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại bệnh viện hoặc trung tâm y tế huyện nghèo đó.

Đến nay, với năm khóa bác sĩ trẻ đã tốt nghiệp, dự án đã bàn giao 77 bác sĩ cho 37 huyện nghèo, thuộc 13 tỉnh khó khăn ở khu vực miền núi phía bắc và miền trung. Trong đợt bàn giao 25 bác sĩ khóa 5 về công tác tại 16 huyện nghèo thuộc 10 tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Bắc Cạn, Lai Châu, Lạng Sơn, Phú Thọ, Sơn La, Nghệ An cuối tháng 9 vừa qua, có tới 15 bác sĩ là người dân tộc Mông, Thái, Tày, Mường, Nùng.

Hiện nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã triển khai thí điểm hiệu quả việc đưa bác sĩ trẻ, giỏi của bệnh viện về công tác tại một số bệnh viện huyện, thậm chí tại trạm y tế xã để nâng cao hiệu quả của công tác chỉ đạo tuyến và tăng cường nhân lực chất lượng cao cho tuyến cơ sở.

Bước ngoặt lớn cho y tế cơ sở ảnh 1

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chúc mừng và tặng quà cho các bác sĩ trẻ tình nguyện.

Bệnh viện Đa khoa huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai là một trong bốn điểm của y tế tuyến dưới đã được hưởng lợi từ Dự án Đào tạo Chăm sóc sức khỏe ban đầu Nhi khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương bao gồm: Bệnh viện Đa khoa Mường Khương, Lào Cai; Trung tâm Y tế huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An; BV Đa khoa Triệu Sơn, Thanh Hóa và Trạm y tế xã Yên Sơn, TP Tam Điệp, Ninh Bình. Tại đây, Bệnh viện Nhi Trung ương cử 2-3 bác sĩ nội trú bệnh viện xuống công tác luân phiên liên tục trong vòng hai năm nhằm hỗ trợ chuyên môn, đồng thời đào tạo cho các bác sĩ, cán bộ y tế tại bệnh viện và nhân viên y tế trong khu vực.

GS, TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, qua công tác đánh giá từ các đợt giám sát, số lượng bệnh nhi đến khám và điều trị tại ba bệnh viện và trung tâm y tế này tăng từ 120- 200% so với thời điểm trước khi triển khai dự án. Tỷ lệ chuyển tuyến cũng giảm rõ rệt, số lượng mặt bệnh được điều trị tại chỗ ngày một tăng.

“Dự án này không chỉ giúp tỷ lệ chuyển tuyến giảm, mà các bác sĩ còn đưa một số kỹ thuật mới vào triển khai ngay tại địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực sơ sinh như thở CPAP, nuôi dưỡng trẻ đẻ non thấp cân…”, ông Hải cho hay.

Trong quá trình triển khai, các bác sĩ cũng đã tích cực đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho các bác sĩ, cán bộ tuyến dưới để khi dự án kết thúc, các bệnh viện đã có một đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, có tính hệ thống và tiếp tục đảm nhiệm được công tác khám, chữa bệnh như khi có các bác sĩ của bệnh viện Nhi Trung ương tại đó.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hơn sáu năm qua, đội ngũ bác sĩ trẻ này đã thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người dân ngay tại địa bàn và phẫu thuật, can thiệp được nhiều ca bệnh khó mà trước nay đều phải chuyển tuyến. Có những bác sĩ thực hiện gần một nghìn ca phẫu thuật/năm, xử trí được nhiều ca phẫu thuật phức tạp, tạo niềm tin cho người dân tại đây yên tâm khi khám, chữa bệnh tại y tế cơ sở.